logo
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 20/06/2022

Đầu tư 101 & Investo: giao dịch qua quầy (OTC) là gì?

Giao dịch qua quầy (over-the-counter, OTC) là các hoạt động giao dịch tài chính, thường là mua và bán chứng khoán doanh nghiệp, không diễn ra trên một sàn giao dịch tập trung.

investo - dautu - 220620

Tìm hiểu về OTC

Giao dịch qua quầy (over-the-counter, OTC) là một hình thức giao dịch cổ phiếu khi chúng không được niêm yết trên sàn giao dịch chính thức. Các hoạt động giao dịch như thế này có thể được thực hiện trực tiếp với chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc có thể được thực hiện thông qua một sàn môi giới không chính thức. Tại Mỹ, cổ phiếu của các công ty đã niêm yết sẽ được mua và bán trên Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) hoặc sàn giao dịch NASDAQ. Các công ty không được niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ có thể bán cổ phần sở hữu hoạt động kinh doanh của họ qua quầy (OTC). Các loại chứng khoán khác được giao dịch bên ngoài sàn giao dịch cũng được coi là một dạng OTC, chẳng hạn như trái phiếu, công cụ phái sinh, tiền tệ và các công cụ phức tạp khác.

Ví dụ

Facebook đã xuất hiện từ năm 2004. Trải qua những năm đầu, công ty này đã phát triển thành một gã khổng lồ công nghệ. Năm 2012, công ty quyết định niêm yết cổ phiếu qua sàn giao dịch NASDAQ. Mặc dù đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) không diễn ra cho đến 8 năm sau khi công ty ra mắt đại chúng, nhưng điều đó không có nghĩa là nhà đầu tư chứng khoán không thể sở hữu một phần của công ty trước đó. Nếu bạn muốn mua cổ phiếu của công ty non trẻ này vào năm 2007, bạn sẽ cần phải thực hiện điều đó thông qua các giao dịch qua quầy (OTC).

Bài học

Giao dịch qua quầy (OTC) cũng giống như khi bạn tự bán xe ô tô vậy…

Đại lý xe hơi cũng giống như một sàn giao dịch. Đó là nơi mọi người tìm đến khi họ cần mua hàng. Nhưng họ sẽ phải trả một cái gì đó để sử dụng hệ thống đó. Còn theo một phương án khác, bạn có thể tự treo biển “rao bán” và thử vận may của mình. Bạn sẽ không có được lợi thế của một hệ thống vốn dĩ được thiết kế để kết nối người mua và người bán lại với nhau. Nhưng bạn cũng không phải trả phí niêm yết hoặc tuân theo các quy tắc của sàn giao dịch.

20220620-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (over the counter otc_series 101) pic 2.jpg

Các loại thị trường OTC

Có hai loại dịch vụ báo giá chứng khoán qua quầy (OTC). Các doanh nghiệp và nhà đầu tư sử dụng các dịch vụ này để chào mua hoặc đăng bán vốn cổ phần thông qua các sàn môi giới.

OTC Markets Grup

OTC Markets Group là một công ty tư nhân chuyên định giá cổ phiếu qua quầy. Ban đầu công ty này được thành lập vào năm 1913 với tư cách là Cục Báo giá Quốc gia Hoa Kỳ, một cơ quan chuyên cung cấp cho các sàn môi giới danh sách cổ phiếu và trái phiếu được rao bán theo định kỳ. Danh sách các cổ phiếu được in trên giấy màu hồng, trong khi trái phiếu có màu vàng. Kể từ đó, danh sách vốn chủ sở hữu OTC được chào bán qua hệ thống này được giới trader gọi là “pink sheets”, về sau trở thành tên gọi của công ty vào năm 2000.

Công ty đổi tên thành OTC Markets Group vào năm 2010 và hiện cung cấp một nền tảng báo giá điện tử cho các sàn môi giới hoặc đại lý môi giới trong mạng lưới của họ. Hiện tại OTC Markets Group có ba mức báo giá. OTCQX là cấp cao nhất, dành cho các công ty đã trưởng thành và có các yêu cầu công khai tài chính khắt khe. OTCQB được thiết kế cho các công ty nhỏ hơn, nhưng họ không được lâm vào trạng thái phá sản. Cấp Pink hiện là một thị trường mở, không có yêu cầu nào đối với việc công khai hoặc báo cáo tài chính.

OTCBB

Over-the-counter Bulletin Board (OTCBB) là một dịch vụ báo giá do Cơ quan quản lý ngành tài chính (FINRA) tổ chức. FINRA là cơ quan quản lý phi lợi nhuận, phi chính phủ, được cấp phép theo cùng một hệ thống luật tạo ra Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC). OTCBB là nơi để các sàn môi giới báo giá mua bán cổ phiếu của các công ty có báo cáo cho SEC, nhưng không được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty có thể được niêm yết trên cả OTCBB và OTC Markets Group.

Thị trường xám

Không phải mã chứng khoán OTC nào cũng đều được đăng trên OTCBB hoặc OTC Markets Group. Nhiều khoản giao dịch thậm chí còn diễn ra không chính thức hoặc không bao giờ được công bố. Trong trường hợp đó, những mã chứng khoán này được giao dịch trên “thị trường xám”.

Thị trường OTC hoạt động như thế nào?

Thị trường cho các mã chứng khoán giao dịch qua quầy (OTC) cũng giống như bất kỳ sản phẩm nào khác. Người mua quan tâm đến sản phẩm sẽ có mức giá tối đa mà họ sẵn sàng trả. Chủ sở hữu của sản phẩm sẽ có một mức tiền tối thiểu mà họ sẵn sàng chấp nhận. Nếu giá tối đa của người mua cao hơn giá tối thiểu của người bán, có thể hai bên sẽ thống nhất giao dịch.

Các dịch vụ báo giá OTC sẽ liên tục cập nhật mức giá mà người mua sẵn sàng trả (giá đặt mua) và mức giá mà người bán sẵn sàng chấp nhận (giá chào bán). Khi giá đặt mua cao hơn giá chào bán, các nhà tạo lập thị trường sẽ tiến hành điều phối giao dịch, tức là họ mua sản phẩm từ người bán, sau đó quay lại và bán cho người mua.

Các sàn môi giới thường đặt giá mua hoặc giá bán thay mặt cho khách hàng. Hoặc, trong một số trường hợp, sàn môi giới cũng có thể là một nhà đầu tư mua và bán chứng khoán cho chính họ. Trong những trường hợp như thế này, công ty đó được gọi là sàn-đại lý môi giới.

Một số sàn-đại lý môi giới cũng đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường, họ sẽ mua hàng trực tiếp từ người bán. Đôi khi, lệnh giao dịch OTC có thể được khớp mà không được đăng bởi công ty dịch vụ báo giá. Các hoạt động giao dịch trên “thị trường xám” có thể xảy ra thông qua một sàn môi giới có “mối” trực tiếp với cả người mua và người bán mà song phương có thể thực hiện giao dịch nếu họ được kết nối với nhau. Hoặc, giao dịch OTC có thể xảy ra trực tiếp giữa chủ sở hữu doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Làm cách nào để mua cổ phiếu OTC?

Cách tốt nhất để mua cổ phiếu qua quầy (OTC) là tạo tài khoản với sàn môi giới. Tuy không phải tất cả nhưng có nhiều sàn môi giới vừa cho phép nhà đầu tư giao dịch trên thị trường chứng khoán vừa cho phép giao dịch OTC.

Bạn không thể mua cổ phiếu OTC trực tiếp từ Over-the-Counter Bulletin Board (OTCBB) hoặc OTC Markets Group. Tất cả các giao dịch diễn ra thông qua các nhà tạo lập thị trường chứ không phải các nhà đầu tư cá nhân.

Cổ phiếu có thể chuyển từ sàn OTC sang NYSE hay không?

Đáp án là có. Các công ty không được niêm yết trên sàn giao dịch chính thức, như Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), sẽ được giao dịch trên sàn OTC. Thông thường, có những công ty quá nhỏ nên không thể trở thành công ty đại chúng. Đôi khi, những công ty dạng này còn không đủ khả năng chi trả phí niêm yết. Nhưng có một số công ty nhỏ này phát triển thành những công ty lớn. Khi một công ty đủ lớn và đáp ứng các yêu cầu niêm yết của sàn giao dịch, công ty đó có thể chọn phương án “chuyển thành công ty đại chúng”. Bằng cách tổ chức Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), công ty có thể chuyển từ thị trường OTC sang thị trường Phố Wall.

Mặc dù có nhiều công ty giao dịch OTC có giá cổ phiếu dưới 1 USD (được gọi là cổ phiếu penny), nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Có nhiều lý do khác khiến các công ty không thể đáp ứng các yêu cầu của sàn giao dịch. Nguyên nhân phổ biến nhất có thể là do báo cáo tài chính không đáp ứng theo quy chuẩn của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC). Hoặc có thể công ty gần đây đã phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Trong những trường hợp này, các công ty có thể được niêm yết trên một trong các sàn giao dịch chứng khoán sau khi họ khắc phục được sự cố.

Sự khác biệt giữa sàn OTC và một sàn giao dịch chứng khoán chính thức

Những sàn giao dịch chứng khoán tập trung, chẳng hạn như Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) hoặc NASDAQ, có các yêu cầu niêm yết cụ thể và được quy định chặt chẽ bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC). Ngược lại, cổ phiếu giao dịch qua quầy (OTC) được các nhà đầu tư trao đổi với nhau mà không có yêu cầu công bố thông tin nghiêm ngặt hoặc chịu sự giám sát trực tiếp của chính phủ. Ví dụ, để được niêm yết trên NYSE, một công ty Mỹ phải có:

Ít nhất 1,1 triệu cổ phiếu giao dịch công khai, 400 cổ đông khác nhau, giá trị thị trường ít nhất 40 triệu USD, giá cổ phiếu ít nhất 4,00 USD.

Để vượt qua bài kiểm tra thu nhập, các công ty phải cho thấy có lợi nhuận ít nhất 10 triệu USD trong ba năm tài chính gần nhất, với ít nhất 2 triệu USD mỗi năm trong hai năm trước đó và không có kết quả lỗ ròng nào trong ba năm trước đó.

Ngoài các tiêu chuẩn tài chính, một công ty được niêm yết phải đáp ứng các yêu cầu quản trị nhất định, cung cấp hồ sơ tài chính đã được kiểm toán và tuân thủ các quy định của SEC.

Cổ phiếu OTC không chịu sự giám sát giống như vậy và do đó được coi là rủi ro hơn nhiều so với các công ty đại chúng. Một số cổ phiếu OTC có tuân thủ theo các quy định của SEC và được niêm yết trên OTC Bulletin Board (OTCBB). Nhưng nhiều mã trong số đó được mua bán trên thị trường mở mà không có sự kiểm soát nào.

Thị trường OTC có an toàn không?

Mọi khoản đầu tư đều đi kèm với một mức độ rủi ro nhất định. Do đó, không có khoản đầu tư nào là an toàn trước khả năng thua lỗ một phần hoặc toàn bộ giá trị của nó. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ có lợi thế tốt hơn để hiểu rõ những rủi ro mà họ phải chịu khi có được nguồn thông tin đáng tin cậy.

Đó là lý do tại sao các công ty được niêm yết trên sàn giao dịch chính thức được yêu cầu cung cấp nhiều thông tin chi tiết về tài chính, hoạt động và cách quản lý của họ. Thông tin này phải được kiểm tra và chính xác, nếu không họ có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Các cổ phiếu được giao dịch trên thị trường OTC không bắt buộc phải cung cấp các dữ liệu chi tiết đến mức này. Do đó, nhà đầu tư có thể gặp khó khăn hơn nhiều để hiểu mức độ rủi ro vốn có trong khoản đầu tư. Ngoài ra, các công ty giao dịch OTC thường đang ở giai đoạn sớm hơn trong vòng đời doanh nghiệp. Bởi vì họ là những doanh nghiệp chưa thực sự trưởng thành nên có thể có khả năng thất bại cao hơn.

Ưu nhược điểm của thị trường OTC

Thị trường mua bán qua quầy (OTC) cho phép bạn tiếp cận để sở hữu một phần của các công ty trước khi những người khác biết đến sự tồn tại của công ty đó. Về mặt này, thị trường OTC cũng có những ưu và khuyết điểm riêng.

Ưu điểm

Bằng cách đầu tư từ đầu, bạn có thể chiếm một vị thế trong một công ty trước khi họ phát triển. Sau đó, khi công ty nổi lên thành một tập đoàn cỡ lớn thế hệ mới, khoản đầu tư của bạn sẽ được nhân lên nhiều lần. Hãy thử tưởng tượng xem tài sản của bạn sẽ là bao nhiêu vào lúc này nếu bạn được mua Amazon với giá vài cent/cổ phiếu khi họ chỉ là một công ty non nớt. Khi công ty phát triển, giá trị cổ phiếu của bạn sẽ tăng cùng với các chủ sở hữu khác.

Nhược điểm

Hầu hết các công ty OTC không được niêm yết trên sàn giao dịch chính thức là có lý do. Một số công ty trong số đó sẽ không bao giờ có tương lai. Một số đó có thể là những khoản đầu tư khủng khiếp và thực sự không có tiềm năng giúp bạn kiếm được lãi dù chỉ một đồng. Và, công việc đãi cát tìm vàng có thể sẽ rất khó. Bạn có thể sẽ không nhận được thông tin chính xác từ họ, hoặc bạn có thể sẽ không nhận được báo cáo tài chính nào.

Đăng Khoa - Theo learn.robinhood.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến