logo
Theo dõi investo trên google news

chủ nhật, 25/09/2022

Đầu tư 101 & Investo: Cổ phiếu ưu đãi là gì?

investo-PreferredStock-220924Định nghĩa:

Cổ phiếu ưu đãi là một loại cổ phiếu mang lại cho nhà đầu tư quyền ưu đãi cao hơn đối với tài sản và cổ tức từ một doanh nghiệp (so với cổ đông phổ thông), nhưng thường không có quyền biểu quyết.

20220924-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (preferred stock_series 101) pic 1.jpg

Tìm hiểu về cổ phiếu ưu đãi

Cổ phiếu ưu đãi mang lại cho nhà đầu tư quyền ưu tiên khi nhận tiền thu nhập từ doanh nghiệp, được gọi là cổ tức, tùy thuộc vào số lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư sở hữu. Các nhà đầu tư sở hữu cổ phần ưu đãi cũng thường được thanh toán trước các nhà đầu tư sở hữu cổ phần phổ thông nếu một doanh nghiệp bị phá sản (sau khi các chủ nợ được thanh toán), và đôi khi có quyền chọn chuyển đổi cổ phần của họ thành cổ phần phổ thông.

Mặc dù cổ phiếu ưu đãi có thể cung cấp cho các nhà đầu tư một nguồn thu nhập đáng tin cậy hơn so với cổ phiếu phổ thông, nhưng cổ phiếu ưu đãi có thể có ít tiềm năng tăng giá hơn. Ngoài ra, cổ phiếu ưu đãi thường có ít hoặc không có quyền biểu quyết, có nghĩa là những cổ đông ưu đãi không có tiếng nói trong các quyết định như lựa chọn thành viên hội đồng quản trị hoặc các sự kiện khác của doanh nghiệp như sáp nhập, mua lại hoặc chia tách cổ phiếu.

Các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi, hoặc các chứng khoán khác như cổ phiếu phổ thông hoặc trái phiếu, như một cách huy động vốn cho hoạt động kinh doanh của họ hoặc đầu tư vào các sáng kiến ​​mới mà họ cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Cổ phiếu ưu đãi thường được phát hành bởi các tổ chức tài chính, như ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tiện ích và REIT (quỹ đầu tư tín thác bất động sản). Nguyên nhân là do các doanh nghiệp này thường có những ràng buộc liên quan đến việc phát hành nợ mới. Cổ phiếu ưu đãi cho phép họ giải quyết nhu cầu khát vốn trong khi cung cấp được cho các nhà đầu tư một sản phẩm có vai trò giống như nợ, và thường sẽ không bị pha loãng quyền sở hữu của cổ đông hiện tại.

Ví dụ

Lấy cổ phiếu của Ford làm ví dụ. Tính đến ngày 31/01/2019, có 116.764 nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu phổ thông trong doanh nghiệp này và chỉ có ba nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ưu đãi. Theo báo cáo thường niên năm 2018 của công ty này, cả cổ đông ưu đãi và phổ thông đều được trả cổ tức 15 cent/cổ phiếu cho quý 4 năm 2018. Trong quý đầu tiên, cả hai nhóm cổ đông đều nhận được 28 cent/cổ phiếu, còn trong quý thứ hai và thứ ba, cả cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi đều nhận được 15 cent/cổ phiếu. Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2018 của Ford.

Bài học

Mua cổ phiếu ưu đãi cũng giống như mua một cây ăn trái đã trưởng thành, tức là người mua sẽ có cơ hội thu hoạch cao hơn. Trong đi đó, mua cổ phiếu phổ thông cũng giống như đi gieo hạt trồng cây, mặc dù có nhiều rủi ro hơn vì sản lượng thu hoạch sẽ có thể kém ổn định, nhưng bạn có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Cả hai loại cổ phiếu đều là các phần sở hữu trong một doanh nghiệp, tuy nhiên cổ phiếu ưu đãi là loại cổ phiếu ít phổ biến hơn và có thể có một số đặc điểm giống trái phiếu. Dạng tài sản này cung cấp cho các nhà đầu tư một vị thế ưu tiên hơn khi nhận tiền thu nhập từ doanh nghiệp (hay còn gọi là cổ tức) trước các cổ đông phổ thông. Tuy nhiên, cổ phiếu ưu đãi thường có rất ít hoặc không có quyền biểu quyết.

20220924-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (preferred stock_series 101) pic 2.jpg

Sự khác biệt giữa cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi

Cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi là hai loại cổ phiếu chính (đại diện cho quyền sở hữu hoặc vốn chủ sở hữu trong một doanh nghiệp). Hai loại cổ phiếu này đều được mua thông qua các công ty môi giới, nhưng chúng có một số điểm khác biệt cần chú ý:

  1. Tính phổ biến: Cổ phiếu phổ thông phổ biến hơn nhiều (giống như tên gọi) so với cổ phiếu ưu đãi. Phần lớn cổ phiếu ưu đãi được phát hành bởi các ngân hàng hoặc thậm chí các doanh nghiệp bảo hiểm. Nhiều công ty blue chip (các công ty lâu đời, ổn định) có chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông hoàn toàn không phát hành cổ phiếu ưu đãi.
  2. Quyền hưởng cổ tức: Các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu phổ thông có nghĩa vụ trả cổ tức cho cổ đông ưu đãi trước theo lịch trình đã định, trước khi cổ đông phổ thông nhận được tiền thu nhập. Nếu một doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc trả cổ tức, các cổ đông ưu đãi sẽ nhận được cổ tức của họ trước.
  3. Quyền sở hữu tài sản: Nếu một doanh nghiệp nộp đơn phá sản hoặc gặp các vấn đề rắc rối khác, các chủ nợ (hay còn gọi là trái chủ) sẽ được thanh toán trước, nhưng cấp bậc hưởng quyền tiếp theo là cổ đông ưu đãi, còn cổ đông phổ thông là cổ đông hưởng quyền lợi cuối cùng. Nếu một doanh nghiệp giải thể, các cổ đông ưu đãi thường được bảo vệ nhiều hơn các cổ đông phổ thông.
  4. Vai trò: Nhìn chung, cổ phiếu ưu đãi có vai trò giống như trái phiếu hơn là cổ phiếu. Cổ phiếu ưu đãi có xu hướng giao dịch ở mức giá ổn định, không có tiềm năng sinh lợi vốn đáng kể do biến động giá cổ phiếu, vì giá cổ phiếu của doanh nghiệp thường không ảnh hưởng đến giá trị của chúng. Thay vào đó, các nhà đầu tư muốn tạo ra nguồn thu nhập từ cổ phiếu ưu đãi thông qua cổ tức. Đầu tiên, cổ phiếu ưu đãi thường được đánh giá về sức mạnh tài chính tương tự như với trái phiếu, ngay cả khi chúng không có cùng mức độ bảo vệ nhà đầu tư xét về quyền ưu tiên thanh lý. Mặc dù không phổ biến, nhưng cổ phiếu ưu đãi cũng có thể bị giới hạn hoặc hết hạn, giống như trái phiếu, nghĩa là hợp đồng sở hữu có thời hạn nhất định, chẳng hạn như 5 năm. Một số cổ phiếu ưu đãi chứa các điều khoản thu hồi, tức là cho phép doanh nghiệp phát hành thu hồi cổ phiếu này.
  5. Quyền biểu quyết: Cổ phiếu phổ thông thường đi kèm với quyền biểu quyết, nghĩa là các cổ đông có thể tham gia vào các quyết định quan trọng như quyết định ai được bầu vào hội đồng quản trị, liệu công ty có chấp nhận mua bán và sáp nhập hay không, và các sự kiện lớn khác của doanh nghiệp. Cổ phiếu ưu đãi thường không có quyền biểu quyết.
  6. Chuyển đổi: Cổ phiếu ưu đãi đôi khi đi kèm với quyền chọn cho các cổ đông để chuyển đổi chúng thành cổ phiếu phổ thông. Trong khi đó, cổ phiếu phổ thông thường không thể chuyển đổi thành cổ phiếu ưu đãi.

Điều quan trọng là nhà đầu tư phải đọc kỹ chứng chỉ phát hành để biết cách thức hoạt động của cổ phiếu ưu đãi. Ở thị trường chứng khoán Mỹ, các nhà đầu tư có thể xem cơ sở dữ liệu tài liệu công khai của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ có tên EDGAR để xem các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi đã chia sẻ thông tin gì về cổ phiếu ưu đãi của họ, cũng như các thông tin tiết lộ khác liên quan đến cổ phiếu.

Tại sao doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi?

Các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi, hoặc các chứng khoán khác như cổ phiếu phổ thông hoặc trái phiếu nhằm huy động vốn cho hoạt động kinh doanh của họ hoặc đầu tư vào các sáng kiến ​​mới mà họ cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Trên thị trường không có nhiều doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi, mà cổ phiếu ưu đãi thường chỉ được phát hành bởi các tổ chức tài chính, như ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tiện ích và REIT (các quỹ đầu tư tín thác bất động sản).

Các doanh nghiệp đôi khi thích phát hành cổ phiếu ưu đãi hơn các loại chứng khoán khác vì một số lý do khác nhau:

  1. Thời hạn thỏa thuận: Cổ phiếu ưu đãi có thể có thời gian đáo hạn ngắn hơn so với trái phiếu, có nghĩa là, giấy chứng nhận quyền sở hữu cổ phiếu ưu đãi của cổ đông ưu đãi thường có thời gian kéo dài ngắn hơn so với trái phiếu.
  2. Giảm bớt nỗi lo về nợ: Nếu một doanh nghiệp không đáp ứng được khoản thanh toán trái phiếu, doanh nghiệp đó có thể có nguy cơ vỡ nợ đối với các trái phiếu đã phát hành, và kết quả là họ phải đối mặt với phá sản. Ngược lại, các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi có thể hoãn trả cổ tức, điều này giúp họ linh hoạt hơn trong việc trả cổ tức còn nợ khi có tiền mặt.
  3. Duy trì quyền kiểm soát: Cổ phiếu ưu đãi thường không có quyền biểu quyết. Các doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu và giới hạn quyền kiểm soát mà họ trao cho các cổ đông.

Doanh nghiệp có thể phát hành các loại cổ phiếu ưu đãi khác nhau không?

Có, doanh nghiệp có thể phát hành nhiều loại cổ phiếu ưu đãi khác nhau. Điều này có nghĩa là một doanh nghiệp có thể cung cấp các nhóm cổ phiếu ưu đãi khác nhau với các giá trị cổ tức khác nhau. Khi chào bán cổ phiếu ưu đãi (nơi nhà đầu tư có thể tìm cổ phiếu có sẵn để mua), cổ phiếu ưu đãi sẽ được niêm yết dựa trên lợi tức cổ tức của chúng, là tỷ lệ thể hiện giá trị của cổ tức so với giá cổ phiếu. Ví dụ, nếu một cổ phiếu có giá cổ phiếu tương đối thấp và cổ tức cao, thì cổ phiếu đó có thể có tỷ suất cổ tức cao so với các cổ phiếu khác. Tương tự, một cổ phiếu có cổ tức trung bình và giá cổ phiếu cao có thể có tỷ suất cổ tức thấp so với các cổ phiếu khác.

Cổ phiếu ưu đãi được đánh giá như thế nào?

Ở Mỹ, nhiều cổ phiếu ưu đãi được đánh giá bởi các cơ quan như Standard & Poor’s Corporation và Moody’s Investors Service. Việc xếp hạng đánh giá thường nhằm giúp tiết lộ mức độ tin cậy của tổ chức phát hành (trong trường hợp này là doanh nghiệp cung cấp cổ phiếu ưu đãi), cũng như khả năng trả lãi của doanh nghiệp mà họ nợ.

Trên thang xếp hạng của Standard & Poor, cổ phiếu được xếp hạng BBB trở lên thường được coi là hạng đầu tư (có nghĩa là cơ quan xếp hạng tin rằng việc nhà phát hành được coi là tương đối an toàn nhờ trả lãi và gốc nhanh chóng khi đáo hạn), trong khi đó những cổ phiếu ưu đãi được xếp hạng dưới BBB được coi là có rủi ro cao hơn.

Trên thang điểm của Moody’s, các cổ phiếu ưu đãi được xếp hạng Baa3 trở lên thường được coi là hạng đầu tư, trong khi các cổ phiếu được xếp hạng thấp hơn Baa3 thường được coi là dưới hạng đầu tư.

Cần nhớ rằng kết quả xếp hạng tín dụng không có tác dụng loại trừ rủi ro thị trường và có thể thay đổi.

Các loại cổ phiếu ưu đãi khác nhau

Cổ phiếu ưu đãi được phân thành 5 loại khác nhau:

  1. Cổ phiếu ưu đãi tích lũy: Nếu doanh nghiệp hoãn trả cổ tức cho những cổ phiếu ưu đãi này, cổ tức sẽ được cộng dồn và doanh nghiệp sẽ phải trả cổ tức cho cổ đông ưu đãi trước khi họ trả cổ tức cho bất kỳ cổ đông phổ thông nào khác.
  2. Cổ phiếu ưu đãi không tích lũy: Đây là loại cổ phiếu ưu đãi mà nếu doanh nghiệp phát hành trì hoãn kế hoạch trả cổ tức, chúng sẽ không được tích lũy và cổ đông có thể không bao giờ nhận được cổ tức.
  3. Cổ phiếu ưu đãi ủy thác: Các cổ phiếu ưu đãi này được chào bán khi doanh nghiệp thiết lập quỹ tín thác và phát hành cổ phiếu ưu đãi thông qua quỹ ủy thác đó. Cổ phiếu được tài trợ bởi chứng khoán nợ của doanh nghiệp và đáo hạn cùng lúc với chứng khoán nợ. Loại hình cổ phiếu này từng rất phổ biến ở các ngân hàng nhưng hiện các cơ quan quản lý đã hạn chế cho phép phát hành chúng.
  4. Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi: Các cổ phiếu ưu đãi này có thể được chuyển đổi thành một số lượng cổ phiếu phổ thông nhất định.

5. Cổ phiếu ưu đãi có thể hoán đổi: Những cổ phiếu ưu đãi này có thể được đổi lấy một loại chứng khoán khác.

Đăng Khoa-Theo learn.robinhood

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến