logo
Theo dõi investo trên google news

thứ ba, 03/12/2019

4 Bước Dạy Trẻ Về Đồng Tiền

Rachel Gottlieb - một cố vấn tài chính được chứng nhận của UBS Global Wealth Management ở New York, đã làm việc trong ngành quản lý tài sản từ năm 2002, nhưng ký ức sâu sắc nhất về tiền bạc của cô không phải là cuộc khủng hoảng tài chính hay đợt rớt giá cuối năm ngoái của thị trường. Đó là khi cô 10 tuổi. Mẹ đã cho cô 10 đô la để mua kem với bạn bè. Khi mẹ hỏi về phần tiền thừa thì cô mới nhớ ra mình đã làm mất nó.

Người mẹ đã giải thích cho Gottlieb về giá trị của đồng tiền, thậm chí còn chỉ ra, vì còn phải nộp thuế, bà phải kiếm nhiều hơn 10 USD để có được đồng tiền đó. “Mẹ và tôi đã lên kế hoạch tới nhà hàng ăn cho tối đó, và tôi thì thực sự mong chờ. Nhưng bà đã hủy bữa tối, thay vào đó là làm cho tôi một chiếc bánh kẹp bơ lạc và mứt dâu”.

Đó là bài học mà Gottlieb nhớ mãi. Giờ đây khi đã là bà mẹ 39 tuổi của hai người con 8 tuổi và 5 tuổi, cô đã nắm bắt cơ hội để giúp những đứa trẻ của mình học hỏi những thói quen tốt và kiến thức về tiền bạc. Khi những đứa trẻ nhận được tiền từ bà tiên răng, chúng nên tiêu, tiết kiệm, đầu tư hay làm từ thiện với những đồng tiền đó. Chuyến đi đến Disney Land sẽ điểm xuyết thêm màn tranh luận về cổ phiếu của hãng nắm giữ công viên giải trí này, Walt Disney (DIS). Trên đường lái xe qua cầu Triborough ở New York, ba mẹ con sẽ có cuộc thảo luận về trái phiếu, nguồn tiền tài trợ cho hoạt động xây dựng cây cầu này hơn 80 năm trước. “Dĩ nhiên, như vậy có hơi quá tầm một chút,” Gottlieb vui vẻ thừa nhận.

Nhưng cũng có thể là không. Trẻ em có thể bắt đầu nắm được khái niệm về tiềm bạc ngay trong khoảng thời gian đang học mầm non. Dù thời nay tiền bạc có thể coi là một chủ đề đã bớt cấm kỵ hơn so với trước đây, nhưng việc dạy các khái niệm chính về tiền hiện đang trở nên khó khăn hơn trong thế giới mà Gottlieb gọi là “đồng tiền vô hình”. Ngay cả việc rút thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cũng dường như đã bớt phổ biến ở Mỹ khi người tiêu dùng đã có thể quét điện thoại để thanh toán hoặc mua hàng trên mạng chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Trong khi theo một số thước đo nào đó, nền kinh tế vẫn được coi là vững mạnh, nhiều người trẻ cho rằng tiền bạc vẫn đang là vấn đề khiến họ đau đầu, nợ tiêu dùng đang tăng nhanh hơn thu nhập hộ gia đình. Trong những người trẻ thế hệ millennials từ 23 đến 38 tuổi được khảo sát bởi Schwab, 36% người trả lời không có tiền tiết kiệm cho các trường hợp khẩn cấp.

Hiện tại chính là thời điểm để cha mẹ nói chuyện với con cái về tiền bạc và thấm nhuần những thói quen tài chính tốt. “Như người ta thường nói, trẻ nhỏ vấn đề nhỏ; trẻ lớn, vấn đề lớn,” Gottlieb bình luận. Cô đã có kinh nghiệm làm việc với các khách hàng đa thế hệ.

Chưa có một cuốn sách cụ thể nào hướng dẫn cha mẹ về khi nào và làm thế nào để dạy trẻ về tiền bạc. Bạn sẽ cần tùy biến theo hoàn cảnh sống và tính cách của trẻ, nhưng có một chiến thuật phổ biến: “Cha mẹ nên sử dụng các mốc quan trọng trong cuộc sống của con mình để ngồi xuống trò chuyện,” Tim Ranzetta đưa ra lời khuyên. Ranzetta đã sáng lập ra Next Gen Personal Finance, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp cho các nhà giáo dục nguồn lực miễn phí để giảng dạy về tài chính cá nhân. Khi con bạn đã biết nhận thức, hãy trò chuyện về tiết kiệm. Khi trẻ tới 16 tuổi, sắp sửa lấy bằng lái xe, hãy thảo luận về bảo hiểm. Thời điểm chọn trường đại học, đừng bỏ qua cơ hội nói về học phí, nợ sinh viên và kế hoạch nghề nghiệp

Dưới đây là 4 bước để cha mẹ (và ông bà) có thể thiết lập cho trẻ những thói quen kiếm tiền tốt:

Image result for kid and money

Thời thơ ấu:

Dạy bằng ví dụ

Tương tự như cách dạy trẻ em phát triển kỹ năng ngôn ngữ bằng cách nghe các từ, trẻ sẽ sắm được ý tưởng đầu tiên về tiền bằng cách lắng nghe và nhìn vào cha mẹ. “Trẻ em là những miếng bọt biển nhỏ, nhìn nhận và tiếp thu cách bạn đưa ra quyết định liên quan đến tiền bạc,” Scott Rick, phó giáo sư tiếp thị tại Đại học Michigan và là cha của ba đứa trẻ cho biết.

Trong một nghiên cứu gần đây, Rick và đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng trẻ em từ 5 tuổi có những phản ứng cảm xúc khác biệt đối với việc chi tiêu và tiết kiệm tiền, cho thấy rằng chúng đã được chuẩn bị sẵn sàng để học cách chi tiêu hoặc tiết kiệm. Điều này không đồng nghĩa bạn phải cho trẻ thấy chi tiêu nhiều là xấu hay tiết kiệm quá thì sẽ khổ. “Cha mẹ có thể giúp trẻ nhận ra những cảm xúc xung quanh tiền bạc và giúp chúng điều chỉnh hành vi của mình,” Rick cho biết.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách cho trẻ quan sát cách mình chi tiêu và tiết kiệm. Ví dụ, những chuyến đi đến cửa hàng tạp hóa là cơ hội tuyệt vời để nói về những điều cơ bản: Tiền là một nguồn lực hạn chế; mọi thứ đều tốn tiền, và mọi quyết định chi tiêu đều đi kèm với sự đánh đổi.

Khi trẻ lớn hơn một chút và có khoản tiền riêng, cha mẹ nên để chúng đưa ra quyết định phải làm gì với số tiền đó, ngay cả khi điều đó dẫn đến sai lầm. “Hãy để chúng hối hận khi chi tiêu quá tay, và thấm nhuần cảm giác đó,” Rick khuyên. Phụ huynh cũng có thể giới thiệu các khái niệm về lập ngân sách và thiết lập mục tiêu. Gottlieb, người gần đây đã xuất bản một cuốn sách cho trẻ em Zac’s Dollar Dilemma, cho biết, “nếu con bạn có xu hướng trở thành người chi tiêu, bạn có thể giúp chúng tiết kiệm bằng cách gợi mở về một khoản góp vốn mua hàng”.

Hầu hết trẻ em ngày nay đều rất quen thuộc với công nghệ, nhưng tiền mặt mới là phương thức quen thuộc nhất trong những năm đầu biết tới chi tiêu của trẻ. “Làm quen với khái niệm tiền bạc sẽ dễ dàng hơn với những tờ tiền thực,” Robert Westley, một thành viên của Ủy ban kiến ​​thức tài chính của Viện CPAs Hoa Kỳ, hay AICPA, cho biết.

Image result for kid and money

Nhi đồng và trẻ vị thành niên:

Thực hành là mấu chốt

Trẻ nhỏ bắt đầu hiểu về sự khác biệt giữa nhu cầu và mong muốn, nhưng khác biệt này sẽ rõ ràng hơn chúng vào trường trung học. Những gì trẻ muốn lúc này đã có giá cao hơn một thanh kẹo. Điện thoại di động, tiền thuê sân đá bóng và giày thể thao đắt đỏ khiến bài học về kiếm tiền trở nên bức thiết hơn.

Đây chính là lúc những bài học phát huy tác dụng. Bất kể bạn theo phương thức nào, đừng khiến trẻ cả ngày phải đau đầu về chi phí. Thay vào đó, hãy lập một ngân sách và đưa ra một khoản sinh hoạt phí. Khi con gái Daniel Wiener (chủ tịch của Adviser Investments, một công ty quản lý tài sản) còn học cấp một, ông quản lý hầu hết các chi nhỏ nhặt của bé, từ quà tặng sinh nhật đến vé xem phim. “Chúng tôi có một bình Crisco trong văn phòng của mình, gọi đó là cây ATM cá nhân”. Hàng tháng, ông nạp một khoản sinh hoạt phí vào đây. Cô con gái có thể rút tiền khi cần. Tuy vậy, bé phải đạt được mức tiết kiệm hoặc quyên góp cho cả năm, nếu không sinh hoạt phí năm sau sẽ giảm.

Tuy vậy, người ta vẫn đang tranh cãi liệu có nên cho trẻ tiền sinh hoạt phí. Một số người cho rằng, cách thực tế nhất để trẻ nhận thức được giá trị đồng tiền là tự mình kiếm được, số khác cho rằng để trẻ chịu trách nhiệm cho hành vi chi tiêu của mình quan trọng hơn. “Nhưng điểm đáng nói là trẻ em cần thực hành quản lý tiền của mình và điều đó thường có nghĩa là nên cho chúng một khoản sinh hoạt phí,” Ranzetta nói.

Các chuyên gia hoàn toàn đồng ý về hai điểm: Thứ nhất, sinh hoạt phí nên được đưa hàng tháng hoặc thậm chí hàng quý, để trẻ có một chu kỳ chi tiêu nhất định. Thứ hai, các bậc cha mẹ nên phác thảo các thông tin rõ ràng về đối tượng mà khoản tiền này được chi trả và không bao giờ rót thêm nếu trẻ chi hết sớm trước thời hạn và xin thêm.

Giai đoạn này, trẻ cũng sẽ làm quen với thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng trả trước hoặc tùy chọn thanh toán điện tử và muốn có cho mình một chiếc thẻ. Phụ huynh không nên để lỡ cơ hội dạy các bài học về các khoản phí, phát hiện các khoản phí ẩn và cuối cùng là quyết định cách xử lý các giao dịch. Khi nói đến tính năng bảo vệ thấu chi, “Lời khuyên của tôi dành cho các bậc cha mẹ là, đừng làm vậy,” Ranzetta nói. Không chỉ giúp trẻ biết về những khoản phí thấu chi không chỉ đắt đỏ, thẻ thấu chi còn đem lại cho những người trẻ tuổi trải nghiệm mà họ có thể không bao giờ quên đi khi thanh toán bị từ chối.

Image result for kid and money

Thanh thiếu niên đến đại học:

Tăng tinh thần trách nhiệm

Đây là khi các mốc quan trọng trong cuộc sống của Haiti và các vấn đề liên quan đến tiền bạc liên tục xuất hiện. Đối với nhiều thanh thiếu niên, khởi đầu là những sự kiện như thi lấy bằng lái xe, sử dụng xe hơi hoặc có thể là có xe riêng cho mình. Theo Rettaetta, đây là thời điểm lý tưởng để giới thiệu khái niệm về bảo hiểm Phí bảo hiểm và khoản khấu trừ không phải là chủ đề nói chuyện hấp dẫn, nhưng nếu mục tiêu sau đó là một chiếc xe riêng, trẻ sẽ lắng nghe.

Phụ huynh nên giúp trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên cập nhật ngân sách của họ hoặc tạo một ngân sách nếu chưa có, và khuyến khích họ kiếm thêm tiền từ phương tiện mới. Khi trẻ có được những đồng lương đầu tiên, hãy nói về tiết kiệm giới thiệu các khái niệm cơ bản về đầu tư, bao gồm giá trị của đa dạng hóa và các tài khoản được ưu đãi thuế.

Cố vấn tài chính Patti Brennan, CEO Key Financial ở West Chester, Pa., đã góp những khoản đầu tiền đầu tiên vào tài khoản đầu tư cho bốn đứa con của mình. Cô ấy đã giúp chúng chọn một quỹ tương hỗ đa dạng, nhưng sau đó để chúng tự chọn mua cổ phiếu sau khi giải thích được quyết định của mình. “Trẻ sẽ thấy mua từng cổ phiếu riêng lẻ khó khăn như thế nào,” Brennan, nhớ lại rằng một trong bốn đứa con của cô đã chọn mua cổ phiếu của Toys “R” Us, hãng kinh doanh đồ chơi hiện đã phá sản.

Tương tự tiết kiệm, cha mẹ có thể đề nghị hỗ trợ trẻ đầu tư bằng các khoản đóng góp. Wiener góp những khoản tiền tương ứng với số tiền trẻ kiếm được trong mùa hè vào tài khoản nghỉ hưu Roth của chúng. “Chúng làm việc trong 3 tháng và có được cấp đôi số kiếm được, miễn là chúng tiết kiệm. Kể cả Warren Buffet cũng không có được mức sinh lời hấp dẫn như thế,” ông bình luận.

Image result for kid and money

Học đại học và kiếm việc:

Chuẩn bị bệ phóng

Các quyết định được đưa ra trong giai đoạn này có thể có ý nghĩa tài chính lâu dài, từ nợ sinh viên, triển vọng nghề nghiệp, mục tiêu tài chính của cha mẹ hay tất cả các mục tiêu trên. “Cha mẹ nên bắt đầu những cuộc trò chuyện này sớm, trước khi họ và con cái họ đưa ra quyết định sẽ theo đuổi những mục tiêu này trong một thời gian khá lâu,” Westley cho biết.

Cuộc trò chuyện về tiền đại học nên bao gồm chi phí, ngân sách, và kết quả mong muốn. Giả sử con bạn đã học cách quản lý tiền ở trường trung học, quá trình chuyển giao này có thể không quá khó khăn trong năm thứ nhất và năm thứ hai, nhờ vào ký túc xác hoặc hỗ trợ ăn trưa ở trường. Những năm cuối đại học, sinh viên thường chọn chuyển ra ngoài, đi thực tập. Điều đó đòi hỏi trẻ phải tự kiếm sống, cơ hội để phụ huynh trò chuyện về tiền thuê nhà, điện nước, ngân sách chi cho ăn uống và phương thức kiếm tiền.

Dù thế nào đi nữa “khi đủ 18 tuổi, bạn bắt đầu thực hiện một số quyết định tài chính nghiêm túc và số lượng những quyết định sai lầm bắt đầu tăng lên khá nhanh,” Westley cảnh báo. Vay nợ sinh viên có thể không phải là mối lo trước mắt, nhưng nợ tín dụng sẽ là là mối quan tâm lớn hơn. Trong một cuộc khảo sát gần đây, trong 30.000 sinh viên 440 đại học Mỹ, 36% cho biết họ đã nợ hơn 1.000 đô la trên thẻ tín dụng.

Brennan đã thực hành những lời khuyên về quản lý tài chính cá nhân trong một chương trình thực tập tại công ty của mình. Cô dành buổi sáng để học tập và buổi chiều để làm việc, hiểu rằng công việc buổi chiều mới góp phần quan trọng để phát triển kỹ năng mềm giúp cho trở thành thành viên hữu ích trong nhóm làm việc nói riêng và cả xã hội nói chung.

Đó là lời khuyên tốt dành cho các bậc cha mẹ đang suy nghĩ làm thế nào để giúp con cái họ bước vào thế giới người lớn. Trong một nghiên cứu gần đây về những người từ 18 đến 29 tuổi của Trung tâm nghiên cứu Pew, 45% số người được hỏi cho biết đã nhận được sự giúp đỡ tài chính từ cha mẹ của họ trong vòng 12 tháng trước đó.

Với chi phí nhà ở đắt đỏ tại nhiều thành phố, chuyện cha mẹ đề nghị tiếp tục hỗ trợ con cái sau khi rời trường đại học không phải là hiếm. Tuy nhiên “chúng ta phải giúp chúng nắm quyền kiểm soát tài chính cái nhân,” Brennan cho biết. Trong hầu hết các trường hợp, cách tiếp cận tốt nhất là giúp một sinh viên mới tốt nghiệp lập ngân sách, đề nghị hỗ trợ phần thiếu hụt dự tính thay vì trả cho những khoản chi quá tay. Phụ huynh nên nói rõ số tiền họ sẽ hỗ trợ, và hỗ trợ trong bao lâu, có thể chi cho những mục đích nào.

Kết lại: Bất kể con bạn mới 3 tuổi và mua mọi thứ trẻ muốn với số tiền đầu tiên chúng có, hay đã 23 tuổi và đã có thể tự trả tiền nhà, trẻ luôn cần học cách tự lập tài chính. “Thời khắc trẻ cảm nhận được mình có quyền tự chủ riêng, thực sự có thể đưa ra những quyết định của mình. Xúc cảm đó rất mạnh mẽ và cực kỳ có sức ảnh hưởng.”

Và đó là điều bố mẹ nên nhớ khi họ cảm thấy khó có thể nói không với những đứa con của mình.

Vân Anh - Theo Barrons

Ý kiến