logo
Theo dõi investo trên google news

thứ bảy, 11/06/2022

Đầu tư 101 & Investo: đầu tư dè chừng rủi ro là như thế nào?

Định nghĩa:

Nhà đầu tư dè chừng rủi ro (risk-averse) là người luôn tránh né rủi ro và thường chọn các phương án đầu tư thận trọng để giảm thiểu tổn thất tiềm tàng.

investo - learn - 220610

Tìm hiểu về phong cách đầu tư dè chừng rủi ro

Những người dè chừng rủi ro thường không thoải mái với các lựa chọn đầu tư mạo hiểm do khả năng chấp nhận rủi ro của họ thấp. Các nhà đầu tư dè chừng rủi ro thường thích các cơ hội đầu tư thận trọng, ngay cả khi chúng mang lại lợi nhuận thấp hơn. Các kênh đầu tư thận trọng này bao gồm tài khoản tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi (CD) và một số loại trái phiếu nhất định. Những nhà đầu tư thích mạo hiểm thì ngược lại. Họ thường đầu tư với rủi ro cao hơn và lợi nhuận tiềm năng cao hơn, chẳng hạn như cổ phiếu và quỹ tương hỗ. Mặc dù tâm lý dè chừng rủi ro có thể giúp nhà đầu tư tránh bị mất tiền, nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ chọn các khoản đầu tư có lợi nhuận trung bình thấp hơn.

Ví dụ

Giả sử cô Lin muốn bắt đầu tham gia đầu tư. Khả năng chấp nhận rủi ro của cô ấy chỉ ở mức thấp, vì vậy cô đã tham khảo một cố vấn tài chính để tìm hiểu về các cơ hội đầu tư an toàn. Vị cố vấn đó khuyên cô nên để tiền vào tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao và các loại trái phiếu chính phủ lãi suất cố định, và cả hai đều mang lại nguồn thu nhập ổn định. Với chiến lược này, cô Lin có thể sẽ không thu được lợi nhuận đáng kể, nhưng cô ấy gần như chắc chắn sẽ lấy lại được tiền của mình với mức lãi suất khiêm tốn.

Bài học

Phong cách đầu tư dè chừng rủi ro giống như mua một chiếc xe tải nhỏ thay vì một chiếc xe môtô phân khối lớn vậy…

Bạn có thể sẽ không đến đích nhanh chóng và nhiều người sẽ nghĩ rằng chiếc xe tải nhỏ cũng chẳng có gì thú vị. Tuy nhiên, nếu thứ bạn cần là sự an toàn, thì xe tải nhỏ chính là lựa chọn thích hợp. Tương tự như vậy, các khoản đầu tư an toàn kiểu dè chừng rủi ro có thể sẽ không mang lại cho bạn một khoản lợi nhuận lớn và một số người sẽ nghĩ rằng chúng chẳng có gì thú vị đến vậy. Nhưng cuối cùng, bạn gần như chắc chắn sẽ nhận lại được tiền của mình kèm theo lãi suất.

20220610-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (risk aversion_series 101) pic 2.jpg

Đầu tư dè chừng rủi ro là như thế nào?

Thuật ngữ dè chừng rủi ro (risk averse) có thể áp dụng cho bất kỳ hệ quy chiếu nào, nhưng cụm từ này thường xuyên xuất hiện trong thế giới tài chính và đầu tư. Các nhà đầu tư dè chừng rủi ro là những người thích tìm đến các cơ hội đầu tư có rủi ro thấp để giảm bớt những tổn thất có thể xảy ra. Vì có nhu cầu giảm thiểu rủi ro nên họ cũng sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp hơn.

Có một số cơ hội đầu tư nhất định cũng rất thích hợp cho các nhà đầu tư dè chừng rủi ro vì chúng ít biến động hơn và có nhiều khả năng cho phép các nhà đầu tư thu hồi tiền của họ. Những kênh này bao gồm các tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao, chứng chỉ tiền gửi (CD) và trái phiếu chính phủ.

Ở những thời điểm nhất định trong hành trình đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư sẽ thấp dần. Ví dụ, những người đã nghỉ hưu hoặc sắp nghỉ hưu có khả năng sẽ chọn đầu tư ít hoặc hoàn toàn không có rủi ro nếu có thể. Họ cần tiền để chi tiêu sinh hoạt trong giai đoạn nghỉ hưu của mình và không thể chờ cho đến khi tài sản của họ tăng trở lại sau khi giảm mạnh. Những khoản tiết kiệm cho mục tiêu ngắn hạn, chẳng hạn như trả trước tiền nhà hoặc tổ chức đám cưới trong vài năm tới, cũng có thể sẽ hiệu quả hơn nếu như họ dùng số tiền đó để đầu tư vào các tài sản ít rủi ro. Họ không có đủ thời gian để chờ thị trường hồi phục lại sau khi sụt giảm.

Chiến lược đầu tư cho người e ngại rủi ro

Đối với những người muốn gắn bó với các khoản đầu tư có rủi ro thấp, sau đây là một số lựa chọn có đặc tính kết hợp giữa mức lợi nhuận khiêm tốn với mức rủi ro tối thiểu:

Tài khoản tiết kiệm

Tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng là một trong những nơi an toàn nhất để gửi tiền vào. Khi bạn gửi vào tài khoản tiết kiệm tại một ngân hàng ở Việt Nam, mức bảo hiểm tối đa hiện nay là 125 triệu đồng. Bạn có thể dùng đến số tiền của mình bất cứ lúc nào và lãi suất của bạn sẽ được đảm bảo, mặc dù vậy lãi suất cũng có thể thay đổi theo thời gian. Có những tài khoản tiết kiệm có lãi suất chỉ khoảng 2,5%, nhưng một số tài khoản tiết kiệm khác có lãi suất hấp dẫn hơn, lên đến hơn 8%. Ví dụ, theo kỳ hạn 13 tháng, ngân hàng ABBank áp dụng mức lãi suất là 8,3%.

Tài khoản thị trường tiền tệ

Tài khoản thị trường tiền tệ là sự kết hợp giữa tài khoản séc và tài khoản tiết kiệm. Đó là một dạng tài khoản có trả lãi tại các ngân hàng địa phương hoặc hiệp hội tín dụng. Số tiền mà bạn gửi vào sẽ được hưởng lãi suất, thường ở mức lãi suất cao hơn so với tài khoản tiết kiệm, nhưng bạn cũng có thể sẽ có sổ séc hoặc thẻ ghi nợ cho tài khoản của mình. Tài khoản thị trường tiền tệ thường có giới hạn về số lần rút tiền mà bạn có thể thực hiện mỗi tháng và đôi khi yêu cầu số dư tối thiểu cao hơn tài khoản tiết kiệm. Tài khoản thị trường tiền tệ cũng được bảo hiểm lên đến 125 triệu đồng.

Trái phiếu chính phủ

Kho bạc Nhà nước Việt Nam có phát hành một số loại trái phiếu để huy động tiền. Tương tự, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng có phát hành một số loại trái phiếu như T-bill và T-bond. Trái phiếu T-bill là loại trái phiếu ngắn hạn, sẽ đáo hạn trong vòng một năm và không trả lãi thường xuyên, trong khi trái phiếu T-bond đáo hạn trong 10 năm trở lên và trả lãi hai lần một năm. Thời gian tồn tại của các loại trái phiếu này có thể trải rộng từ mức ngắn hạn 4 tuần đối với một số loại trái phiếu T-bill và dài nhất là 30 năm đối với trái phiếu T-bond. Trái phiếu chính phủ (hay trái phiếu kho bạc) là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất bởi vì chúng được chính phủ đảm bảo hoàn toàn. Bạn sẽ được đảm bảo thu hồi vốn cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, rủi ro ở đây là nếu lãi suất thị trường hoặc lạm phát tăng lên thì có thể làm cho những trái phiếu có lãi suất cố định trở thành một khoản đầu tư kém hấp dẫn hơn.

Trái phiếu doanh nghiệp

Các doanh nghiệp cũng phát hành trái phiếu để huy động tiền mặt, thường là cho các dự án cần vốn hoặc để thúc đẩy tăng trưởng. Loại trái phiếu này không có khả năng đảm bảo cao như trái phiếu kho bạc, vì chúng không được chính phủ hậu thuẫn. Nhưng trái phiếu doanh nghiệp vẫn được coi là có rủi ro thấp, miễn là chúng đạt mức xếp hạng AAA từ các tổ chức xếp hạng tín dụng lớn. AAA là mức xếp hạng cao nhất mà các tổ chức này tung ra, và mức đó chỉ ra rằng công ty tương ứng có mức rủi ro tín dụng thấp và đã chứng minh được độ uy tín.

Cổ phiếu cổ tức

Mặc dù tất cả các cổ phiếu đều đi kèm với rủi ro, nhưng những cổ phiếu có chia cổ tức có thể mang lại nguồn thu nhập đáng tin cậy. Cổ phiếu cổ tức là loại cổ phiếu có chi trả cổ tức (khoản thanh toán thường kỳ mà doanh nghiệp trích ra để phân phối cho người sở hữu cổ phiếu) cho các cổ đông hàng năm. Cổ phiếu cổ tức cũng hứng chịu ảnh hưởng biến động của thị trường như các cổ phiếu khác. Nhưng thu nhập từ cổ tức mà họ cung cấp có thể giúp bù đắp các khoản lỗ tiềm tàng hoặc nâng cao lợi nhuận tiềm năng. Các doanh nghiệp lúc nào cũng có thể ngừng chia cổ tức, nhưng những cổ phiếu cổ tức đó sẽ có xu hướng tập trung nhiều hơn vào mục tiêu tăng trưởng ổn định. Dù gì đi nữa, công ty nào cũng sẽ rất do dự khi hứa chia cổ tức cho các nhà đầu tư trừ khi công ty đó dự kiến có thể ​​tiếp tục tài trợ cổ tức bằng nguồn thu nhập.

Chứng chỉ tiền gửi (CD)

Chứng chỉ tiền gửi (CD) là sản phẩm tài chính mà các ngân hàng và hiệp hội tín dụng cung cấp. Khách hàng gửi tiền một lần và để yên trong một khoảng thời gian nhất định, và tổ chức tài chính sẽ trả lại họ phần lãi suất. Chứng chỉ tiền gửi có thể tồn tại vài tháng hoặc nhiều nhất là 10 năm. Chứng chỉ tiền gửi không có tiềm năng sinh lợi khủng như cổ phiếu, nhưng chúng là một lựa chọn đầu tư an toàn hơn, vì lợi nhuận sẽ được đảm bảo. Lãi suất đối với chứng chỉ tiền gửi đôi khi cao hơn lãi suất của tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản thị trường tiền tệ vì bạn sẽ không được phép dùng đến số tiền của mình. Các khoản tiền này được bảo hiểm lên đến 125 triệu đồng.

Lưu ý rằng, mặc dù một số khoản đầu tư sẽ ít rủi ro hơn những khoản đầu tư khác, nhưng nhà đầu tư vẫn có khả năng mất tiền khi đầu tư vào cổ phiếu hoặc trái phiếu. Ngay cả với tài khoản séc hoặc tài khoản tiết kiệm hoặc chứng chỉ tiền gửi, bạn vẫn có thể phải chịu phí hoặc tiền phạt. Hãy tham khảo ý kiến tư vấn ​​của một cố vấn tài chính nào đó và nghiên cứu kỹ để hiểu rõ hơn về rủi ro và lợi nhuận tiềm năng trước khi đầu tư.

Dè chừng rủi ro, ưa chuộng rủi ro và trung lập rủi ro

Ngược lại với dè chừng rủi ro là ưa chuộng rủi ro, dùng để mô tả những nhà đầu tư thích tìm đến các khoản đầu tư dễ biến động và không chắc chắn để có cơ hội thu được lợi nhuận cao hơn. Mặc dù có những người chỉ muốn tập trung vào việc bảo toàn giá trị tài sản và tăng trưởng đều đặn theo thời gian, nhưng các nhà đầu tư mạo hiểm lại muốn gia tăng tài sản một cách liều lĩnh hơn. Họ làm điều này không chỉ vì lợi nhuận tiềm năng từ khoản đầu tư mà còn vì cảm giác phấn khích khi đối mặt với rủi ro.

Những đối tượng như vậy có khả năng sẽ tìm đến các cổ phiếu rủi ro hơn, cũng như các khoản đầu tư rủi ro cao khác như đầu tư vào các dự án khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm. Họ cũng có thể đang muốn dấn thân vào con đường kinh doanh khởi nghiệp, từ bỏ một công việc an toàn với mức lương cố định để đổi lấy niềm hứng khởi và lợi nhuận hấp dẫn khi bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Nguy cơ thất bại không làm họ chùn bước như những nhà đầu tư dè chừng rủi ro. Tương lai vô định thường là một phần không thể thiếu, mang lại niềm vui cho họ.

Còn những nhà đầu tư trung lập với rủi ro lại hoàn toàn không đoái hoài đến mức độ rủi ro khi họ đang cân nhắc các cơ hội đầu tư. Lúc này, họ chỉ đánh giá cơ hội lợi nhuận tiềm năng. Mặc dù các nhà đầu tư ưa chuộng rủi ro có thể sẽ sẵn lòng đón nhận rủi ro, nhưng những nhà đầu tư trung lập lại không màng đến yếu tố rủi ro. Trên thực tế, hầu hết các nhà đầu tư đều không mang tư tưởng trung lập về rủi ro.

Giả sử bạn có thể đầu tư 500 USD để nhận được khoản lợi nhuận đảm bảo là 50 USD. Hoặc bạn có thể đầu tư số tiền tương tự để có 50% cơ hội kiếm được 100 USD. Những nhà đầu tư dè chừng rủi ro gần như chắc chắn sẽ chọn phương án chắc ăn hơn với lợi nhuận 50 USD. Những nhà đầu tư thích mạo hiểm có thể sẽ chọn phương án rủi ro hơn, một phần là vì lợi nhuận tiềm năng và một phần là vì họ thích rủi ro. Nhà đầu tư trung lập với rủi ro sẽ chọn phương án thứ hai, phớt lờ rủi ro và chỉ tập trung vào mức lợi nhuận tiềm năng cao nhất.

Tâm lý dè chừng rủi ro có tốt không?

Cho dù chọn hay không chọn làm nhà đầu tư an toàn (dè chừng rủi ro), điều đó cuối cùng vẫn tùy thuộc vào hoàn cảnh và sở thích của từng người. Có những thời điểm nhất định, các cố vấn tài chính có thể sẽ đề xuất áp dụng một chiến lược đầu tư thận trọng. Ví dụ, những nhà đầu tư sắp nghỉ hưu có thể sẽ muốn chuyển dịch dòng vốn vào các lựa chọn rủi ro thấp hơn, vì họ sẽ cần phải sống bằng nguồn tiền thu nhập định kỳ.

Các khoản đầu tư an toàn sẽ là một lựa chọn chắc ăn hơn mỗi khi bạn dành ra số tiền mà bản thân cần sớm lấy lại trong ngắn hạn. Đặc tính biến động của thị trường chứng khoán có thể sẽ phù hợp với những người có mục tiêu tài chính trong 5 hoặc thậm chí 30 năm tới, nhưng nếu bạn cần tiền trong vòng 1 hoặc 2 năm thì có lẽ bạn nên chấp nhận ít rủi ro hơn.

Chiến lược đầu tư dè chừng rủi ro cũng đi kèm với chi phí cơ hội. Mức lợi nhuận từ các khoản đầu tư rủi ro thấp như tài khoản tiết kiệm và trái phiếu về lâu dài có thể sẽ không bì kịp tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm ở mức 10% mà thị trường chứng khoán đã chứng kiến kể từ năm 1928 (không điều chỉnh theo lạm phát).

Với các khoản đầu tư có rủi ro thấp, lợi nhuận có thể không chỉ thấp hơn so với thị trường chứng khoán mà còn thấp hơn so với tốc độ lạm phát. Nếu trong một năm mà tài khoản tiết kiệm của bạn chỉ sinh lãi 2% và lạm phát tăng 3% thì tức là bạn đang nghèo đi.

Các chuyên gia cố vấn tài chính thường khuyên mọi người nên chọn một chiến lược đầu tư quyết liệt hơn để chuẩn bị cho giai đoạn nghỉ hưu khi bạn còn trẻ và chuyển sang các kênh đầu tư ít rủi ro hơn khi bạn gần về hưu.

Đăng Khoa - Theo learn.robinhood.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến