Xác định hướng đi của thị trường chứng khoán trong năm 2022 là một việc cực kỳ khó. Vì vậy, bước theo một nhà đầu tư vĩ đại là một cách để đi đúng hướng trong thời gian tới.
Warren Buffett vẫn được mọi người đánh giá là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới dù đã 91 tuổi. Trong nhiệm kỳ CEO kéo dài 55 năm của mình tại tập đoàn tài chính Berkshire Hathaway (BRK.A) (BRK.B), ông đã mang lại cho các cổ đông của công ty (trong đó có cả ông) mức lợi nhuận trung bình hàng năm đến 20%, gấp đôi chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán trên diện rộng S&P 500.
Để tạo ra thành tích này, triết lý đầu tư của Buffett lại đơn giản một cách đáng ngạc nhiên: tập trung vào các công ty tạo ra lợi nhuận nhất quán, trả lại tiền cho cổ đông và có các nguồn doanh thu đa dạng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ông luôn mua các công ty này với ý định nắm giữ trong thời gian dài.
Dưới đây là hai trong số những lựa chọn tốt nhất của Berkshire đã luôn đáp ứng được các tiêu chí trên trong lịch sử kéo dài nhiều thập kỷ của họ và có khả năng sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai dài hạn.
Amazon (AMZN) đã ra mắt thị trường đại chúng vào năm 1997, ngay khi giai đoạn bùng nổ của công nghệ internet đang thực sự nóng lên. Tuy nhiên, Warren Buffett có xu hướng né tránh những công việc kinh doanh mà ông không hiểu rõ lắm. Vì vậy, ông đã tránh không mua cổ phiếu Amazon mặc dù công nhận nhà bán lẻ trực tuyến vì sự đổi mới của họ. Và thực tế là cổ phiếu Amazon đã mang lại lợi nhuận hơn 122.000% kể từ khi IPO. Vì lẽ đó, mặc dù Berkshire đã mua 1 tỷ USD cổ phiếu Amazon vào năm 2019, Warren Buffett đã nhiều lần bày tỏ sự hối tiếc vì đã không mua sớm hơn.
Thêm vào đó, bên cạnh việc là công ty dẫn đầu về thương mại điện tử trên toàn cầu, Amazon cũng đã phát triển thành một công ty vô cùng đa dạng. Bộ phận điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS) của công ty được nhiều người công nhận là nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu trên thế giới. Mảng quảng cáo của họ cũng đã tạo ra 32,6 tỷ USD doanh thu trong bốn quý vừa qua – thậm chí còn nhiều hơn cả nền tảng video YouTube của Alphabet.
Quảng cáo có thể là một nguồn doanh thu mạnh mẽ cho Amazon trong tương lai khi công ty tận dụng danh mục tài sản kỹ thuật số ngày càng mở rộng của mình. Các tài sản có thể tận dụng bao gồm nền tảng âm nhạc của công ty và quyền phát sóng các trận đấu đêm thứ Năm của giải bóng bầu dục Mỹ NFL trên dịch vụ truyền phát trực tuyến Prime. Nhưng hiện tại, AWS vẫn là ngôi sao của chương trình, đóng vai trò là động cơ sinh lời đằng sau toàn bộ công ty. Mặc dù chỉ chiếm 14% tổng doanh thu 477,7 tỷ USD của Amazon, AWS chịu trách nhiệm tạo ra toàn bộ thu nhập hoạt động của công ty trong bốn quý vừa qua.
Và đầu năm nay, Amazon đã công bố một chương trình mua lại cổ phiếu mới trị giá 10 tỷ USD – mảnh ghép cuối cùng trong câu đố của Buffett. Giờ đây, Amazon đang có lãi, hoạt động đa dạng và trả lại tiền cho các cổ đông của mình cùng thành tích 25 năm hoạt động vượt trội. Với cổ phiếu Amazon hiện đã giảm đến 41% so với mức đỉnh lịch sử trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ bị bán tháo trên diện rộng, nhà đầu tư có thể nên mua bắt đáy cổ phiếu này.
Apple (AAPL) không chỉ là công ty giao dịch công khai lớn nhất thế giới với mức vốn hóa thị trường 2,3 nghìn tỷ USD. Ông lớn công nghệ này còn là vị thế lớn nhất trong danh mục đầu tư của Buffett. Cổ phiếu Nhà Táo đang chiếm 41,1% trong danh mục đầu tư trị giá 322,7 tỷ USD của Berkshire. Và giống như Amazon, Apple cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Nhà tiên tri xứ Omaha.
Mặc dù được biết đến nhiều nhất với các sản phẩm phần cứng như iPhone, iPad, AirPods và dòng máy tính Mac, Apple đã nhanh chóng mở rộng danh mục dịch vụ của mình – mảng đang tăng trưởng nhanh hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Các dịch vụ hiện bao gồm Apple Pay, Apple Music, iCloud và nền tảng truyền phát trực tuyến Apple TV+.
Trong khi người tiêu dùng chỉ có thể mua iPhone mới tối đa một hoặc hai năm một lần, hầu hết các thương hiệu dịch vụ của Apple đều dựa trên đăng ký trả phí, do đó, mang lại cho công ty doanh thu định kỳ mỗi tháng. Trong bốn quý vừa qua, mảng dịch vụ đã đóng góp 19,4% trong tổng doanh thu 386 tỷ USD của Apple. Nhìn vào con số này, nó vẫn là một phần tương đối nhỏ trong hoạt động kinh doanh tổng thể của công ty. Tuy nhiên, doanh thu của danh mục dịch vụ đã tăng 24,4% so với giai đoạn 12 tháng cùng kỳ năm trước, nhanh hơn nhiều so với mức tăng trưởng 17,3% của phân khúc sản phẩm phần cứng.
Với kết quả Q2 năm tài chính 2022 của Apple (kết thúc vào ngày 26 tháng 3), mảng dịch vụ có biên lợi nhuận gộp lên đến 72%, gấp đôi con số 36% của các sản phẩm phần cứng. Chênh lệch này được tạo ra bởi vì dịch vụ là những sản phẩm kỹ thuật số có thể được cung cấp ngay lập tức với chi phí cận biên gần như bằng không trong khi mỗi một sản phẩm phần cứng đều có chi phí sản xuất rất đắt. Trong mọi trường hợp, hai đơn vị kinh doanh này luôn bổ sung cho nhau một cách tuyệt vời và đã cùng nhau tạo ra thu nhập ròng (lợi nhuận) 101 tỷ USD trong bốn quý vừa qua.
Apple làm gì với tất cả số tiền đó? Bên cạnh việc đầu tư vào các cải tiến mới, công ty cũng sẽ trả lại một số tiền lớn đáng kể cho các cổ đông theo hai cách. Đầu tiên, họ trả khoản cổ tức hàng quý khiêm tốn 0,23 USD/cổ phiếu, tương đương với tỷ suất cổ tức 0,68%. Cách thứ hai là một chương trình mua lại cổ phiếu rất lớn với tổng trị giá đến 90 tỷ USD ở thời điểm hiện tại, nối tiếp các khoản ủy quyền mua lại 43 tỷ USD trong hai quý vừa qua và 85 tỷ USD khác trong cả năm tài chính 2021.
Vì những yếu tố trên, không có gì ngạc nhiên khi Buffett “hâm mộ” cổ phiếu Apple. Và với cổ phiếu đang giao dịch ở mức giá thấp hơn 20% so với đỉnh lịch sử, có lẽ bạn cũng nên gia nhập cùng “fan club” với Nhà tiên tri xứ Omaha.
Huân Hà - theo fool.com