Cổ phiếu giá trị là cổ phiếu được bán với giá thấp hơn mức giá trị thực tế theo quan điểm của một người nào đó dựa trên dữ liệu tài chính của công ty tương ứng.
Cổ phiếu giá trị là cổ phiếu của một công ty được bán ở một mức giá hời. Một cổ phiếu được coi là có giá trị nếu lãi ròng (doanh thu trừ chi phí), cổ tức (trả cho cổ đông), giá trị sổ sách (tài sản trừ nợ phải trả) hoặc các dữ liệu khác cho thấy giá bán của cổ phiếu đó đáng lẽ phải cao hơn. Các nhà đầu tư giá trị thường tìm đến những cổ phiếu như thế này để tận dụng thời cơ khi giá cổ phiếu rơi xuống thấp chỉ vì một số yếu tố bất lợi nhất định (chẳng hạn như vướng phải tin tức xấu) trong khi các số liệu kinh doanh của công ty lại rất đẹp, cho thấy cổ phiếu này đáng lẽ phải có giá cao hơn. Cổ phiếu giá trị khác với cổ phiếu tăng trưởng. Cổ phiếu tăng trưởng là của các công ty được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ trở thành “kỳ lân” thế hệ tiếp theo.
Vào ngày 13/05/2019, giá cổ phiếu Boeing đóng cửa ở mức 337,37 USD. Nhưng sau đó công ty đã có một năm đầy biến động, bao gồm cả những vấn đề gây tranh cãi với dòng máy bay 737 Max, và đại dịch Covid toàn cầu đã làm giảm đáng kể hoạt động di chuyển bằng đường hàng không. Đến ngày 11/05/2020, cổ phiếu phổ thông của Boeing được bán với giá 128,91 USD, giảm sâu đến 62%. Nếu có một nhà đầu tư nào đó tin rằng công ty Boeing có thể phục hồi lại lợi nhuận và duy trì hoạt động chia cổ tức, họ sẽ cho rằng các nhà đầu tư khác đang đánh giá thấp giá trị thực tế của Boeing. Trong trường hợp đó, nhà đầu tư có thể xem đây như là một cổ phiếu giá trị.
Cổ phiếu giá trị cũng giống như ô tô đã qua sử dụng vậy…
Hầu hết xe cũ đề rẻ hơn xe mới vì một lý do, chúng đã bị hao mòn, hoặc có thể bị hư hỏng và cần sửa chữa. Xe cũ có thể không còn mới sáng bóng nhưng chúng sẽ làm được việc và có khả năng tốn ít tiền hơn. Tương tự như vậy, nhà đầu tư giá trị thường không mua cổ phiếu giá trị bởi vì đó là thứ mới tinh sáng bóng mà là vì đó là một mức ưu đãi tốt mà những người khác dường như không để ý đến.
Cổ phiếu giá trị là cổ phiếu được giao dịch ở mức giá thấp hơn hiệu suất thực của công ty và hoặc giá trị cơ bản cho thấy cổ phiếu đó đáng lẽ phải được giá hơn. Đầu tư giá trị là một cách tiếp cận đầu tư giống như đi săn giá hời, đó là khi bạn đang cố gắng tìm kiếm những khoản giao dịch tốt. Các cổ phiếu giá trị thường có các chỉ số tài chính thuận lợi hơn so với các công ty cùng ngành. Ví dụ, nếu hai công ty đều có cùng doanh thu, chi phí, tài sản và các khoản nợ, nhưng cổ phiếu của một công ty rẻ hơn cổ phiếu của công ty kia, thì đó có thể là cổ phiếu giá trị. Về lý thuyết, giá của một cổ phiếu giá trị cuối cùng sẽ bắt kịp với giá trị nội tại của chính nó (mà các nhà phân tích tính toán giá trị này bằng cách sử dụng số liệu báo cáo tài chính của công ty).
Cổ phiếu giá trị có khả năng sinh lợi cao bởi vì các nhà đầu tư có thể mua chúng với giá thấp hơn giá trị thực. Điều đó khác với việc mua cổ phiếu dựa trên kỳ vọng rằng công ty sẽ tăng trưởng. Trong một số trường hợp, cổ phiếu của một công ty giá trị sẽ có mức giá rất hời vì danh tiếng của họ ít được nhắc đến trong giới đầu tư. Đôi khi, thị trường chung có tâm lý tiêu cực đến mức có thể đẩy giá xuống dưới mức hợp lý dựa trên lợi nhuận và cổ tức của công ty. Ví dụ, giá cổ phiếu BP đã giảm mạnh sau vụ tràn dầu Macondo vào năm 2010. Vào ngày 31/03/2010, giá cổ phiếu BP là 57,07 USD/cổ. Đến ngày 30/06/2010, BP được giao dịch ở mức 28,88 USD, giảm 49%. Vào ngày 31/01/2011, giá cổ phiếu BP đã trở lại mức 47,47 USD. Khi đa số các nhà đầu tư phản ứng thái quá với tin tức tiêu cực từ cánh báo chí, một số nhà đầu tư khác cho rằng BP là một cổ phiếu giá trị trong khoảng thời gian đó.
Có nhiều cách để nhà đầu tư xác định cổ phiếu giá trị.
Lưu ý rằng đây là những chỉ số phụ thuộc vào kết quả trong quá khứ, trong khi thị trường thường dự đoán lợi nhuận trong tương lai. Trong một số trường hợp, có những công ty cũng trông giống như là cổ phiếu giá trị, nhưng thực tế giá cổ phiếu của họ có thể đã phản ánh hết những dự đoán về triển vọng kinh doanh yếu kém trong tương lai. Vì vậy, mặc dù hiệu suất trong quá khứ có thể sẽ cho thấy các chỉ số rất tốt, nhưng có khả năng sẽ không phản ánh chính xác những gì sắp xảy ra phía trước.
Nói ngắn gọn, cổ phiếu giá trị là cổ phiếu có giá thấp hơn mức giá hợp lý theo nhận định của các nhà đầu tư dựa trên kết quả tài chính mà doanh nghiệp đã đạt được. Cổ phiếu tăng trưởng thì có mức giá thấp hơn mức giá kỳ vọng mà họ tin rằng doanh nghiệp sẽ đạt được trong tương lai dựa trên triển vọng lợi nhuận sau này.
Các nhà đầu tư giá trị (tức là những nhà đầu tư thích mua cổ phiếu giá trị) thường sẽ đổ tiền vào mua gom khi các nhà đầu tư khác rút lui hoặc họ sẽ tận dụng bằng cách hưởng cổ tức. Số cổ tức này mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn nếu so sánh với số vốn đã đầu tư.
Các nhà đầu tư theo trường phái tăng trưởng lại có góc nhìn khác. Họ sẽ tìm những cổ phiếu với kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn mặt bằng chung. Cổ phiếu tăng trưởng có thể là một công ty mới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc một công ty tăng trưởng lâu đời hơn nhưng đang tích cực phát triển ở các thị trường mới.
Tỷ phú kiêm nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett mô tả quá trình tìm kiếm cổ phiếu giá trị cũng giống như khi một người tìm cách “mót” điếu xì gà thừa vậy. Món lợi đó tuy không quá hấp dẫn nhưng nếu bạn có thể tìm thấy chúng thì bạn sẽ chẳng mất gì cả.
Vấn đề là đôi khi cổ phiếu giá trị bị bán rẻ cũng vì lý do nhất định. Các nhà đầu tư khác có thể biết điều gì đó nhưng chưa được thể hiện trong báo cáo tài chính. Ví dụ, một công ty đang trên bờ vực phá sản hoặc đang vướng vào một vụ kiện lớn, có thể sẽ trông giống như có nội lực rất tốt. Nhưng nếu công ty đó thực sự phá sản, nhà đầu tư có thể mất toàn bộ khoản tiền đầu tư.
Hơn nữa, các nhà đầu tư giá trị thường không thu được lợi ích gì từ “món hời” theo định nghĩa của họ cho đến khi các nhà đầu tư còn lại trên thị trường bắt đầu dậy sóng theo. Họ có thể sẽ phải chờ vài tháng hoặc thậm chí vài năm để giá cổ phiếu phục hồi sau khi phát sinh những vấn đề tiêu cực hoặc sau khi có một yếu tố nào đó làm kìm hãm giá cổ phiếu. Đó là lý do tại sao đầu tư giá trị thường được coi là một chiến lược đầu tư dài hạn. Nếu mất quá nhiều thời gian để giá trị được phản ánh bằng “tiền tươi thóc thật” thì ngay cả khi bạn mua vào ở mức giá rất thấp thì cũng có thể khoản đầu tư đó chỉ mang lại tỷ suất lợi nhuận hàng năm thấp hơn so với các khoản đầu tư khác.
Trước khi bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu giá trị, điều quan trọng là bạn phải biết liệu cổ phiếu mà bạn đang nhắm đến có phù hợp với mục tiêu của mình hay không và sau đó tìm hiểu nguyên lý đầu tư giá trị. Hãy tìm hiểu thêm về phân tích cơ bản, cách xác định giá trị của một cổ phiếu dựa trên sản phẩm, doanh số, hoạt động quản lý và các yếu tố khác của doanh nghiệp.
Hãy luôn ghi nhớ rằng: “giá là những gì bạn phải trả, còn giá trị là những gì bạn nhận được”. Câu nói này được trích từ một bức thư gửi cổ đông do Warren Buffett viết, trong đó ông giải thích triết lý mà ông học được từ Benjamin Graham (cha đẻ của trường phái đầu tư giá trị). Warren Buffet có ý nhấn mạnh rằng nhà đầu tư phải biết rõ một cổ phiếu thực sự có giá trị như thế nào (hay còn gọi là giá trị nội tại) để xác định liệu bản thân có đang đứng trước một món hời hay không.
Thông thường, nhà đầu tư sẽ chọn mua một cổ phiếu nào đó khi họ tin rằng giá cổ phiếu đó sẽ tăng lên. Đối với cổ phiếu giá trị, sự lựa chọn sẽ còn tùy thuộc vào việc liệu nhà đầu tư có nghĩ rằng công ty của họ hiện có giá trị cao hơn giá bán thực tế hay không. Đối với nhiều nhà đầu tư giá trị, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ phải tin tưởng vào chính công ty, vào ban quản trị, sứ mệnh cũng như sản phẩm của công ty đó.
Cổ phiếu giá trị không phải là kênh đầu tư ăn xổi ở thì và các nhà đầu tư giá trị thường sẽ không tìm cách kiếm tiền nhanh chóng. Cổ phiếu giá trị thường là những công ty vững mạnh về tài chính, chuyên cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ mà tất cả mọi người đều biết đến và là một thương hiệu mà khách hàng tin tưởng.
Đăng Khoa-Theo learn.robinhood