Thâm hụt ngân sách là khi thu nhập dự kiến của một người, công ty hoặc quốc gia thấp hơn chi phí dự kiến của họ trong kỳ lập ngân sách.
Thâm hụt ngân sách là khi một người, công ty hoặc chính phủ chi tiêu hoặc có kế hoạch chi tiêu trong một thời kỳ nhiều hơn số tiền họ nhận được hoặc sẽ nhận được thông qua doanh thu. Ngân sách là một phần thiết yếu để lập dự báo đối với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có tương tác với tiền. Cá nhân thông thường thì sẽ xây dựng ngân sách hộ gia đình. Các công ty và thậm chí cả chính phủ cũng cần có ngân sách để lập kế hoạch chi tiêu. Ngân sách thường bao gồm thông tin về thu nhập dự kiến của người hay tổ chức lập ngân sách, số tiền họ dự kiến chi và cách họ dự định chi tiêu. Nếu họ dự định chi nhiều tiền hơn số tiền họ kiếm được, thì mức chênh lệch giữa thu nhập và chi phí chính là thâm hụt ngân sách cho kỳ ngân sách đó. Họ phải trả nợ hoặc dành tiền tiết kiệm để trang trải các khoản thiếu hụt. Thuật ngữ thâm hụt ngân sách được sử dụng phổ biến nhất để mô tả tình hình tài chính của chính phủ.
Một ví dụ điển hình về thâm hụt ngân sách là ngân sách của chính phủ Mỹ cho năm 2019. Năm 2019, chính phủ Mỹ dự kiến sẽ thu được 3,5 nghìn tỷ USD và lập ngân sách 4,4 nghìn tỷ USD để chi tiêu. Trong trường hợp này, chi cao hơn thu nên dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách. 4,4 nghìn tỷ USD trừ 3,5 nghìn tỷ USD là 900 tỷ USD, vì vậy tổng thâm hụt ngân sách dự kiến là khoảng 900 tỷ USD.
Thâm hụt ngân sách cũng giống như không mang đủ thức ăn trong một chuyến đi cắm trại vậy…
Cơ thể bạn cần một lượng thức ăn nhất định để tự duy trì thể trạng. Nếu bạn đi bộ đường dài và cắm trại trong rừng nhưng lại hết thức ăn, cơ thể bạn có khả năng bị thâm hụt calo. Cơ thể của bạn có thể đốt cháy chất béo, mà điều này giống như việc bạn lâm vào cảnh nợ nần hoặc tiêu hết tiền tiết kiệm.
Thâm hụt ngân sách là mức chênh lệch giữa mức thu và chi dự kiến của một người, doanh nghiệp hoặc chính phủ trong một thời kỳ, trong đó chi phí lớn hơn mức thu. Nói cách khác, thâm hụt ngân sách có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức dự kiến thu được ít tiền hơn so với kế hoạch chi tiêu trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như trong một năm tài chính.
Khi các doanh nghiệp xây dựng ngân sách, họ thường đưa ra danh sách những thứ họ dự kiến sẽ chi tiêu và số tiền họ dự kiến sẽ chi ra. Họ cũng sẽ liệt kê các nguồn thu nhập và số tiền họ kỳ vọng sẽ kiếm được. Nếu các cá nhân hay tổ chức này dự định kiếm ít hơn số tiền họ chi tiêu, họ cần phải tìm cách khác để thanh toán các khoản chi tiêu, chẳng hạn như tiêu thâm vào tiền tiết kiệm hoặc vay tiền từ bên cho vay.
Thâm hụt ngân sách là tình trạng phổ biến ở các chính phủ vì họ có xu hướng chi tiêu nhiều tiền hơn số tiền thu được từ thuế.
Có rất nhiều lý do khiến chính phủ các nước chi tiêu quá mức.
Điều cơ bản nhất là do có nhiều thứ mà chính phủ muốn chi tiền, nhưng chúng vượt quá khả năng chi trả thông qua nguồn thu từ thuế. Chính phủ các nước chi hàng tỷ hoặc hàng nghìn tỷ USD mỗi năm và họ có thể gặp khó khăn trong việc xác định mức thuế mà họ cần áp dụng để mang lại đủ doanh thu để trang trải chi phí. Trong các trường hợp khác, chính phủ không muốn tăng thuế suất hoặc có thể muốn thực hiện động thái cắt giảm thuế để làm an lòng dân.
Một lý do khác khiến các chính phủ chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được là vì một số chính phủ có thể dễ dàng vay hoặc in tiền. Một trong những rủi ro đáng kể khi bị thâm hụt ngân sách là phải có nguồn quỹ để bù đắp khoản thiếu hụt. Bởi vì một số chính phủ có thể in tiền để bù đắp thiếu hụt, họ có thể hoãn trả hoặc một số quốc gia mạnh hơn có thể tránh trả lại mức thâm hụt. Tuy nhiên, nếu in quá nhiều tiền thì cuối cùng có thể dẫn đến lạm phát.
Có một cách giải thích khác cho việc bội chi này, đó là các nhà lập pháp có động lực rất lớn trong việc thúc đẩy các luật liên quan đến việc chi tiêu cho các cử tri của họ. Các cử tri của nhà lập pháp sẽ được hưởng lợi từ việc tăng chi tiêu, trong khi chi phí của khoản chi có thể được dàn trải trên toàn bộ quốc gia. Điều này dẫn đến việc các nhà lập pháp đôi khi vận động chi tiêu trong khu vực hay quê nhà của họ ngay cả khi họ ủng hộ giảm chi tiêu của chính phủ.
Một trong những rủi ro lớn nhất của thâm hụt ngân sách là cá nhân hay tổ chức bị thâm hụt sẽ không thể thanh toán các chi phí đã lập ngân sách. Nếu một người dự kiến kiếm được 80 triệu đồng trong một năm và chi tiêu 100 triệu đồng trong cùng năm đó thì có hai cách để giải quyết điều này. Thứ nhất là tìm một nguồn nào đó để vay 20 triệu đồng. Cách còn lại là chi 20 triệu đồng từ số tiền tiết kiệm của họ.
Cả hai lựa chọn này đều không bền vững đối với người bình thường nếu họ cứ tiếp tục thâm hụt ngân sách mãi. Cuối cùng, số dư nợ của người này sẽ lớn đến mức mà họ sẽ không thể tìm được người sẵn lòng cho vay hoặc họ sẽ cạn kiệt tiền tiết kiệm để trang trải khoản thiếu hụt của mình.
Đối với một số chính phủ, điều này ít rủi ro hơn vì một số chính phủ có thể có xếp hạng tín dụng cao, giúp họ dễ dàng vay những khoản tiền lớn với lãi suất tương đối thấp và ổn định. Ngay cả khi họ gặp khó trong việc tìm đơn vị cho vay, các chính phủ thường cũng có thể in tiền để đáp ứng các chi phí. Tuy nhiên, khi chính phủ thâm hụt ngân sách, điền này sẽ có nguy cơ gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế quốc gia và tiềm ẩn lạm phát.
Một trong những tác động khi chính phủ thâm hụt ngân sách là tiền tiết kiệm của quốc gia sẽ giảm và mức vay nợ tăng lên. Thông thường, chính phủ sẽ chuyển sang các quốc gia khác để vay tiền. Điều này có thể mang lại cho những quốc gia đó sức ảnh hưởng đối với các chính sách của chính phủ nước đi vay. Tiền tiết kiệm giảm cũng có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, từ đó có thể làm suy yếu nền kinh tế. Người tiêu dùng có nhiều động lực hơn để tiết kiệm tiền khi lãi suất tăng cao, qua đó làm giảm mức chi tiêu tiêu dùng, mà điều này có thể làm suy giảm hoạt động kinh tế.
Khi chính phủ vay tiền, họ cũng cần phải trả lại theo thời gian. Khi bị thâm hụt ngân sách trong một năm, chi phí của chính phủ có thể sẽ cao hơn trong năm tới do phát sinh chi phí lãi vay. Để giảm chi phí trong năm tới, chính phủ cần phải cắt giảm chi phí nhiều hơn lãi suất trong các khoản vay mới của họ.
Nếu một quốc gia thâm hụt ngân sách trong một thời gian dài, quốc gia đó sẽ phải gánh một khoản nợ lớn, kèm theo các nghĩa vụ lãi suất nặng nề. Điều đó có thể khiến quốc gia này thậm chí còn khó khăn hơn trong việc cân đối ngân sách trong khi vẫn phải duy trì các dịch vụ quan trọng cho công dân.
Thâm hụt ngân sách dài hạn cũng có thể dẫn đến những thay đổi về kỳ vọng và hành vi của người tiêu dùng. Nếu chênh lệch ngân sách tăng quá lớn, các nhà đầu tư có thể không muốn mua trái phiếu chính phủ, từ đó làm tăng chi phí đi vay hơn nữa. Các quốc gia bên ngoài có thể lo lắng về việc chính phủ in thêm tiền để đáp ứng các nghĩa vụ của họ, qua đó làm giảm giá trị đồng tiền của quốc gia đi vay. Tất cả những điều này có thể có tác động đáng kể đến nền kinh tế.
Trên thực tế, có hai cách để giảm thâm hụt ngân sách: hoặc tiêu ít tiền hơn hoặc kiếm nhiều tiền hơn. Ở quy mô cấp quốc gia, chính phủ sẽ có một số cách để đạt được cả hai mục tiêu này.
Giảm chi tiêu thường cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm tiền chi phí cho các dự án của chính phủ. Chẳng hạn như ở Mỹ, ngân sách mà Tổng thống Donald Trump công bố vào tháng 02/2020 có đề cập đến khoản cắt giảm 4,8 nghìn tỷ USD chi tiêu cho những dịch vụ như Medicare, Medicaid và An sinh xã hội. Mặt trái của việc cắt giảm chi tiêu cho các dự án của chính phủ là một số công dân sẽ cảm thấy ưa thích và tin tưởng vào các chương trình này, và họ sẽ không hài lòng với những thay đổi của chính phủ hoặc có thể bị tổn hại bởi quyết định cắt giảm chi tiêu.
Trong khi đó, lựa chọn tăng thu nhập của chính phủ đôi khi lại có ưu điểm linh hoạt hơn một chút. Có hai cách mà chính phủ có thể kiếm được nhiều tiền hơn.
Một là tăng thuế suất. Giả sử công dân của một quốc gia kiếm được số tiền gần như nhau, việc tăng thuế suất từ năm này sang năm khác sẽ mang lại cho chính phủ nhiều tiền hơn để chi tiêu. Mặt hạn chế là chẳng mấy ai thích đóng thuế nhiều hơn và khi thuế tăng thì có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Một cách khác để tăng thu thuế là tăng năng suất của quốc gia. Nếu một quốc gia đang tăng trưởng kinh tế, thì công dân và doanh nghiệp của quốc gia đó sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Ngay cả khi họ chỉ trả cùng một mức thuế, thì với mức thu nhập cao hơn, họ cũng sẽ phải trả nhiều thuế hơn.
Cuối cùng, chính phủ có thể yêu cầu Kho bạc in thêm tiền. Mặt trái của điều này là hành động đó có thể dẫn đến lạm phát, hoặc trong những trường hợp cực đoan là siêu lạm phát.
Để tính toán thâm hụt ngân sách, bước đầu tiên là cộng tất cả nguồn thu dự kiến của một người, doanh nghiệp hoặc chính phủ trong một khoảng thời gian. Ví dụ, nếu bạn dự định kiếm được 500 triệu đồng từ công việc của mình, 50 triệu đồng từ các khoản đầu tư và 100 triệu đồng khi làm nghề tay trái, bạn có thể cộng các con số đó lại để, lúc này thu nhập dự kiến của bạn là 650 triệu đồng.
Bước tiếp theo, cộng tất cả các chi phí dự kiến của bạn trong năm với nhau. Bạn có thể dự trù chi 100 triệu đồng đóng thuế, 200 triệu đồng tiền thuê nhà, 50 triệu đồng để du lịch nghỉ mát, 150 triệu đồng cho một chiếc xe mới và 300 triệu đồng cho các chi phí linh tinh khác. Cộng những con số này lại với nhau, bạn sẽ tính được khoản chi phí dự kiến là 800 triệu đồng.
Cuối cùng, lấy thu nhập trừ các chi phí dự kiến để tìm ra mức thâm hụt hoặc thặng dư ngân sách. Trong ví dụ này, 650 triệu đồng - 800 triệu đồng = -150 triệu đồng. Điều đó có nghĩa là bạn bị thâm hụt ngân sách 150 triệu đồng trong năm.
Mỹ là quốc gia có xu hướng thâm hụt ngân sách, mặc dù vậy quy mô thâm hụt sẽ thay đổi theo từng năm, từ đó làm tăng thêm nợ công của nước này. Thâm hụt ngân sách của Mỹ trong 12 năm qua là như sau:
Đăng Khoa-Theo learn.robinhood