Tiếp tục với với loạt bài “Cách phân tích cổ phiếu”, phần trình bày kỳ này sẽ đi sâu hơn vào các chỉ số quan trọng trong báo cáo tài chính doanh nghiệp.
Khi mua cổ phiếu của một công ty, điều đó cũng đồng nghĩa là bạn trở thành chủ sở hữu một phần trong công ty đó. Cũng giống như khi đi mua sắm, bạn phải kiếm những mặt hàng tốt và có lợi, và bạn cũng sẽ muốn trả một mức giá hợp lý nữa. Để xác định được các thông tin đó, bạn có thể xem các chỉ số tài chính của doanh nghiệp. Các công ty đại chúng sẽ phải cung cấp thông tin tài chính của họ công khai cho Ủy ban Chứng khoán Quốc gia và cho công chúng. Thông tin này có thể được đăng trên các kênh tài chính hoặc trang quan hệ nhà đầu tư của các công ty, trên đó có thể có nghị quyết đại hội cổ đông, báo cáo tài chính hàng quý và các báo cáo khác. Những thông tin như vậy cũng thường được đưa vào mục hồ sơ chứng khoán trên các nền tảng môi giới. Dưới đây là một số mẹo để phân tích các số liệu trong báo cáo tài chính.
Công ty có đang tăng trưởng không? Xem doanh thu.
Doanh thu là tổng số tiền mà một công ty tạo ra từ việc bán hàng hóa và dịch vụ. Nếu doanh thu tăng từ năm này sang năm khác, đó sẽ là một dấu hiệu cho thấy công ty này đang tăng trưởng. Một dấu hiệu thậm chí còn hiệu quả hơn nữa là lãi ròng, tức là tổng thu nhập của công ty trừ đi các khoản chi phí.
Công ty kiếm được bao nhiêu tiền? Xem lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu.
Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là thu nhập của công ty chia cho tổng số cổ phiếu mà công ty đang có trên thị trường. EPS cao (hoặc EPS đang có xu hướng tăng) có thể là một dấu hiệu cho thấy cổ phiếu đang có hiệu quả sinh lời tốt và là cơ hội tiềm năng cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hãy thận trọng, EPS cũng có thể tăng vì những lý do kém hấp dẫn, chẳng hạn như gộp cổ phiếu.
Cổ phiếu có được "định giá hợp lý" không? Xem tỷ lệ P/E và P/S.
Nếu bạn đang so sánh hai cổ phiếu với nhau, tỷ lệ giá trên lợi nhuận (P/E) sẽ cho bạn biết bạn phải trả bao nhiêu tiền cho cổ phiếu này so với lợi nhuận mà công ty kiếm được (có thể hiểu đơn giản là để lãi 1 đồng, bạn phải trả trước bao nhiêu đồng). Trong khi đó, tỷ lệ giá trên doanh thu (P/S) so sánh giá cổ phiếu của một công ty với doanh thu của họ.
Tỷ lệ P/E là giá hiện tại của cổ phiếu chia cho lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu. Ví dụ: tỷ lệ P/E từ 20 đến 25 có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ trả từ 20-25 đồng để lãi được 1 đồng. Nếu tỷ lệ P/E cao, điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư kỳ vọng rằng thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng cao hơn, nhưng nó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy cổ phiếu bị định giá cao quá mức. P/E thấp có thể chỉ ra rằng cổ phiếu đang bị định giá thấp hơn giá trị hợp lý hoặc cũng có thể phản ánh triển vọng mờ mịt của công ty tương ứng.
Một số nhà đầu tư còn đánh giá bằng cách chia tỷ lệ P/E cho tỷ lệ tăng trưởng dự kiến của công ty trong năm tới. Phép tính này sẽ có kết quả là tỷ lệ giá/lợi nhuận trên tăng trưởng (PEG) và PEG có thể giúp bạn xác định xem cổ phiếu đang xét có khả năng bị định giá quá cao hay quá thấp không. PEG bằng 1 thì tức là cổ phiếu có giá trị hợp lý, trong khi PEG lớn hơn 1 thì tức là cổ phiếu có vẻ đắt đỏ và PEG nhỏ hơn 1 thì cổ phiếu đó có thể đang “ngon”, được bán với giá rẻ.
Trong khi đó, tỷ lệ giá trên doanh thu (P/S), hay còn gọi là "bội số bán hàng" hoặc "bội số doanh thu", có thể được tính bằng cách chia vốn hóa thị trường của công ty cho doanh thu hoặc tổng doanh số bán hàng trong một khoảng thời gian cụ thể, chẳng hạn như một năm. Bạn cũng có thể tính toán tỷ lệ P/S bằng cách chia giá cổ phiếu của một công ty cho doanh thu trên mỗi cổ phiếu của công ty. So sánh tỷ số P/S của các công ty trong cùng ngành có thể giúp bạn biết được công ty nào có thể bị định giá thấp hoặc định giá quá cao. Ví dụ: giả sử bạn đang so sánh ba công ty công nghệ lớn và công ty đầu tiên có tỷ lệ P/S là 6 trong khi các công ty khác có tỷ lệ P/S là 4 và 2. Công ty có tỷ lệ P/S thấp nhất trong ví dụ này có thể được định giá thấp hơn giá trị hợp lý, vì doanh số của họ rất cao so với giá cổ phiếu. (Bạn cũng có thể tính tỷ lệ P/S dựa trên doanh số dự báo cho năm hiện tại, được gọi là “tỷ số P/S dự tính”.)
Tình hình doanh nghiệp có đáng báo động hay không? Xem tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu.
Trong làm ăn kinh doanh, nợ là bình thường, nhưng nếu một công ty đang nợ đầm đìa thì đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) có thể giúp bạn so sánh các cổ phiếu với nhau. Cách tính là lấy tổng nợ chia cho giá trị vốn sở hữu của cổ đông. Tỷ lệ D/E bằng 1 hoặc thấp hơn 1 cho thấy rằng công ty có thể trang trải các khoản nợ nếu họ chẳng may có một năm kinh doanh tồi tệ. Tỷ lệ D/E cao có thể là một dấu hiệu cho thấy công ty đang vượt quá giới hạn. Tất cả các tỷ lệ và chỉ số vừa nêu đều hữu ích ở một mức độ nào đó, nhưng hãy nhớ rằng nếu bạn chỉ dựa vào các chỉ số riêng lẻ thì việc phân tích hoặcra quyết định đầu tư có thể sẽ kém hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng nên cảnh giác rằng các doanh nghiệp có thể sẽ hoạt động tốt trong ngắn hạn dựa theo một số chỉ số nhất định, nhưng không phải lúc nào họ cũng duy trì được hiệu suất đó. Trong những khung thời gian ngắn, các khoản đầu tư của bạn có thể sẽ trông tốt hơn thực tế.
Cổ phiếu biến động đến mức nào?
Trước khi chọn một cổ phiếu, bạn nên nắm chắc xu hướng biến động của cổ phiếu đó để biết rõ hơn về doanh nghiệp mà bạn sắp rót vốn vào. Có một chỉ số đánh giá về mức độ biến động của cổ phiếu được gọi là beta. Chỉ số beta so sánh mức biến động của cổ phiếu đang xét với những chuyển động của thị trường chung, cho biết mức độ nhạy cảm của cổ phiếu đó với nhịp chuyển động của thị trường. Cổ phiếu hay một tài sản đầu tư nào đó càng biến động thì hệ số beta càng cao. Càng ít biến động, hệ số beta càng thấp. Mặc dù các khoản đầu tư với chỉ số beta thấp hơn thường được coi là ít rủi ro hơn, nhưng beta thấp hơn cũng có thể báo hiệu rằng bạn sẽ có ít cơ hội thu lãi khủng hơn.
Cổ phiếu có chất lượng hay không? Xem tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE)
Ai cũng muốn biết liệu họ có mua được món hời không hay bị lừa. Trong trường hợp đó, bạn nên xem Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) để tìm ra đáp án. Đây vốn là một thước đo về khả năng sinh lời của doanh nghiệp, tức là họ có thể tận dụng bao nhiêu vốn chủ sở hữu để làm ăn kinh doanh, biến chúng thành lợi nhuận. ROE giống như một thước đo để nhà đầu tư đo lường mức độ sinh lợi hiệu quả dựa trên nguồn vốn mà họ rót vào doanh nghiệp. Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu được tính bằng cách lấy lãi ròng chia cho vốn chủ sở hữu của các cổ đông. Con số này cho bạn biết công ty cuối cùng kiếm được bao nhiêu lợi nhuận trên mỗi đồng mà các cổ đông đã đầu tư vào công ty. Khi đánh giá ROE của một công ty, quan trọng nhất là phải so sánh công ty đó với các công ty tương tự, nghĩa là các công ty trong cùng ngành và có quy mô tương đương. Bạn cũng có thể so sánh ROE gần đây nhất của một công ty với ROE của công ty đó trong những năm trước để xem liệu khả năng sinh lời của họ đang cải thiện hay trở nên tệ hơn.
Ví dụ, giả sử một ngân hàng có tên là XYZ có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu là 10% vào năm ngoái và có thể lãi 1 đồng trên tiền vốn 10 đồng từ các cổ đông. Để phân tích đánh giá tỷ lệ đó là tốt hay kém, bạn có thể so sánh ROE của ngân hàng này với các ngân hàng lớn khác, cũng như với ROE của chính XYZ trong những năm trước.
Làm sao để so sánh công ty với đối thủ cạnh tranh? Xem nghiên cứu của các nhà phân tích.
Báo cáo của các nhà phân tích có thể giúp bổ sung thêm thông tin định lượng cũng như định tính, chẳng hạn như đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của một công ty, sản phẩm mới của họ và xu hướng tiêu dùng. Các nhà phân tích cũng thường xuyên theo dõi hoạt động quản lý, tính ổn định, hồ sơ theo dõi và chi phí vận hành doanh nghiệp.
Nếu bạn đầu tư vào một quỹ ETF hoặc quỹ tương hỗ, bạn cũng có thể thực hiện nghiên cứu đánh giá tương tự đối với các khoản đầu tư lớn nhất mà quỹ đang nắm giữ. Bạn cũng có thể so sánh quỹ với một chỉ số chứng khoán có tỷ trọng nắm giữ tương tự, được gọi là chỉ số chuẩn. Ví dụ, chỉ số S&P 500 là một chỉ số chuẩn bao hàm các cổ phiếu vốn hóa lớn. Nếu bạn đang đầu tư vào một quỹ tương hỗ được quản lý chủ động, thì hiệu suất dài hạn và hồ sơ theo dõi của nhà quản lý quỹ từ trước đến nay có thể giúp bạn đánh giá khả năng thành công của quỹ này theo thời gian. Bạn cũng nên chú ý đến các khoản phí phát sinh khi đầu tư vào quỹ. Tỷ lệ chi phí là một phép đo về các chi phí liên quan đến việc đầu tư vào một quỹ nào đó. Các chi phí này bao gồm: tiền thanh toán cho nhà quản lý quỹ, phí giao dịch, thuế và các chi phí hành chính khác, và được khấu trừ từ lợi tức của bạn trong quỹ tính theo tỷ lệ phần trăm trên khoản đầu tư tổng thể của bạn.
Có một phương pháp rất hay để đánh giá cổ phiếu là xem và theo dõi cổ phiếu đó trong một khoảng thời gian trước khi trở thành đầu tư vào doanh nghiệp tương ứng. Hiệu suất tăng trưởng trong quá khứ có thể cho bạn biết một số thông tin sơ bộ xoay quanh hành vi của cổ phiếu, nhưng nếu bạn tự đặt mình vào vị trí của cổ đông thì đôi khi cách làm đó có thể mang lại cho bạn cảm giác chân thực hơn về hướng xử lý khi thị trường trải qua những giai đoạn thăng trầm khó lường. Ngay cả khi bạn đã hết sức cẩn thận trong việc đánh giá kết hợp tất cả những yếu tố nêu trên và thậm chí còn đánh giá theo những cách khác, bạn vẫn có thể bị lỗ khi đầu tư. Vì vậy, hãy nhớ rằng chiến lược đa dạng hóa, phân bổ tài sản và nghiên cứu sâu rộng về doanh nghiệp cũng không hoàn toàn đảm bảo bạn sẽ không mất tiền.
Đăng Khoa-Theo learn.robinhood