Biên lợi nhuận ròng là yếu tố then chốt khi đánh giá một doanh nghiệp. Đây là phép tính được sử dụng để xác định tỷ lệ lợi nhuận mà doanh nghiệp kiếm được trên tổng doanh thu.
Biên lợi nhuận ròng là một trong những phép tính quan trọng được sử dụng để xác định tình trạng tài chính của một doanh nghiệp, cụ thể là tỷ lệ phần trăm lợi nhuận mà doanh nghiệp kiếm được trên tổng doanh thu. Cách tính tỷ lệ này cũng rất đơn giản: lấy lợi nhuận ròng chia cho tổng doanh thu. Các doanh nghiệp sử dụng biên lợi nhuận (hay còn gọi là biên lợi nhuận) để kiểm tra hoạt động chi tiêu và theo dõi mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến lợi nhuận.
Giả sử bạn mở quầy bán nước chanh, khi đó khái niệm biên lợi nhuận ròng cũng rất dễ hiểu. Nếu giá mỗi cốc nước chanh là 1 đồng và bạn bán được 20 cốc thì bạn kiếm được 20 đồng. Nhưng tổng cộng chi phí chanh, đường và cốc có giá 8 đồng. Vậy biên lợi nhuận của bạn là bao nhiêu?
Tổng doanh thu 20 đồng - giá vốn hàng bán 8 đồng = thu nhập hoặc lợi nhuận ròng 12 đồng. Lợi nhuận ròng 12 đồng / tổng doanh thu 20 đồng = 0,6 × 100. Vậy biên lợi nhuận ròng là 60%.
Biên lợi nhuận ròng cũng giống như một bức ảnh chụp nhanh về tình hình lợi nhuận của một doanh nghiệp…
Bạn sẽ không cần phải xem qua các số liệu báo cáo tài chính phức tạp và dài dòng của doanh nghiệp, chẳng hạn như bảng cân đối kế toán hoặc báo cáo kết quả kinh doanh, biên lợi nhuận ròng sẽ cho biết sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bằng một con số duy nhất, và con số đó có tác dụng phản ánh khả năng sinh lời.
Mọi doanh nghiệp đều có chi phí kinh doanh hoặc chi phí hoạt động doanh nghiệp (CODB). Nếu chi phí này quá cao hoặc nếu chủ sở hữu doanh nghiệp không đáp ứng được thì chi phí kinh doanh có thể cao hơn số tiền doanh nghiệp kiếm được trên thực tế. Tuy vậy, có một thước đo hữu ích để phân tích xem doanh nghiệp có đang kiểm soát hiệu quả chi phí và tạo ra lợi nhuận dựa trên nguồn lực đã được đầu tư vào sản phẩm hoặc dịch vụ hay không. Thước đo này được gọi là biên lợi nhuận ròng. Biên lợi nhuận ròng cho người chủ sở hữu doanh nghiệp biết liệu họ có cần giảm chi phí, tăng doanh thu hay yên tâm về doanh nghiệp của mình hay không.
Biên lợi nhuận ròng có thể dễ dàng tính được dựa trên số liệu báo cáo tài chính hoặc các báo cáo cho biết con số tổng doanh thu và lợi nhuận trong kỳ. Tổng doanh thu là tổng số tiền tạo ra, trong khi lợi nhuận ròng là phần còn lại sau khi hạch toán các chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Bạn nên quan tâm đến biên lợi nhuận ròng nếu bạn là chủ doanh nghiệp hoặc chỉ đơn giản là đang nghiên cứu một doanh nghiệp nào đó để đầu tư vào. Bạn có thể tìm hiểu về biên lợi nhuận ròng của một doanh nghiệp bằng cách tra cứu báo cáo tài chính của doanh nghiệp đó. Khi nắm được biên lợi nhuận ròng, bạn sẽ hiểu rõ liệu doanh nghiệp có đang thu được lợi nhuận hay không và ở mức độ nào. Biên lợi nhuận là một phép đo rất tốt về hiệu suất kinh doanh trong quá khứ, nhưng chúng không dự đoán được những thành công trong tương lai.
Biên lợi nhuận ròng cũng giúp các nhà đầu tư và cổ đông hiểu rõ về độ hiệu quả trong hoạt động chi tiêu của doanh nghiệp.
Soi kỹ hơn một chút nữa về biên lợi nhuận, dễ thấy có hai loại biên lợi nhuận khác nhau: ròng và gộp. Biên lợi nhuận gộp liên quan đến đến việc bán một mặt hàng nào đó và số tiền còn lại sau khi trừ giá vốn hàng bán (gọi tắt là COGS). Giá vốn hàng bán chỉ tính đến các chi phí phát sinh trong khâu sản xuất sản phẩm thực tế chứ không phải chi phí đầu vào như tiền thuê nhà xưởng, thuế và bảo hiểm.
Đối với một doanh nghiệp bán lẻ, giá vốn hàng bán bao gồm giá vốn của hàng tồn kho được bán, nhưng lợi nhuận ròng lại tính đến giá vốn của hàng hóa, cộng với chi phí hoạt động. Chi phí hoạt động sẽ bao gồm chi phí cho những thứ như giá đỡ hàng, người lao động, công nghệ, bảo hiểm và các loại phí khác.
Biên lợi nhuận ròng càng chi tiết hơn nữa khi tính đến tất cả các khoản mục chi phí, giá thành và dòng tiền. Thước đo này có thể rất tốt trong việc phản ánh nhanh về sức khỏe tổng thể của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng có thể vẽ nên một bức tranh không chính xác về doanh nghiệp khi có những thay đổi chỉ xảy ra một lần trong dòng tiền, chẳng hạn như khi doanh nghiệp bán một tài sản có giá trị lớn hoặc mua thiết bị mới. Trong trường hợp này, ngay cả những khoản như vậy cũng sẽ được tính vào biên lợi nhuận ròng.
Trở lại ví dụ về quầy nước chanh một lần nữa: giá vốn hàng bán bao gồm chanh, cốc và đường. Và biên lợi nhuận ròng sẽ tính đến cả chi phí cho cái bàn cộng với giấy và bút đánh dấu dùng cho bảng hiệu của quầy hàng.
Tóm lại, biên lợi nhuận gộp bao hàm các chi phí và doanh thu liên quan đến một hoặc nhiều sản phẩm. Biên lợi nhuận ròng thì xét đến cả tình hình hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp, tài sản và tất cả những thứ khác.
Thực ra không hề có tiêu chuẩn vàng nào để xác định biên lợi nhuận là tốt hay không tốt. Một số người thì tin rằng các doanh nghiệp tốt phải có biên lợi nhuận từ 10% -20%, nhưng điều này chưa hẳn đã đúng. Tất cả còn phụ thuộc vào ngành nghề, nhu cầu và thị trường mà doanh nghiệp đang hoạt động. Để xác định mức biên lợi nhuận mà doanh nghiệp nên hướng tới, tốt nhất là xem xét hiệu suất và xu hướng trong ngành của các đối thủ cạnh tranh.
Điều quan trọng nhất cần xem xét là liệu doanh nghiệp có để mất tiền không nếu tính phí quá ít hay tiêu tiền quá nhiều? Đồng thời, doanh nghiệp đó có đang đầu tư một khoản tiền thích hợp vào sản phẩm hoặc dịch vụ để đảm bảo chất lượng và dịch vụ chăm sóc hay không? Dù sao đi nữa, đó cũng là những vấn đề rất quan trọng khi nói đến biên lợi nhuận.
Dưới đây là công thức đơn giản để tính biên lợi nhuận ròng: Lợi nhuận ròng / Doanh thu = Biên lợi nhuận ròng. Lợi nhuận ròng và doanh thu có thể tìm thấy trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đại chúng. Đây là một công cụ hữu ích cho những người quan tâm đến doanh nghiệp.
Ví dụ, nếu bạn quan tâm đến Nike thì có thể xem báo cáo tài chính của doanh nghiệp này để biết biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của họ đã thay đổi như thế nào trong những năm qua. Năm 2014, Nike có mức biên lợi nhuận gộp là 44,77%, quy ra biên lợi nhuận ròng là 9,69%. Mặc dù biên lợi nhuận ròng và gộp của doanh nghiệp này vẫn ổn định kèm một số giai đoạn thăng trầm kể từ đó, nhưng biên lợi nhuận ròng của Nike đã tăng tổng cộng dưới 1%.
Nguồn: Báo cáo tài chính thường niên của Nike (2014-2019)
Giống như bao người, các doanh nghiệp đôi khi cũng phải đưa ra những quyết định khó khăn và có một vài tình huống quyết định của họ có thể làm giảm biên lợi nhuận ròng. Đây có thể là một phần của chiến lược dài hạn của doanh nghiệp và đôi khi những khó khăn tạm thời là một phần của quá trình đi lên. Đó là lý do tại sao nhà đầu tư phải theo dõi biên lợi nhuận ròng. Hầu như bất kỳ doanh nghiệp nào cũng luôn luôn hướng tới mục tiêu tối thiểu là hòa vốn, hoặc kiếm đủ doanh thu để trang trải các chi phí. Nhưng có những lúc doanh nghiệp có nguyên nhân khiến biên lợi nhuận ròng giảm.
Chẳng hạn, phương án cung cấp tài chính cho một doanh nghiệp bằng nợ chính là một cách để giảm biên lợi nhuận ròng tạm thời. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp có hạn mức tín dụng với ngân hàng. Bằng cách đó, nếu dòng tiền vào bị trễ nhịp thì họ có thể sử dụng hạn mức tín dụng này để thanh toán các hóa đơn và trang trải tiền lương. Nhưng vấn đề là có nợ thì phải có trả. Nếu một doanh nghiệp sử dụng hạn mức tín dụng để trang trải chi phí trong một tháng, thì đổi lại lợi nhuận ròng của tháng tiếp theo sẽ thấp hơn vì lãi của khoản vay sẽ cộng vào tổng chi phí của doanh nghiệp. Nên nhớ rằng dù là doanh nghiệp gia tăng chi phí hoạt động hoặc giảm doanh thu thì cuối cùng đều sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận ròng.
Đối với những ai quan tâm đến việc đầu tư vào doanh nghiệp thì hãy nên chú ý khi doanh nghiệp có thói quen dựa vào hoạt động vay nợ để trang trải chi phí hoạt động.
Đăng Khoa-Theo learn.robinhooh