Nhà đầu tư có thể tìm hiểu cả ưu và nhược điểm khi đầu tư vào công ty fintech mang tính đột phá này.
Upstart (UPST) gần đây đã công bố báo cáo tài chính quý I năm 2023, gây ấn tượng với các nhà đầu tư. Doanh thu đạt 103 triệu USD, lỗ đã điều chỉnh trên mỗi cổ phiếu là 0,47 USD - tốt hơn so với những gì các nhà phân tích kỳ vọng. Kẻ từ ngày công bố báo cáo tài chính, giá cổ phiếu Upstart đã tăng hơn 80% (tính đến ngày 24 tháng 5).
Với những tin tức tích cực gần đây, liệu nhà đầu tư có nên nghiêm túc xem xét việc mua cổ phiếu fintech đột phá này ngay bây giờ, để tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho danh mục đầu tư của mình, khi giá cổ phiếu vẫn thấp hơn nhiều mức cao nhất mọi thời đại? Một bài phân tích hai chiều về công ty sẽ mang lại cho nhà đầu tư góc nhìn rõ ràng hơn.
Một trong những lập luận rõ ràng nhất chống lại Upstart là hoạt động kinh doanh của công ty cực kỳ nhạy cảm với môi trường kinh tế vĩ mô. Dù công ty tự hào với vai trò là một nền tảng kết nối các đối tác ngân hàng với những người đi vay, nhưng thật khó để hiểu được Upstart phụ thuộc vào những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát như thế nào để có thể tạo ra lợi nhuận.
Chẳng hạn, vào năm 2022, khi Fed ráo riết tăng lãi suất và nhu cầu từ những người đi vay giảm bớt, doanh thu của Upstart đã giảm 1% so với năm trước, và tổng khối lượng cho vay giảm đáng kể. Các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Upstart đang quyết định triển vọng kinh doanh của chính công ty, và đó không phải là một đặc điểm tốt.
Việc nhạy cảm với các yếu tố vĩ mô thậm chí còn trở nên đáng chú ý hơn khi hiện công ty chưa có lợi nhuận ổn định. Cụ thể, Upstart đã báo cáo lợi nhuận ròng 135 triệu USD vào năm 2021, nhưng đó là trong bối cảnh lãi suất thấp hơn và thị trường tín dụng thuận lợi hơn. Năm ngoái, công ty lỗ ròng 109 triệu USD. Và trong quý I của năm 2023, khoản lỗ ròng của Upstart đã tăng vọt lên 129 triệu USD. Khó để biết liệu khi nào tình hình kinh doanh của công ty sẽ khởi sắc hơn.
Nhà đầu tư có thể cũng e ngại khi sở hữu cổ phiếu này vì quy mô các khoản vay trên bảng cân đối kế toán ngày càng tăng. Tính đến ngày 31 tháng 3, số dư khoản vay gần 1 tỷ USD của Upstart lớn hơn nhiều so với con số 600 triệu USD của một năm trước. Trong thời điểm thị trường tín dụng cạn vốn, Upstart đã không thể bán các khoản vay này cho các nhà đầu tư bên thứ ba. Tuy nhiên, vào ngày công bố kết quả kinh doanh, công ty thông báo đã nhận được khoản tài trợ cam kết trị giá 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư để mua lại các khoản vay này - một dấu hiệu tích cực. Một cam kết trị giá 4 tỷ USD khác từ công ty cho vay tư nhân CastleLake cũng đã giúp củng cố tâm lý của các nhà đầu tư. Nhưng trừ phi trong tương lai số dư vay nợ trên sổ sách của Upstart giảm xuống, thật khó để nhà đầu tư ngó lơ rủi ro tín dụng gia tăng mà công ty phải đối mặt nếu người vay đột nhiên bắt đầu vỡ nợ với lãi suất cao hơn.
So với mô hình Fair Isaac FICO truyền thống, nền tảng cho vay được hỗ trợ bởi AI của Upstart, phân tích hơn 1.000 biến số, hứa hẹn sẽ đánh giá rủi ro tín dụng tốt hơn. Nhờ đó, những người vay có thể bị các phương pháp đáng giá thông thường từ chối, có khả năng tiếp cận với các nguồn vốn vay hơn. Và đối với các ngân hàng, khả năng này cũng giúp mở rộng quy mô thị trường có thể tiếp cận, mang lại tiềm năng doanh thu lớn hơn.
Upstart tuyên bố công nghệ của họ có thể tăng tỷ lệ phê duyệt, nhưng không làm tăng rủi ro vỡ nợ. Và nền tảng này cũng có thể hạ thấp rủi ro vỡ nợ, khi vẫn giữ nguyên tỷ lệ phê duyệt. Đây là một kết hợp tuyệt vời, thậm chí có thể trở nên tốt hơn trong dài hạn, khi nền tảng này thu thập được nhiều dữ liệu để phân tích hơn. Và các bên cho vay cũng tỏ ra hứng thú với điều đó, khi Upstart hiện có 99 đối tác cho vay, tăng so với con số 50 đối tác một năm trước.
Các sản phẩm hiện tại của Upstart (cho vay cá nhân và cho vay mua ô tô) kết hợp lại tạo ra cơ hội thị trường hàng năm trị giá 950 tỷ USD. Dĩ nhiên đó là một quy mô khá lớn, nhưng vẫn rất nhỏ so với những gì nền tảng này có thể vươn tới. CEO Dave Girouard cho biết: “Tôi cũng vui mừng thông báo với các bạn rằng chúng tôi dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm cho vay dựa trên vốn góp trên giá trị nhà ở (home equity loan) vào cuối năm nay”. Đây có thể là bước đầu tiên để Upstart chính thức tham gia vào thị trường thế chấp, có thể tạo ra lượng vốn vay hàng năm gần 3 nghìn tỷ USD. Upstart đang đứng trước một cơ hội rất lớn. Ngay cả khi thị trường cho vay thế chấp nhà ở bị thu hẹp quy mô và công ty chỉ chiếm được thị phần nhỏ, doanh thu của Upstart vẫn có thể tăng cao trong dài hạn.
Toàn bộ mô hình kinh doanh của Upstart được tạo ra dựa trên AI, trước khi công nghệ này phổ biến như hiện tại. Và nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu của công ty với mức giá thấp hơn 94% so với đỉnh (390 USD). Dù hiện cổ phiếu của Upstart đã tăng tới 106,75% kể từ thời điểm đầu năm, hệ số P/S hiện tại chỉ là 3,1x – một định giá rẻ so với lịch sử giao dịch.
Dù vậy, bất chấp tiềm năng không thể phủ nhận của Upstart trong hành trình tiếp tục tạo nên những đột phá lĩnh vực cho vay với mô hình AI, có lẽ nhà đầu tư chưa nên vội nhảy vào công ty sớm. Upstart vẫn còn nhiều điều phải chứng minh, quan trọng nhất là khả năng tạo ra lợi nhuận trong mọi bối cảnh kinh tế.
Vân Anh-Theo fool