logo
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 03/10/2022

Đầu tư 101 & Investo: Hiệu ứng số nhân là gì?

Định nghĩa:

Hiệu ứng số nhân mô tả xu hướng bơm tiền vào nền kinh tế qua nhiều người, từ đó tạo ra tác động lớn hơn lượng tiền bơm ban đầu.

20221001-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (Multiplier Effect_series 101) pic 1.jpg

Tìm hiểu về hiệu ứng số nhân

Hiệu ứng số nhân là một khái niệm quan trọng trong lý thuyết kinh tế vĩ mô. Hiệu ứng này chứng tỏ rằng tác động tổng thể từ hành động can thiệp của chính phủ sẽ lớn hơn so với số tiền đã chi ra. Khi nói về chính sách tài khóa (tức là thay đổi mức chi tiêu của chính phủ hoặc thuế suất), số tiền mà Quốc hội chi tiêu sẽ kích thích nền kinh tế được nhiều hơn số tiền trong ngân sách. Còn khi xét về chính sách tiền tệ, việc tăng lượng cung tiền có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với lượng tiền do các ngân hàng trung ương trực tiếp bơm vào.

Ví dụ

Khi đại dịch COVID-19 đạt đỉnh vào đầu năm 2020, chính phủ các nước trên thế giới đã đặt ra những quy định hạn chế tụ tập. Những tác động của đại dịch sẽ khó có thể đo lường được trong một thời gian dài. Nhưng những tác động đó có thể vượt xa những tác động có thể nhìn thấy bên bề ngoài. Chẳng hạn, việc hủy bỏ các chuyến tàu du lịch đến Alaska đã bắt đầu gây xáo trộn trong nền kinh tế. Các chủ doanh nghiệp tại các cảng ở Alaska chủ yếu sống dựa vào khách du lịch. Nếu không có tàu thuyền, họ sẽ có ít doanh thu hơn. Do đó, chính quyền địa phương sẽ bị giảm doanh thu từ thuế. Để bù đắp cho các khoản thuế bị thiếu hụt đó, họ sẽ tăng thuế tài sản. Đổi lại, giới chủ nhà sẽ tăng tiền thuê nhà để trang trải cho việc tăng thuế. Nhưng điều đó sẽ làm mất đi khoản thu nhập khả dụng của những người thuê nhà. Với thu nhập khả dụng ít hơn, người dân có thể sẽ phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác. Những cơn sóng ngầm này cuối cùng sẽ nhân tác động của cú sốc nhu cầu ban đầu lên nhiều lần.

Bài học

Hiệu ứng số nhân cũng giống như khi toàn bộ hệ sinh thái bị lan truyền tác động gián đoạn…

Nếu một hệ sinh thái đang cân bằng, chuỗi thức ăn sẽ ổn định. Nhưng giả sử chỉ cần có có một tác động gián đoạn nào đó lên một trong số các loài động vật thì tình hình sẽ khác. Ví dụ, giả sử rằng một căn bệnh giết chết một nửa số chó sói trong một vùng. Tác động của sự gián đoạn đó vượt ra ngoài quần thể sói còn lại. Khi số lượng sói ít hơn thì có nghĩa là hươu ít bị săn hơn. Số lượng hươu nhiều hơn thì chúng sẽ ăn cỏ nhiều hơn, làm giảm số lượng thực vật. Khi lượng thực vật ít hơn, có thể diều hâu sẽ dễ phát hiện thỏ hơn. Tóm lại, tác động của một cú sốc như vậy đối với toàn bộ hệ thống sẽ vượt xa những thay đổi ban đầu.

Hiệu ứng số nhân là gì?

Hiệu ứng số nhân là một khái niệm cốt lõi trong kinh tế học vĩ mô, đặc biệt là lý thuyết kinh tế Keynes. Có ý kiến ​​cho rằng vì đồng tiền luôn luân chuyển, nên sự gia tăng về của cải vật chất cũng luân chuyển qua tay nhiều người. Do đó, tác động của dòng tiền bơm vào hệ thống sẽ cao hơn tác động mà người nhận tiền đầu tiên cảm nhận được. Người đó có thể để dùng dòng tiền đó để boa cho người phục vụ, người phục vụ lại trả tiền cho người trông trẻ, người trông trẻ lại trả tiền cho một cửa hàng tạp hóa, và cửa hàng dùng tiền trả lương cho nhân viên, v.v.

Sự khác biệt giữa số nhân tiền và số nhân kinh tế

Trong kinh tế vĩ mô, có hai phương pháp can thiệp của chính phủ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Mỗi phương pháp có một hiệu ứng số nhân kèm theo. Thứ nhất, chính phủ có thể tăng tổng cầu (tổng lượng sản phẩm được mua trong một nền kinh tế) thông qua chính sách tài khóa mở rộng (tăng mức chi tiêu). Giả sử chính phủ cung cấp cho tất cả mọi người số tiền 1.200 USD. Khi điều đó xảy ra, tác động lên nền kinh tế sẽ đáng kể hơn những khoản tiền bơm vào lúc đầu. Những tác động gia tăng này là do số nhân tài khóa, tức là số lần mà khoản chi tiêu thêm của chính phủ luân chuyển trong nền kinh tế.

Kiểu hiệu ứng số nhân còn lại là khi ngân hàng trung ương tăng lượng cung tiền. Điều đó dẫn đến việc các ngân hàng cho người dân vay thêm tiền mặt. Khi những người đi vay mua hàng, số tiền đó cuối cùng sẽ quay trở lại ngân hàng để họ cho vay một lần nữa. Quá trình cho vay tiền nhiều lần như vậy giúp đưa lượng tiền vào lưu thông nhiều hơn số tiền tồn tại. Quá trình này được gọi là số nhân tiền.

Các mô hình hiệu ứng số nhân

Các nhà kinh tế học thường sử dụng các mô hình để ước tính các tác động tổng thể của một sự thay đổi nào đó trong nền kinh tế. Khi nói đến số nhân kinh tế, công cụ phổ biến nhất được gọi là mô hình đầu vào-đầu ra. Mô hình này có tác dụng đánh giá tương quan hoạt động giữa các ngành, sau đó cho phép những thay đổi trong một lĩnh vực này lan sang mọi lĩnh vực khác.

Ví dụ, nếu chính phủ tài trợ cho một dự án trị giá 1 triệu USD thì mô hình này sẽ phân bổ số tiền 1 triệu USD đó cho các lĩnh vực nhận được tiền. Giả sử ngành xây dựng nhận được 650,000 USD. Sau đó, ngành xây dựng trả 500.000 USD cho công nhân xây dựng, những người này sẽ chi 400.000 USD cho các sản phẩm bán lẻ. Số tiền 400.000 USD đó chảy vào túi những thương lái, nông dân và công nhân. Như vậy, khoản chi tiêu vốn ban đầu sẽ chảy qua nền kinh tế, tác động đến các lĩnh vực khác xa so với đối tượng trực tiếp nhận tài trợ ban đầu.

Trong lĩnh vực tài chính, các nhà kinh tế ước tính số nhân tiền bằng cách sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ từng yêu cầu các ngân hàng phải dự trữ ít nhất 10% số tiền gửi nhất định. Điều đó có nghĩa là một ngân hàng có thể cho vay tối đa 90% số tiền mà ngân hàng đó đã vay từ những người gửi tiền. Nhưng nếu một người vay 10.000 USD để mua một chiếc ô tô, thì người bán chiếc xe sẽ có 10.000 USD gửi vào ngân hàng. Kết quả là, bất kỳ khoản tiền nào được cho vay sẽ được chuyển lại vào ngân hàng dưới dạng tiền gửi, trong đó 90% có thể được chuyển đi dưới dạng một khoản vay khác.

Trên lý thuyết, điều đó có nghĩa là nguồn cung tiền có thể đã được mở rộng gấp 10 lần so với một khoản tiền gửi ban đầu. Tuy nhiên, mô hình sử dụng giả định này (được gọi là mô hình ưu tiên dự trữ) không nắm bắt được một thực tế là các ngân hàng không bắt buộc phải cho vay 90% số tiền gửi. Do đó, số nhân thực tế có thể ít hơn.

Trong khi đó, mô hình thay thế (được gọi là mô hình ưu tiên cho vay) sẽ giả định rằng các ngân hàng sẽ tự quyết định số tiền mà họ sẵn sàng cho vay, và sau đó tìm mức dự trữ bắt buộc để hỗ trợ cho khối lượng đó. Mô hình ưu tiên dự trữ là cách tiếp cận chủ đạo được giảng dạy trong các giáo trình dạy kinh tế trong nhiều năm. Mô hình ưu tiên cho vay là một khái niệm mới hơn có vẻ phù hợp hơn với dữ liệu hiện tại.

Cách tính số nhân kinh tế

Để tính quy mô số nhân thì phải tính được tốc độ mà đồng tiền rời khỏi nền kinh tế. Tiền có thể ngừng lưu thông bởi một số yếu tố. Trong đó, thuế, nhập khẩu và tiết kiệm là những ví dụ phổ biến nhất. Tất cả những yếu tố này dẫn đến việc tiền mặt bị rò rỉ ra khỏi hệ thống kinh tế cục bộ.

Để lý giải dễ hiểu hơn, các giáo trình kinh tế chỉ tập trung vào mức tiết kiệm so với tiêu dùng của hộ gia đình. Phần trăm thu nhập mà một người chi tiêu được gọi là xu hướng tiêu dùng cận biên (MPC). Những khoản không được chi tiêu đều được tiết kiệm lại. Tỷ lệ phần trăm tiền tiết kiệm đó được gọi là xu hướng tiết kiệm cận biên (MPS). Áp dụng các khái niệm này, công thức tính số nhân kinh tế sẽ được đơn giản hóa như sau:

Số nhân kinh tế = 1 / MPS

Ví dụ, giả sử rằng người dân có MPS là 10%.

Vòng

Khoản chi tiêu tăng thêm

Vòng 1

90 USD

Vòng 2

81 USD

Vòng 3

73 USD

Vòng 4

66 USD

Vòng 5

59 USD

Vòng 6

53 USD

Vòng 7

48 USD

Vòng 8

43 USD

Vòng 9

39 USD

Vòng 10

35 USD

Tổng

586 USD

 

Chỉ sau 10 vòng sau khi bơm 100 USD, khoản tiền đó đã tạo ra mức tăng trưởng kinh tế là 586 USD. Nếu tính số lần lặp lại là 50 lần, toàn bộ số tiền cuối cùng sẽ rò rỉ ra ngoài. Nhưng hoạt động kinh tế sẽ gia tăng 900 USD cộng với 100 USD ban đầu. Với tỷ lệ rò rỉ 10%, lượng công ăn việc làm được tạo ra sẽ nhiều hơn gấp 10 lần so với số tiền bơm vào ban đầu.

20221001-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (Multiplier Effect_series 101) pic 2.jpg

Cách tính toán số nhân tiền

Số nhân tiền được xác định bằng tỷ lệ dự trữ bắt buộc do ngân hàng trung ương quy định.

Số nhân tiền = 1 / Tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Ví dụ, nếu ngân hàng trung ương yêu cầu tỷ lệ dự trữ là 20%, thì số nhân tiền sẽ là 5.

Số nhân tiền = 1 / 0,2 = 5

Điều đó có nghĩa là nếu ngân hàng trung ương mua số chứng khoán trị giá 1 nghìn tỷ USD từ các ngân hàng, điều đó có thể khiến lượng cung tiền tăng lên đến 5 nghìn tỷ USD. Nếu không có tỷ lệ dự trữ bắt buộc, số nhân tiền về lý thuyết là vô hạn.

Làm thế nào để số nhân tăng lên trong một nền kinh tế?

Khi tiền được bơm vào một nền kinh tế, sẽ có ba giai đoạn làm tăng mức độ hoạt động kinh tế.

Tác động trực tiếp

Những tác động đầu tiên do việc bơm thêm tiền chính là những thứ có thể chứng kiến trực tiếp. Ví dụ, khoản kích cầu trị giá 1.200 USD của chính phủ Mỹ cho mỗi người dân rõ ràng sẽ làm tăng thu nhập của tất cả mọi người nhận được khoản tiền đó. Đó là tác động trực tiếp, và như vậy cũng rất dễ hiểu.

Tác động gián tiếp

Thế nhưng khoản tiền kích thích kinh tế không chỉ dừng lưu thông lại ở những người nhận được tiền. Họ sẽ đi ra ngoài và chi tiêu, điều này dẫn đến mức chi tiêu tiêu dùng tăng lên. Nếu mọi người sử dụng tiền trợ cấp để đi ăn, điều đó có thể khiến các nhà hàng thuê thêm đầu bếp và nhân viên phục vụ. Đây là những tác động bậc hai của gói kích thích ban đầu.

Tác động kích thích

Nhưng dòng tiền kích thích cũng không dừng lại ở đó. Những nhân viên phục vụ được tuyển thêm cuối cùng sẽ có thu nhập cao hơn so với mức lương mà họ có trước đây. Và họ có khả năng chi tiêu khoản tiền đó. Họ có thể dùng số tiền đó để mua thức ăn, đi xem phim và đổ xăng. Do đó, các cửa hàng, rạp chiếu phim và trạm xăng đều tăng doanh thu. Đây là những tác động kích thích từ gói kích thích kinh tế ban đầu.

Phản biện về mô hình số nhân

Có một số quan điểm thể hiện ý kiến bất đồng đối với các mô hình số nhân vì chúng thường không khớp với dữ liệu thực nghiệm. Do đó, các quan chức trúng cử có thể sẽ không thể chứng minh được sự thành công của một đề xuất mà họ hứa hẹn vào ban đầu. Điều đó một phần là do tác động bậc hai và bậc ba của gói kích thích có thể phải mất nhiều năm mới thể hiện rõ. Và trong lúc đó nền kinh tế có thể có những thay đổi khác, từ đó gây khó khăn cho việc xác định kết quả.

Ngoài ra còn có một số ý kiến chỉ trích nêu rằng ngân sách chi tiêu của chính phủ vượt xa các khoản đầu tư khác và các nhà lãnh đạo cũng thiếu sự cân nhắc về nguồn tài trợ cho các khoản chi tiêu tăng thêm đó. Khi nâng thuế suất lên cao hơn để có tiền trả cho các khoản chi tiêu tăng thêm thì sẽ dẫn đến tình huống số nhân kinh tế rẽ theo hướng khác. Nếu chính phủ đi vay tiền thì cũng khiến cho khoản nợ quốc gia lớn hơn. Những tác động như vậy có thể xóa nhòa những lợi ích dự tính trong chính sách tài khóa, thậm chí đôi khi còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Đăng Khoa-Theo learn.robinhood

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến