logo
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 15/07/2022

Đầu tư 101 & Investo: Phái sinh là gì?

Định nghĩa:

Hợp đồng phái sinh là một dạng hợp đồng tài chính có giá trị dựa trên những thay đổi về giá cả hoặc biến động thống kê của một thứ khá, hay còn được gọi là tài sản cơ sở (tài sản gốc).

investo - dautu - 22715

Tìm hiểu về phái sinh

Hợp đồng phái sinh là một hợp đồng có giá trị dựa trên một thứ khác. Các công cụ phái sinh phát sinh giá trị từ các nhịp biến động giá, các sự kiện hoặc kết quả của một tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở thường là chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ chỉ số, quỹ tương hỗ và hàng hóa. Các công cụ phái sinh cũng có thể theo dõi các chỉ số hoặc số liệu thống kê dựa trên các sự kiện và kết quả khác bên ngoài lĩnh vực tài chính, chẳng hạn như thời tiết. Các sản phẩm tài chính phái sinh có nhiều loại khác nhau và có công dụng khác nhau. Một số loại dùng để đảm bảo giá tương lai của một loại hàng hóa nào đó, chẳng hạn như lúa mì, để giúp hạn chế rủi ro khi giá tăng lên trong tương lai. Những loại khác dùng để đoán mức biến động giá cổ phiếu trong tương lai để tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, có những loại hợp đồng phái sinh hoán đổi tiền tệ và lãi suất để đạt được lợi ích nhất định. Điều quan trọng mà nhà đầu tư cần nhớ về các công cụ phái sinh là nếu không có tài sản cơ sở thì chúng không thể tồn tại.

Ví dụ

Nếu thời tiết thay đổi quá khắc nghiệt thì có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty tiện ích. Các công cụ phái sinh thời tiết cung cấp cho các công ty có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào điều kiện thời tiết một phươg án để phòng ngừa rủi ro do thời tiết thay đổi quá lớn hoặc bất ngờ. Một số hợp đồng phái sinh thời tiết tăng giảm giá trị dựa trên sự thay đổi của nhiệt độ. Ví dụ, một hợp đồng phái sinh thời tiết dựa trên nhiệt độ có thể sẽ trả tiền cho chủ hợp đồng nếu nhiệt độ duy trì trên một mức nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể, mà điều này có thể làm tăng chi phí điện năng. Một hợp đồng như vậy có thể phòng ngừa rủi ro biến động của chi phí năng lượng trong thời gian nhiệt độ tăng.

Bài học

Giao dịch phái sinh giống như một chiếc thang cuốn so với cầu thang bộ như thị trường chứng khoán và trái phiếu truyền thống ...

Nhưng thang cuốn thì đi cả hai chiều. Các công cụ phái sinh có thể mang đến cho các nhà đầu tư nhiều cơ hội hơn để đầu cơ và tăng lợi nhuận. Nhưng cơ hội này cũng khiến các trader có nguy cơ thua lỗ lớn hơn. Những trader nào không thích có quá nhiều rủi ro thì tốt hơn nên đi cầu thang bộ.

20220713-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (derivative_series 101) pic 2.jpg

Phái sinh là gì?

Phái sinh là các sản phẩm tài chính phát sinh được giá trị của chúng từ một thứ gì đó khác, chẳng hạn như biến động giá của các tài sản tài chính cơ sở. Tài sản cơ sở có thể là bất kỳ thứ gì, nhưng thường là cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, tiền tệ, lãi suất và chỉ số thị trường. Tuy nhiên, các công ty cũng có thể tạo ra các công cụ phái sinh để đầu cơ cho các sự kiện không liên quan trực tiếp đến thị trường giao dịch nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến kết quả tài chính, chẳng hạn như thời tiết hoặc chi phí vận chuyển.

Phần lớn các hoạt động giao dịch phái sinh đều được giao dịch qua quầy (hay giao dịch OTC), tức là bên ngoài các sàn giao dịch chính thức thông qua mạng lưới môi giới kinh doanh. Các công cụ phái sinh thường được các nhà đầu tư sử dụng để phòng ngừa rủi ro và đầu cơ. Những tổ chức có nhu cầu phòng ngừa rủi ro sẽ tìm đường hạn chế rủi ro bằng cách sử dụng các công cụ phái sinh như một dạng bảo hiểm để chống tổn thất. Trong khi đó, giới đầu cơ sẽ có cơ hội nâng cao lợi nhuận bằng cách tận dụng đòn bẩy từ các công cụ phái sinh. Cả hai cách sử dụng đó đều cần kiến ​​thức giao dịch vì các công cụ phái sinh rất phức tạp.

Các loại hợp đồng tài chính phái sinh

Hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai cho phép người mua (với vị thế mua) và người bán (với vị thế bán) ấn định mức giá hôm nay cho hoạt động giao dịch trao đổi hàng hóa trong tương lai (như dầu, vàng hoặc lúa mì) hoặc tài sản tài chính (như cổ phiếu và ngoại tệ). Người mua và người bán đồng ý về mức giá cố định, số lượng và ngày giao hàng hoặc thanh toán trong tương lai của một tài sản cơ sở. Hợp đồng tương lai sau đó sẽ theo dõi giá của tài sản cơ sở. Lãi hoặc lỗ hàng ngày được cộng hoặc trừ vào tài khoản của trader vào cuối mỗi ngày giao dịch. Hợp đồng tương lai có thể được thanh toán bằng tiền mặt hoặc bán đi bất kỳ lúc nào bằng cách bù trừ (tạo lập vị thế ngược lại) trước khi đáo hạn.

Hợp đồng tương lai được quản lý giám sát, áp đặt tiêu chuẩn và được giao dịch trên sàn giao dịch tương lai. Để tham gia mở vị thế trên hợp đồng tương lai, bạn chỉ phải nạp một phần tiền (ký quỹ ban đầu) trong tổng giá trị của hợp đồng vào tài khoản sàn môi giới tương lai. Nhưng bạn phải giữ một số tiền nhất định trong tài khoản của mình (tỷ lệ ký quỹ duy trì) để bù đắp bất kỳ tổn thất nào nếu có phát sinh.

  • Hợp đồng kỳ hạn: Hợp đồng kỳ hạn giống như hợp đồng tương lai. Nhưng hợp đồng kỳ hạn không được tiêu chuẩn hóa hoặc quản lý giám sát và chỉ được giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC), thường là giữa các tổ chức đầu tư hoặc các tổ chức lớn. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể giao dịch hợp đồng kỳ hạn trên sàn giao dịch tương lai. Không giống như hợp đồng tương lai, các điều khoản của hợp đồng kỳ hạn là có thể thương lượng được. Các đối tác có thể tạo hợp đồng kỳ hạn trên nhiều loại tài sản cơ sở.

Quyền chọn

Hợp đồng quyền chọn cung cấp cho chủ sở hữu quyền mua (quyền chọn mua) hoặc bán (quyền chọn bán) một tài sản cơ sở ở một mức giá nhất định (giá thực hiện) trong một thời gian nhất định (cho đến khi quyền chọn hết hạn). Bạn phải trả một khoản phí cho mỗi cổ phiếu để chốt giá thực hiện. Quyền chọn khác với hợp đồng tương lai vì với quyền chọn bạn sẽ có quyền được mua hoặc bán, nhưng không có nghĩa vụ phải mua hoặc bán. Bạn chỉ thực hiện quyền chọn nếu cảm thấy có lời. Nếu bạn chọn phương án không thực hiện quyền chọn thì bạn sẽ chỉ mất khoản phí hợp đồng cho mỗi cổ phiếu mà bạn đã trả trước để chốt mức giá thực hiện.

Hợp đồng hoán đổi

Hợp đồng hoán đổi là dạng hợp đồng để trao đổi dòng tiền hoặc các điều khoản tài chính và chỉ giao dịch trên thị trường phi tập trung, hay qua quầy (OTC). Có nhiều loại hợp đồng phái sinh hoán đổi khác nhau. Dưới đây là hai ví dụ phổ biến:

  • Hợp đồng hoán đổi lãi suất: Các công ty khác nhau vay tiền với các kỳ hạn lãi suất khác nhau. Đôi khi người đi vay có thể muốn trao đổi mức lãi suất với nhau. Giả sử Công ty A nhận khoản vay 4 tỷ đồng với lãi suất thả nổi (tức là lãi suất có thể thay đổi hàng ngày) trong khi Công ty B nhận khoản vay 4 tỷ đồng với lãi suất cố định (lãi suất không thay đổi). Ngân hàng hoán đổi sẽ tính phí cho mỗi công ty ở một mức giá nhất định để môi giới giao dịch lãi suất cho hai công ty, mà điều này có thể mang đến các điều khoản lãi suất tốt hơn cho mỗi công ty. Trong hợp đồng hoán đổi lãi suất, chỉ có các khoản trả lãi mới được hoán đổi, không phải số tiền gốc (số tiền đã vay).
  • Hợp đồng hoán đổi tiền tệ: Hoán đổi tiền tệ là khi hai bên giao dịch với nhau số tiền gốc (số tiền đã vay) và tiền lãi của một khoản vay tính bằng các loại tiền tệ khác nhau. Hợp đồng hoán đổi tiền tệ cho phép các công ty đầu tư xuyên biên giới mà không phải chịu rủi ro về tỷ giá hối đoái. Giả sử một công ty ở Mỹ muốn thành lập một công ty con ở Đức và một công ty Đức lại quan tâm đến việc đầu tư vào một dự án ở Mỹ. Họ có thể tạo ra một thỏa thuận để vay tại thị trường nội địa và hoán đổi tiền tệ thông qua một ngân hàng hoán đổi tiền tệ, ngân hàng đó sẽ tính một phần phí từ ​​mỗi bên.

Công dụng của các hợp đồng phái sinh

Các nhà đầu tư sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ. Phòng ngừa rủi ro có nghĩa là hạn chế rủi ro. Các công cụ phái sinh có thể bù đắp các tác động tiêu cực khi giá tăng trong tương lai, lãi suất thay đổi, tỷ giá hối đoái biến động, và thậm chí cả trong kịch bản người đi vay bị vỡ nợ.

Các nhà đầu tư cũng sử dụng các công cụ phái sinh để đầu cơ kiếm lời. Thị trường giao ngay (thị trường giao dịch tài sản theo thời gian thực) và thị trường phái sinh (thị trường tương lai) có mối quan hệ chênh lệch giá. Hoạt động kinh doanh chênh lệch giá là khi một nhà đầu tư mua và bán chứng khoán hoặc các sản phẩm tài chính để tận dụng mức chênh lệch giá để cố gắng kiếm lời. Thị trường phái sinh mở ra nhiều cơ hội hơn cho các trader chuyên kinh doanh chênh lệch giá.

Điểm khác biệt giữa chứng khoán thông thường và chứng khoán phái sinh

Chứng khoán thông thường và chứng khoán phái sinh có thể sẽ khó phân biệt vì mọi người thường gọi chứng khoán phái sinh là một loại chứng khoán, mà điều này cũng đúng về mặt kỹ thuật. (thuật ngữ “chứng khoán” dùng để mô tả rất nhiều loại công cụ tài chính.)

Ưu nhược điểm của chứng khoán phái sinh

Thị trường phái sinh bao gồm rất nhiều loại công cụ tài chính và gần như không thể đếm xuể. Ưu điểm và nhược điểm sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại hợp đồng phái sinh. Chúng cũng sẽ khác nhau giữa các công ty hoặc tổ chức tài chính giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC) và giữa các trader nhỏ lẻ giao dịch trên các sàn giao dịch chính thống.

Dưới đây là một số ưu và nhược điểm chung đối với trader nhỏ lẻ:

Ưu điểm

  • Các công cụ phái sinh có thể giúp phòng ngừa rủi ro nếu được dùng để đảm bảo cho vị thế đối nghịch trong hoạt động giao dịch
  • Các công cụ phái sinh mang lại nhiều cơ hội đầu cơ đáng kể hơn (và cũng làm tăng rủi ro)
  • Với mức ký quỹ thấp, hợp đồng tương lai và quyền chọn sẽ tạo ra đòn bẩy lớn hơn (bạn có thể kiếm được nhiều hơn, nhưng bạn cũng có thể mất nhiều hơn)

Nhược điểm:

  • Các công cụ phái sinh có thể phức tạp và khó hiểu
  • Các công cụ phái sinh có thể nguy hiểm trong tay các trader thiếu kinh nghiệm do tính phức tạp cố hữu, bạn có thể dễ dàng đưa ra các quyết định sai lầm và bị mất tiền
  • Mức đòn bẩy cao trong các hợp đồng tương lai và phái sinh quyền chọn có thể khiến các trader phơi bày trước những rủi ro vô hạn

Xin lưu ý rằng các phương án đầu tư được thảo luận trong bài viết này có rủi ro rất cao và các nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm không nên tham gia. Chúng cũng rất phức tạp vì vậy nhà đầu tư cần tìm hiểu rất kỹ trước khi tham gia. Không phải nhà đầu tư nào cũng phù hợp với hoạt động giao dịch phái sinh. Đây là kênh giao dịch mang tính đầu cơ cao và có thể khiến bạn thua lỗ nặng nề.

Thị trường phái sinh có quy mô lớn đến mức nào?

Thị trường phái sinh toàn cầu là rất lớn. Cuộc khảo sát ba năm một lần trên các Ngân hàng Trung ương (2019) do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thực hiện ước tính rằng thị trường forex toàn cầu và thị trường phái sinh phi tập trung (OTC) đều rất lớn và đa dạng hơn bao giờ hết, một phần là do trào lưu giao dịch điện tử và tự động ngày càng thịnh hành. Giao dịch bằng hình thức điện tử sẽ làm giảm chi phí giao dịch và mở rộng cơ hội tham gia thị trường cho nhiều nhà đầu tư hơn.

Bởi vì các hợp đồng phái sinh phát sinh giá trị của chúng từ tài sản cơ sở theo nhiều cách khác nhau, nên quy mô thực tế của thị trường phái sinh rất khó ước tính. Hai phép đo nổi bật nhất là giá trị danh nghĩa và tổng giá trị thị trường.

  • Giá trị danh nghĩa: Giá trị danh nghĩa là giá trị của tài sản cơ sở, nhưng chúng được đánh giá theo các cách khác nhau đối với các loại hợp đồng phái sinh khác nhau. Ví dụ, đối với hợp đồng tương lai, giá trị danh nghĩa là số lượng đơn vị tài sản nhân với giá giao ngay (giá ghi trong hợp đồng). Nhưng đối với hợp đồng hoán đổi lãi suất, giá trị danh nghĩa là số tiền gốc, tức là số tiền được sử dụng để tính toán các khoản thanh toán lãi suất. Theo BIS, giá trị danh nghĩa của các hợp đồng phái sinh OTC trên toàn cầu là 610 nghìn tỷ USD tính đến tháng 06/2021.

Tổng giá trị thị trường: Tổng giá trị thị trường là phép tính cộng tất cả các giá trị tuyệt đối của các hợp đồng phái sinh OTC, cả dương và âm, theo giá trị thị trường, vào ngày báo cáo. Theo BIS, tổng giá trị thị trường của các công cụ phái sinh OTC là 12,6 nghìn tỷ USD tính đến tháng 06/2021.

Đăng Khoa - Theo learn.robinhood.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến