logo
Theo dõi investo trên google news

thứ ba, 12/07/2022

Đầu tư 101 & Investo: Quỹ chỉ số là gì?

Định nghĩa:

Quỹ chỉ số cho phép bạn đầu tư một cách dễ dàng với chi phí thấp vào các cổ phiếu tạo nên chỉ số chứng khoán.

20220711-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (index fund_series 101) pic 1.jpg

Tìm hiểu về quỹ chỉ số

Việc ra quyết định nên đầu tư vào đâu vốn là một bài toán thách thức vì có rất nhiều lựa chọn trên thị trường. Đó là lý do tại sao các quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi danh mục (hay còn gọi là ETF) được thành lập. Họ sẽ lấy một lượng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân, tập hợp vào một nguồn quỹ lớn và nhà quản lý quỹ sẽ sử dụng số tiền này để đầu tư vào các lĩnh vực, chiến lược hoặc loại hình tài sản khác nhau. Vì vậy, cổ phần của một quỹ đầu tư cũng giống như một ly sinh tố. Đó là sự pha trộn của các khoản đầu tư khác nhau mà bất kỳ nhà đầu tư nhỏ lẻ nào cũng có thể dễ dàng mua được. Các mã thành phần của quỹ chỉ số là một hỗn hợp được đánh giá cẩn thận để mô phỏng theo các chỉ số chứng khoán nổi tiếng. Đây là kênh đầu tư với chi phí thấp giúp đa dạng hóa đầu tư. Nếu bạn muốn đầu tư chứng khoán nhưng không biết nên đầu tư vào cổ phiếu nào, quỹ chỉ số có thể là một kênh đầu tư mà bạn nên xem xét.

Ví dụ

S&P 500 là một chỉ số vốn hóa lớn bao gồm 500 công ty hàng đầu của Mỹ và chiếm khoảng 80% vốn hóa thị trường hiện tại (nguồn: Standard and Poor’s). Nếu bạn muốn đầu tư vào những cổ phiếu này, nhưng không muốn quyết định nên chọn mã nào thì có rất nhiều quỹ chỉ số có các cổ phiếu thành phần được chọn lọc nhằm mô phỏng gần đúng với nhịp chuyển động của S&P 500. Bằng cách đó, mỗi cổ phiếu của quỹ cũng giống như một cổ phiếu con của chỉ số S&P 500.

Bài học

Biểu hiện của một quỹ chỉ số cũng giống như một chú hề kịch câm...

Quỹ chỉ số sẽ cố gắng hết sức để tái lập cấu trúc của các chỉ số chứng khoán, chẳng hạn như S&P 500, và tìm cách phân bổ tỷ trọng sao cho giá trị của quỹ chuyển động giống như chỉ số chứng khoán.

20220711-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (index fund_series 101) pic 2.jpg

Cách thức hoạt động của quỹ chỉ số

Quỹ chỉ số được thành lập bởi một nhà quản lý danh mục đầu tư. Công việc của họ là xây dựng một danh mục cổ phiếu theo dõi các chỉ số chứng khoán một cách chuẩn xác nhất có thể. Nếu nhà quản lý quỹ hoàn thành tốt công việc, thì trên lý thuyết, giá cổ phiếu của quỹ sẽ di chuyển gần như đồng bộ với chỉ số thị trường chứng khoán mà họ đang cố gắng làm khớp (điều này không phải lúc nào cũng đúng).

Giả sử một quỹ chỉ số đang cố gắng mô phỏng theo chỉ số S&P 500. Nhà quản lý quỹ sẽ mua các cổ phiếu theo tỷ lệ tương đương với 500 cổ phiếu trong S&P 500. Theo cách đó, mỗi cổ phiếu của quỹ giống như một cổ phiếu nhỏ của S&P 500. Mục tiêu của quỹ chỉ số là không tăng hay giảm hơn so với chỉ số thị trường chứng khoán mà họ đang theo dõi.

  • Nếu S&P 500 tăng 1%, quỹ sẽ tăng tương đương.
  • Nếu S&P 500 đi ngang, thì cổ phiếu của quỹ cũng phải đi ngang.
  • Nếu S&P 500 giảm 1%, cổ phiếu của quỹ sẽ giảm tương đương.

Cần nhớ rằng quỹ chỉ số có thể sẽ không mô phỏng theo chỉ số một cách hoàn hảo. Ví dụ, một quỹ chỉ số bất kỳ có thể chỉ đầu tư vào một số mã chứng khoán chính trong chỉ số mà họ theo dõi và kết quả là quỹ này có thể đạt hiệu suất vượt trội hoặc kém hơn chỉ số đó. Ngoài ra, chi phí giao dịch có thể khiến kết quả đầu tư vào quỹ chỉ số khác với hiệu suất của chỉ số.

Các quỹ chỉ số phổ biến

Có một chỉ số chứng khoán được tính toán để theo dõi chuyển động của nhiều phân khúc chứng khoán khác nhau. Có các chỉ số chứng khoán thể hiện cho toàn bộ một quốc gia, cho toàn bộ một lĩnh vực nào đó và kết hợp của cả hai. Thậm chí có những chỉ số đại diện cho cả trái phiếu. Và đối với mỗi chỉ số thị trường phổ biến, có thể có một quỹ tương hỗ hoặc quỹ ETF được xây dựng để theo dõi chỉ số đó. Dưới đây là một vài chỉ số chứng khoán được mô phỏng theo nhiều nhất, có sẵn các quỹ chỉ số để các nhà đầu tư tham gia mua bán:

  • S&P 500: 500 công ty đại chúng lớn nhất của Mỹ
  • Russell 2000: 2000 công ty vừa và nhỏ của Mỹ
  • Bình quân Công nghiệp Dow Jones: 30 cổ phiếu blue chip của Mỹ
  • FTSE 100: 100 công ty lớn nhất có trụ sở tại Vương quốc Anh
  • Chỉ số tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite): Chỉ số của tất cả các cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải
  • DAX: 30 trong số các cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu ở Đức
  • … và rất nhiều các chỉ số khác. Nếu bạn quan tâm đến một quốc gia nào đó hoặc một lĩnh vực nào đó, rất có thể sẽ có một quỹ chỉ số tương ứng theo dõi chỉ số chứng khoán đó.

Các quỹ chỉ số có thể ở dạng cả quỹ hoán đổi danh mục (ETF) hoặc quỹ tương hỗ. Chẳng hạn, trên thị trường có cả quỹ tương hỗ và quỹ ETF bắt chước theo chỉ số S&P 500.

Quỹ đầu tư thụ động và chủ động

Trên Phố Wall có hai trường phái tư tưởng. Một bên tin rằng có những cơ hội để nhà đầu tư “đánh bại thị trường”. Bên còn lại thì tin rằng nỗ lực cố gắng đánh bại thị trường là vô ích. Để đánh bại thị trường, nhà đầu tư phải có mức lợi nhuận trên danh mục đầu tư của mình tốt hơn thị trường chứng khoán chung (được đo bằng một chỉ số hoặc điểm chuẩn nhất định).

Đầu tư thụ động: trường phái tư tưởng này cho rằng việc cố gắng “đánh bại thị trường” là không đáng. Họ tin rằng giá cổ phiếu nói chung là “đúng” dựa trên thông tin có sẵn cho các nhà đầu tư. Vậy tại sao bạn lại hao phí năng lượng tinh thần để chọn cổ phiếu? Nếu mọi cổ phiếu đều được định giá chính xác, thì thật lãng phí nếu bạn cố gắng đánh bại thị trường. Trên thực tế, bạn có thể sẽ thua, bạn sẽ sinh lời kém hơn thị trường nếu bạn cứ cố gắng chọn cổ phiếu.

  • Những người tin tưởng vào trường phái đầu tư thụ động sẽ thích các quỹ chỉ số vì chúng được thiết kế đơn giản để mô phỏng, làm khớp với thị trường.
  • Nhiều quỹ tương hỗ và ETF được quản lý thụ động. Điều đó có nghĩa là nhà quản lý quỹ chỉ cố gắng theo dõi hoặc đối sánh làm khớp theo một chỉ số chứng khoán nào đó hoặc các chỉ số chuẩn khác của thị trường, thay vì chọn những cổ phiếu tốt nhất cho quỹ theo quan điểm đánh giá cá nhân. Vì các quyết định của nhà quản lý quỹ cũng tương đối đơn giản, nên mức phí của những quỹ như thế này cũng tương đối thấp.
  • Các quỹ chỉ số được quản lý một cách thụ động.

Đầu tư chủ động: Trường phái tư tưởng này tin rằng con người nhất định sẽ làm tốt hơn thị trường chung. Họ biết rằng có một số cổ phiếu nhất định bị định giá sai, có nghĩa là chúng phải có giá trị cao hơn hoặc thấp hơn hiện tại. Các nhà quản lý chủ động thì tin rằng họ đủ thông minh để thực hiện nghiên cứu đủ chuyên sâu nhằm chọn ra những cổ phiếu chiến thắng có tiềm năng tăng giá và tránh những cổ phiếu kém có nguy cơ mất giá.

  • Những nhà đầu tư theo hệ tư tưởng đầu tư chủ động sẽ thích tự chọn cổ phiếu dựa trên chính nhận định của họ thay vì đầu tư vào một quỹ chỉ số nào đó.
  • Có nhiều quỹ tương hỗ và ETF được quản lý chủ động. Điều đó có nghĩa là nhà quản lý quỹ sẽ sử dụng kiến ​​thức chuyên môn và thông tin của họ để quyết định xem cổ phiếu nào là tốt nhất trên quan điểm riêng, sau đó bổ sung những khoản đầu tư đó vào danh mục đầu tư của mình. Vì nhà quản lý dạng này áp dụng kiến thức chuyên môn để cố chọn đúng mã đầu tư chiến thắng và tránh mã kém chất lượng nên họ sẽ tính phí quản lý cao hơn.
  • Các nhà quản lý chủ động tập trung vào việc chọn cổ phiếu và canh thời điểm mua bán với nỗ lực “đánh bại thị trường”.
  • Các quỹ chỉ số không được quản lý chủ động.

Tóm lại, các nhà đầu tư thụ động có xu hướng thích các quỹ chỉ số hơn. Các nhà đầu tư chủ động nghĩ rằng họ có thể đạt hiệu suất tốt hơn các quỹ chỉ số, vì vậy, có nhiều khả năng họ sẽ tự chọn cổ phiếu hoặc mua cổ phần trong các quỹ tương hỗ được quản lý chủ động.

Chi phí quản lý của quỹ chỉ số

Chi phí là yếu tố then chốt đối với các quỹ chỉ số, nhất là khi chúng có xu hướng thấp hơn các loại hình quỹ đầu tư khác vì yêu cầu quản lý ít hơn so với những quỹ được quản lý chủ động. Mặc dù những quỹ đầu tư thụ động thường không có một ban lãnh đạo hùng hậu gồm các nhà nghiên cứu và phân tích điều hành đứng đằng sau, nhưng vẫn có một số chi phí quản lý, chi phí giao dịch và các chi phí khác cần được khấu trừ vào lợi nhuận của nhà đầu tư.

Dưới đây là một số khoản chi phí quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý khi đầu tư vào quỹ chỉ số:

  • Mức nạp tiền và đầu tư tối thiểu: Một số quỹ chỉ số sẽ đặt ra yêu cầu về số tiền đầu tư tối thiểu (ví dụ: 2.000 USD). Các mức tối thiểu này cũng có thể có các ngưỡng giới hạn nhất định, cho phép bạn đầu tư nhiều hơn bằng cách nạp thêm dần.
  • Tỷ lệ chi phí: Đây là chi phí cơ bản, được trích ra từ lợi nhuận của quỹ theo một mức tỷ lệ nhất định trên khoản đầu tư tổng thể của bạn. Trong đó bao gồm các khoản thanh toán cho người quản lý quỹ, phí giao dịch, thuế và các chi phí hành chính khác. Quỹ càng được quản lý chủ động nhiều chừng nào thì tỷ lệ chi phí càng cao chừng nấy, vì nhà quản lý quỹ sẽ đầu tư công sức vào việc nghiên cứu và phân tích nhiều hơn và muốn được trả công cho điều đó. Đối với quỹ chỉ số, tỷ lệ chi phí có thể thấp hơn. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải hiểu về tỷ lệ chi phí trước khi thực hiện đầu tư vì chúng có thể làm xói mòn lợi nhuận cơ bản của quỹ.

Các quỹ chỉ số có thể tồn tại dưới dạng ETF và quỹ tương hỗ. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai loại hình quỹ đầu tư này thường là chi phí. Các quỹ tương hỗ thường có tỷ lệ chi phí cao hơn so với ETF.

Lưu ý rằng không phải quỹ chỉ số nào cũng đều có chi phí thấp hơn các quỹ đầu tư được quản lý chủ động. Hãy luôn đảm bảo rằng bạn nắm rõ mức chi phí thực tế của bất kỳ quỹ nào trước khi đầu tư.

Ưu nhược điểm của quỹ chỉ số

Nếu bạn muốn đầu tư chứng khoán nhưng không biết nên đầu tư vào cổ phiếu nào, quỹ chỉ số có thể là một kênh đầu tư mà bạn có thể nên cân nhắc.

Ưu điểm

  • Chi phí thấp: Các quỹ đầu tư mang lại cơ hội đầu tư vào hàng chục, hàng trăm hoặc hàng nghìn cổ phiếu chỉ với một lần mua. Nhờ lợi ích mà họ mang đến cho giới đầu tư, các nhà quản lý quỹ sẽ tính một mức phí nhất định. Một trong những thước đo chi phí hiệu quả chính là Tỷ lệ chi phí. Nếu tỷ lệ chi phí là 1% thì có nghĩa là quỹ sẽ tính phí bằng 1% khoản đầu tư của bạn. Các quỹ chỉ số thường có khoản phí thấp nhất trong tất cả các loại hình quỹ đầu tư hiện có.
  • Đa dạng hóa: Đừng bỏ tất cả trứng vào một rổ. Lời khuyên này thường được nhắc đi nhắc lại trong giới việc đầu tư. Các công trình nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những danh mục đầu tư chứng khoán bao gồm các cổ phiếu không chuyển động đồng bộ với nhau sẽ có khả năng đạt hiệu suất tổng thể tốt hơn so với những danh mục đầu tư chứa các cổ phiếu giống nhau. Các quỹ chỉ số có thể cung cấp kênh đầu tư đa dạng hóa rất tốt nếu chỉ số gốc mà họ theo dõi cũng đa dạng. Cần nhớ rằng mặc dù chiến lược đa dạng hóa có thể giúp phân tán rủi ro nhưng lại không đảm bảo sinh lời hoặc chống thua lỗ trong những thời kỳ thị trường đi xuống.

Nhược điểm

  • Thiếu tính linh hoạt: Quỹ chỉ số có thể kém linh hoạt hơn các loại quỹ khác khi phản ứng với đà giảm của các mã chứng khoán thuộc chỉ số.
  • Mô phỏng sai lệch: Quỹ chỉ số có thể không mô phỏng theo chỉ số gốc một cách hoàn hảo. Ví dụ: một quỹ chỉ có thể đầu tư vào một nhóm các mã chứng khoán nhất định thuộc chỉ số gốc, trong trường hợp đó, hiệu suất của quỹ ít có khả năng khớp với lỗi mô phỏng.
  • Hiệu suất kém: Quỹ chỉ số có thể đạt hiệu suất kém hơn chỉ số gốc do các khoản chi phí, phí giao dịch và lỗi theo dõi.

Lịch sử hình thành của quỹ chỉ số

John Bogle, nhà sáng lập Vanguard, từng nhắc nhở các nhà đầu tư rằng: “Đừng mò kim đáy bể. Chỉ cần mua đống cỏ khô thôi!” Ý tứ của ông ở đây là việc chọn cổ phiếu rất khó (như mò kim đáy bể), nhưng bạn đảm bảo sẽ chọn được những cổ phiếu tốt nhất nếu bạn mua toàn bộ thị trường chứng khoán.

Bogle là người ủng hộ nhiệt tình cho các quỹ tương hỗ chi phí thấp và quỹ đầu tư thụ động. Ông đã xây dựng một trong những quỹ chỉ số đầu tiên cho các nhà đầu tư cá nhân vào năm 1976. Nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett cũng tin rằng các nhà đầu tư thông thường nên mua cổ phần trong một quỹ chỉ số S&P 500 thay vì chọn các cổ phiếu đơn lẻ vì phí quản lý của quỹ khá thấp và họ cũng giúp các nhà đầu tư đa dạng hóa khá tốt.

Bản cáo bạch

Điều quan trọng là bạn phải biết quỹ chỉ số tính phí bao nhiêu khi quyết định đầu tư. Hãy nhớ rằng, các nhà quản lý thường tính phí ngay cả khi quỹ chỉ số thua lỗ. Bạn có thể tìm thấy thêm thông tin về phí và chi phí của quỹ chỉ số trong một tài liệu pháp lý được gọi là “bản cáo bạch”. Bản cáo bạch cũng cung cấp thông tin chi tiết về mục tiêu đầu tư của quỹ chỉ số, các chiến lược đầu tư chủ đạo, rủi ro và hiệu suất từ trước đến nay (nếu có). Bạn có thể nhận được bản cáo bạch của quỹ bằng cách liên hệ với quỹ tương hỗ hoặc chuyên gia tài chính đang bán cổ phần của quỹ. Hãy đọc kỹ bản cáo bạch trước khi đầu tư, trong đó sẽ chứa đầy thông tin quan trọng về kênh đầu tư mà bạn sắp rót vốn vào.

Đăng Khoa - Theo learn.robinhood.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến