logo
Theo dõi investo trên google news

thứ ba, 23/08/2022

Đầu tư 101 & Investo: Nhịp điều chỉnh là gì?

Định nghĩa:

Nhịp điều chỉnh là nhịp giảm giá của một chỉ số hoặc thị trường ít nhất 10% (nhưng ít hơn 20%) trong các khung biểu đồ ngày, tuần hoặc tháng.

20220822-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (correction_series 101) pic 1.jpg

Tìm hiểu về nhịp điều chỉnh

Nhịp điều chỉnh được định nghĩa là khi giá của một loại chứng khoán nào đó (một công cụ tài chính như cổ phiếu hoặc trái phiếu) giảm từ 10% đến 20%. Thuật ngữ này thường được sử dụng để mô tả các nhóm cổ phiếu thị trường chung như S&P 500, Nasdaq hoặc Dow Jones. Mức giảm dưới 10% được coi là mức biến động bình thường. Nếu giá giảm hơn 20%, đó được gọi là “thị trường gấu” hay thị trường giá giảm. Trong quá khứ, các đợt điều chỉnh đã xảy ra trên thị trường chứng khoán Mỹ khoảng ba năm một lần, nối tiếp sau đó là một giai đoạn tăng trưởng. Tuy nhiên, không ai biết chắc về thời gian kéo dài và diễn biến của các đợt điều chỉnh và phục hồi trong tương lai.

Ví dụ

Vào ngày 19/02/2020, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức đỉnh kỷ lục 3.386 điểm. Sau đó, khi đại dịch Covid-19 ập đến và các bang bắt đầu đóng cửa, những lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng kinh tế đã bắt đầu dấy lên. Vào ngày 27/02/2020, thị trường bước vào vùng điều chỉnh, đóng cửa ở mức 2.979 điểm, qua đó đánh dấu mức giảm 12% so với 8 ngày trước đó. Nhịp điều chỉnh này đã biến thành “thị trường gấu” vào tháng 3. Sau đó, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện các biện pháp can thiệp mạnh mẽ và chính phủ liên bang Hoa Kỳ bơm hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế, lực cầu đã bắt đầu mạnh lên, và chỉ số S&P 500 bắt đầu phục hồi nhanh chóng.

Bài học

Việc thị trường điều chỉnh là điều hiển nhiên, cũng giống như câu nói “cái gì đi lên thì sẽ phải đi xuống”...

Khi bạn ném quả bóng lên cao, quả bóng có thể duy trì trạng thái đó trong một thời gian ngắn. Nhưng cuối cùng, quả bóng sẽ mất đà và rơi trở lại mặt đất. Đó cũng là nguyên lý hoạt động của thị trường chứng khoán. Các mã chứng khoán có thể sẽ được định giá cao ngất ngưởng trong một thời gian ngắn, nhưng cuối cùng, chúng có thể quay trở lại mức định giá cơ bản theo giá nền của thị trường.

Nhịp điều chỉnh là gì?

Trong lĩnh vực tài chính, nhịp điều chỉnh là nhịp giảm sâu của thị trường chứng khoán sau một thời gian được định giá quá cao. Thông thường, đó là tình huống mà thị trường chứng khoán tăng quá đà, sau đó giảm trở lại mức định giá được cho là giá trị chính xác. Thông thường, mức giảm 10% trong khung thời gian hơn một ngày được coi là nhịp điều chỉnh. Nếu nhịp điều chỉnh tiếp tục giảm sâu hơn thì có thể biến thành “thị trường gấu” hay thị trường giá giảm, tương ứng với mức giảm hơn 20%. Trong một số trường hợp, nhịp điều chỉnh có thể tương ứng với giai đoạn suy thoái của nền kinh tế.

Ví dụ thực tế về nhịp điều chỉnh

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có 26 lần điều chỉnh kể từ Thế chiến thứ 2 và 13 lần rơi vào vùng thị trường gấu trong quãng thời gian đó. Lần điều chỉnh gần đây nhất và không biến thành thị trường gấu là vào tháng 09/2018. Các yếu tố góp phần tạo nên nhịp điều chỉnh vào thời điểm đó phải kể đến: căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Cục Dự trữ Liên bang được đồn đoán sẽ tăng lãi suất, và chính phủ liên bang Hoa Kỳ ngừng hoạt động vì các vấn đề ngân sách. Chỉ số Dow Jones đạt đỉnh ở mức 26.743 điểm vào ngày 17/09/2018, sau đó giảm xuống mức đáy 22.445 điểm vào ngày 17/12/2018, tương ứng với mức giảm 16% trong vòng ba tháng.

Thị trường điều chỉnh như thế nào?

Nói chung, thị trường chứng khoán giảm giá trị khi có nhiều nhà đầu tư muốn bán hơn là mua ở mức giá hiện tại. Trong một số tình huống, nếu các trader tin rằng cổ phiếu được định giá quá cao, thì đà giảm giá có thể sẽ gây ra nỗi sợ hãi. Điều đó có thể khiến các nhà đầu tư khác muốn bán ở mức giá mới thấp hơn trước khi giá giảm sâu hơn nữa. Khi lực lượng phe bán tăng thêm, giá sẽ càng giảm mạnh hơn nữa. Vòng xoáy này có thể khiến giá trị của thị trường chứng khoán giảm xuống cho đến khi các nhà đầu tư nghĩ rằng mức giá đã đủ thấp và đủ hấp dẫn để mua vào.

Trong các tình huống khác, điều kiện thị trường có thể làm thay đổi giá trị của cổ phiếu. Ví dụ, nếu chính phủ tăng thuế doanh nghiệp thì tức là các công ty sẽ giữ lại được ít lợi nhuận hơn. Giá cổ phiếu phản ánh khả năng sinh lời của công ty, có nghĩa là việc tăng thuế, về lý thuyết, sẽ làm giảm giá trị thị trường của các cổ phiếu phổ thông. Nếu môi trường có sự thay đổi đủ lớn, giá trị của doanh nghiệp có thể giảm hơn 10% so với giá trước đó. Và nếu điều đó xảy ra, thị trường chứng khoán sẽ cần phải điều chỉnh giá để phù hợp với thực trạng mới.

20220822-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (correction_series 101) pic 2.jpg

Sự khác biệt giữa điều chỉnh,  sụp đổ và suy thoái

Khi thị trường chứng khoán giảm ít nhất 10% trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng, đó được gọi là nhịp điều chỉnh. Ngược lại, thị trường sụp đổ là khi chứng khoán sụt giảm giá trị đột ngột chỉ trong vài ngày. Sự cố này thường xảy ra khi các nhà đầu tư trên thị trường đặt cược vào giá cổ phiếu dựa trên mức tăng dự kiến ​​nhưng lại không có dấu hiệu cải thiện tương ứng về lợi nhuận của doanh nghiệp để củng cố cho mức giá cao chót vót đó (hay còn gọi là bong bóng đầu cơ).

Khi bong bóng vỡ, các trader sẽ hoảng sợ và cố gắng bán số lượng chứng khoán mà họ đang nắm giữ . Nhưng thông thường lực cầu sẽ không đủ để hấp thụ hết áp lực bán này, khiến giá trị của những cổ phiếu bị bán tháo giảm xuống nhanh chóng. Hiện tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã trải qua bốn lần sụp đổ, xảy ra vào các năm 1929, 1987, 2008 và 2020.

Suy thoái là khi nền kinh tế sụt giảm giá trị, thường được định nghĩa là khi tổng sản phẩm quốc nội (giá trị của tất cả những sản phẩm dịch vụ mà một nền kinh tế tạo ra) sụt giảm liên tiếp trong hai hoặc nhiều lần. Mỗi khi thị trường chứng khoán điều chỉnh hoặc sụp đổ, điều đó không có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế sẽ sụp đổ. Thay vào đó, thị trường chứng khoán chỉ phản ánh khả năng sinh lời của các công ty niêm yết công khai, nên những diễn biến thay đổi trên thị trường chứng khoán thường phản ánh những thay đổi đang xảy ra (hoặc đôi khi là dự kiến ​​sẽ xảy ra) trong các phân khúc còn lại của nền kinh tế.

Nhà đầu tư có thể dự đoán được nhịp điều chỉnh hay không?

Không ai có thể đoán chắc về những gì sẽ xảy ra tiếp theo trên thị trường chứng khoán. Nếu có một người nào đó biết điều gì sắp xảy ra thì có nghĩa là các nhà đầu tư khác cũng vậy. Và khi nhiều người cùng dự đoán về một điều gì đó, họ sẽ có xu hướng làm thay đổi giá thị trường. Nói cách khác, nếu nhà đầu tư có thể tự đoán trước nhịp điều chỉnh thì khả năng cao là họ sẽ không thể tận dụng cơ hội này bởi vì những người khác cũng đang cố gắng làm như vậy.

Vì thị trường chứng khoán có khả năng điều chỉnh khi đã được định giá quá cao, nên khi giá trị thị trường tăng đến một điểm nhất định, các nhà đầu tư có thể sẽ bắt đầu cảm thấy lo lắng rằng sắp có sóng điều chỉnh. Nhưng trên thực tế, không ai có thể xác định đâu là đỉnh. Nếu nhà đầu tư cứ cố chờ đợi nhiều năm chỉ để chờ thị trường điều chỉnh thì họ có thể bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tăng trưởng ngon ăn trong thời gian đó.

Nhà đầu tư nên chuẩn bị như thế nào cho kịch bản điều chỉnh?

Tất cả các hoạt động đầu tư đều đi kèm với rủi ro. Có một cách phổ biến để giảm thiểu rủi ro là thông qua phương pháp đa dạng hóa danh mục đầu tư (tức là dàn trải số tiền đầu tư của bạn cho nhiều loại chứng khoán khác nhau, thông qua hình thức phân bổ tài sản). Phương pháp đa dạng hóa có thể làm giảm mức độ tổn thất đầu tư tổng thể nếu lỡ như thị trường có điều chỉnh, nhất là khi tất cả các khoản đầu tư của bạn chỉ tập trung vào cổ phiếu.

Tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư, họ có thể bỏ nhiều tiền hơn vào các khoản đầu tư rủi ro thấp với lợi suất thấp hơn, chẳng hạn như trái phiếu hoặc các khoản đầu tư khác chỉ tập trung vào việc tạo nguồn thu nhập. Các nhà đầu tư dài hạn thường áp dụng chiến lược đầu tư cân bằng giữa những tài sản rủi ro và những tài sản có thể giúp họ đạt được mục tiêu lợi nhuận. Vì các đợt điều chỉnh thường là các sự kiện ngắn hạn, nên những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn thường không cần làm gì nhiều để chuẩn bị ứng phó với đợt điều chỉnh, mà thay vào đó họ kỳ vọng sẽ chấp nhận và vượt qua nhịp điều chỉnh của thị trường.

Tần suất điều chỉnh trên thị trường chứng khoán trong quá khứ

Theo dữ liệu do CNBC tổng hợp, thị trường chứng khoán Mỹ đã có 26 lần điều chỉnh kể từ tháng 02/1946. Đó là những lần thị trường chứng khoán giảm hơn 10% nhưng ít hơn 20%. Trong 13 lần khác (bao gồm cả tháng 03/2020), các đợt điều chỉnh sau đó đã chuyển thành thị trường gấu (giảm 20% trở lên). Tổng hợp lại, cứ hai năm một lần sẽ có một nhịp điều chỉnh, một vài lần trong số đó thị trường sẽ giảm sâu hơn nữa, từ 20% trở lên. Tuy nhiên, trong quá khứ đã có những khoảng thời gian thị trường cứ kéo dài đà tăng mà không có nhịp điều chỉnh. Ví dụ, giai đoạn thị trường tăng giá từ năm 1990 đến năm 1997 đã không có nhịp điều chỉnh nào.

Trong các thời kỳ khác, nhịp điều chỉnh xuất hiện thường xuyên hơn. Ví dụ, có một đợt điều chỉnh thị trường xảy ra mỗi năm trong giai đoạn từ năm 1973 đến năm 1980. Đôi khi cũng có nhiều đợt điều chỉnh xảy ra trong cùng một năm. Đó là những năm 1980, 1990, 2015 và 2018.

Lần điều chỉnh gần đây nhất trên thị trường chứng khoán là khi nào?

Lần điều chỉnh thị trường chứng khoán gần đây nhất xảy ra vào tháng 02/2020. Sau khi chạm mức đỉnh kỷ lục 29.551 điểm vào ngày 12/02/2020, khoảng hai tuần sau, vào ngày 27/02, chỉ số Dow Jones đã rơi vào vùng điều chỉnh. Nhịp điều chỉnh này đã biến thành thị trường gấu vào ngày 11/03, khi đó mức giảm vượt qua mốc 20%. Chỉ số Dow Jones chạm đáy 18.952 điểm vào ngày 23/03, mất 37% giá trị trong vòng 40 ngày. Đến ngày 08/06, chỉ số Dow Jones đã hồi phục trở lại mức 27.572 điểm, tăng 45% so với mức đáy thiết lập trong ba tháng trước đó.

Thị trường chứng khoán có sắp điều chỉnh không?

Lúc nào cũng sẽ có người nói rằng thị trường sắp điều chỉnh trong khi những người khác lại không đồng tình. Thực tế là không ai và cũng không có cách nào để biết được thị trường sẽ mất bao lâu trước khi phát sinh nhịp điều chỉnh.

Đăng Khoa-Theo learn.robinhood

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến