Có thể bạn chưa biết, loại tài sản được những người giàu nhất thế giới rót tiền “khủng” nhất không phải cổ phiếu và rất nhiều tỷ phú đầu tư “theo đam mê”.
Các tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay đều là những doanh nhân có đầu óc kinh doanh nhạy bén và là những nhà đầu tư thông minh. Họ được biết đến với sự hiểu biết, kinh nghiệm và hơn hết, họ có những chiến lược đầu tư đa dạng, sinh lời cao giúp mang lại khối tài sản khổng lồ.
Bạn đã bao giờ tự hỏi những người giàu nhất thế giới đầu tư hàng triệu USD của họ như thế nào?
Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Knight Frank đã tiến hành khảo sát hơn 500 chủ ngân hàng tư nhân, cố vấn tài chính và văn phòng gia đình đại diện cho khối tài sản tổng cộng hơn 2.500 tỷ USD.
Trong "Báo cáo thịnh vượng" năm 2023 công bố mới đây, Knight Frank trình bày chi tiết cấu tạo danh mục đầu tư tài chính của các cá nhân siêu giàu có giá trị tài sản ròng cao hàng đầu thế giới này, bao gồm các loại tài sản giá trị và sinh lời cao như bất động sản, vàng, các tác phẩm nghệ thuật, tiền điện tử...
Dưới đây là những cách làm giàu từ giới thượng lưu có thể giúp chúng ta biết cách vận hành tiền bạc.
Nhìn chung, bất động sản thương mại (loại hình nhà đất sinh ra thu nhập thường xuyên, được xây dựng và sử dụng chỉ cho mục đích kinh doanh cho thuê) chiếm phần nhiều trong danh mục đầu tư của giới siêu giàu.
Báo cáo của Knight Frank chia thành 2 loại hình đầu tư bất động sản thương mại là trực tiếp (21%) và gián tiếp thông qua quỹ ủy thác hoặc vay nợ (13%).
43% số người được hỏi cho biết khách hàng của họ hiện đang đầu tư vào các tòa nhà văn phòng - loại bất động sản thương mại phổ biến nhất - trong khi bất động sản có mục đích phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực được đầu tư rộng rãi nhất với 35%.
Ngoài ra, các yếu tố môi trường cũng có ý nghĩa quan trọng trong cách người giàu chọn bất động sản để đầu tư, khi 57% cho biết khách hàng của họ xem xét liệu bất động sản đó có nguồn năng lượng xanh hay không.
Khảo sát của Knight Frank cho thấy 26% danh mục đầu tư của những người giàu nhất thế giới là vào vốn chủ sở hữu, cổ phiếu và cổ phần trong các công ty. Ở châu Mỹ, tỷ lệ này lên tới hơn 30%.
Một ví dụ nổi bật, trong báo cáo thường niên mới nhất, tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cho biết đã chi kỷ lục 68 tỷ USD cho cổ phiếu trong năm 2022 khi giá trị trên thị trường tăng trở lại.
Trái phiếu từ lâu đã được xem là một cách ổn định để đầu tư tiền, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chúng chiếm 17% danh mục đầu tư trung bình của giới siêu giàu.
Trái phiếu thường là sản phẩm tài chính mang tính ổn định hơn, thường do các chính phủ hoặc doanh nghiệp phát hành. Các nhà phát hành sẽ trả lãi và gốc cho trái chủ theo thời gian đáo hạn đã định, thường là 1 năm đến 30 năm. Điều này giúp người đầu tư có thể tính toán và lên kế hoạch tài chính cá nhân một cách rõ ràng hơn.
BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, gần đây khuyến cáo các nhà đầu tư tại Mỹ nên đổ tiền vào trái phiếu khi lãi suất liên bang tiếp tục tăng.
Đây là khoản đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, có nghĩa là mức độ rủi ro lớn hơn song công ty đó lại có tiềm năng tăng trưởng cao. Ví dụ, trên chương trình “Shark Tank”, các doanh nhân cạnh tranh để được tham gia vào hoạt động kinh doanh và hỗ trợ các startup.
Peter Thiel là nhà đầu tư thiên thần (người có giá trị tài sản đầu tư lớn, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hoặc một công ty khởi nghiệp với mục đích thường là đổi lấy quyền sở hữu trong công ty) đầu tiên của Facebook vào năm 2004. Ông đã rót 500.000 USD đổi lấy 10% cổ phần, nắm 3% và gia nhập hội đồng quản trị mạng xã hội ở giai đoạn sơ khai.
Khi tham gia hội đồng quản trị, Thiel đã giúp Mark Zuckerberg trực tiếp thông qua hàng loạt các quyết định gọi vốn. Năm 2012, Facebook chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), ông đã thu về khoảng 1 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu của mình.
Nhiều tỷ phú chọn đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật, ô tô và rượu vang - những thứ được cho là xa xỉ để - chiếm khoảng 5% danh mục trung bình.
59% số người trả lời khảo sát của Knight Frank cho biết khách hàng của họ có khả năng mua tác phẩm nghệ thuật trong năm nay. Đồng hồ và rượu vang là những mặt hàng phổ biến tiếp theo, trong khi khoảng 1/3 khách hàng mong đợi mua xe hơi cổ điển. Cuộc khảo sát cho thấy 20% đang tìm mua túi xách hàng hiệu.
Tỷ phú người Nga Dmitry Rybolovlev từng đầu tư 2 tỷ USD (khoảng 47.000 tỷ đồng) vào 38 tác phẩm từ các họa sĩ danh tiếng Leonardo da Vinci và Pablo Picasso. Bộ sưu tập nghệ thuật phong phú của ông cũng bao gồm các tác phẩm khác như tranh khỏa thân của Amedeo Modigliani và hoa loa kèn nước của Claude Monet.
Năm 2017, "Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci đã trở thành bức tranh đắt nhất từng được bán, mang về cho Rybolovlev 450,3 triệu USD. Hoàng tử Ả Rập Saudi Badr bin Abdulla đã thắng thầu với tư cách là người trung gian cho Thái tử Mohammed bin Salman.
Nhìn chung, người giàu “cất giữ” 3% tiền của họ vào vàng. Trên thực tế, họ coi đây là loại tài sản an toàn thứ hai sau bất động sản.
Nhà phân tích tài chính James Jason của nền tảng giao dịch hàng hoá Mitrade từng nói rằng trong thời kỳ suy thoái kinh tế, từ Đại suy thoái đến COVID-19, vàng đều tăng giá trị. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, nhu cầu với vàng của Ukraine đã tăng gần gấp 5 lần so với năm trước.
Xét theo nhiều yếu tố, vàng có thể coi là một loại tài sản phòng thủ ổn định và đáng tin cậy. Vai trò của vàng là một nơi “trú ẩn” an toàn đến từ đặc tính phòng ngừa lạm phát của nó cũng như bản chất của vàng là một tài sản thanh khoản, không có nhiều mối tương quan với các tài sản mang tính rủi ro khác. Đồng thời, vàng còn là một nguồn đầu tư có lợi nhuận dài hạn. Hầu hết các chuyên gia đầu tư đều nói rằng, mọi danh mục đầu tư đều cần một lớp bụi vàng để bảo vệ trước các tài sản rủi ro hơn.
Tiền điện tử là khoản đầu tư dễ biến động nhất, nhưng nó vẫn chiếm 2% danh mục đầu tư trung bình.
Trong báo cáo năm 2022, Knight Frank cho biết 18% người siêu giàu sở hữu một số loại tiền điện tử. Trong khi 34% vẫn tin rằng thị trường NFT có rất nhiều tiềm năng, 20% đã thay đổi suy nghĩ sau sự sụp đổ của thị trường tiền điện tử gần đây. Sau sự sụp đổ chấn động của sàn giao dịch tiền điện tử FTX vào tháng 11/2022, các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đã bắt đầu nói về cách bảo vệ các nhà đầu tư tốt hơn.
Khảo sát của Knight Frank cũng liệt kê các khoản đầu tư "khác", chiếm trung bình 7% danh mục đầu tư, nhưng không nói rõ danh mục này bao gồm những gì.
Yến Anh