Các khoản phải thu là các khoản tiền mà những khách hàng còn nợ doanh nghiệp sau khi đã mua hàng hóa hoặc dịch vụ theo hình thức tín dụng.
Các khoản phải thu (A/R) giống như giấy vay nợ từ các khách hàng. Các doanh nghiệp có thể bán nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ hơn nếu họ cho phép khách nợ dưới hình thức tín dụng thay vì buộc khách hàng phải trả trước bằng tiền mặt. Khách hàng nhận hàng ngay, lấy hóa đơn của doanh nghiệp, rồi thanh toán sau. Mặc dù doanh nghiệp chưa nhận ngay tiền mặt, nhưng họ có thể cộng thêm giao dịch này vào bảng cân đối kế toán dưới dạng tài sản, cũng giống như cộng thêm tiền mặt. Các khoản phải thu này là tài sản vì các doanh nghiệp tin rằng họ có thể sớm biến chúng thành tiền mặt. Các khoản phải thu của một doanh nghiệp có thể giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Điện thoại iPhone của Apple đã giúp tăng doanh thu của hãng trong thập kỷ qua. Cùng với doanh thu, các khoản phải thu của Apple cũng tăng từ 2,4 tỷ USD vào ngày 27/09/2019, lên 14,1 tỷ USD vào ngày 29/06/2019. Điều này cho thấy rằng một lượng lớn doanh số bán iPhone rất có thể được khách hàng mua dưới hình thức tín dụng. (Nguồn: DiscoverCI)
Giấy vay nợ chính là tiền mặt trong túi của bạn trong tương lai...
Các doanh nghiệp xem các khoản phải thu như một tập hợp nhiều giấy vay nợ từ khách hàng. Các doanh nghiệp liệt kê chúng dưới dạng tài sản trong báo cáo tài chính bởi vì họ kỳ vọng sẽ sớm thu lại tiền mặt. Nhưng tiền mặt mới là vua, các doanh nghiệp thà có tiền trong túi ngay hơn là chờ nhận tiền sau này từ các khoản phải thu. Các khoản phải thu có thể kém hấp dẫn hơn tiền mặt theo thứ tự thanh khoản, hay khoảng thời gian cần thiết để biến một tài sản nào đó thành tiền mặt.
Các nhà đầu tư thường nghiên cứu các khoản phải thu trong báo cáo tài chính của một doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về tổng tài sản của doanh nghiệp đó.
Những doanh nghiệp nào chấp nhận “bán chịu” cho khách hàng thì có thể tiếp cận với cơ sở khách hàng lớn hơn, từ đó có thể giúp họ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Các khoản phải thu là cách mà một doanh nghiệp theo dõi số tiền mà khách hàng nợ họ cho các sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đã bán theo hình thức tín dụng (bán chịu).
Các doanh nghiệp thường theo dõi các hóa đơn chưa thanh toán trên “Sổ báo cáo về tuổi nợ các khoản phải thu” hoặc lịch trình của các khoản phải thu. Sổ này cho biết có bao nhiêu khách hàng đã thanh toán cho sản phẩm hoặc dịch vụ và có bao nhiêu hóa đơn chưa thanh toán của khách hàng bị trễ trong khoảng thời gian 30 ngày, 60 ngày hoặc 90 ngày trở lên.
Các nhà đầu tư có thể kiểm tra báo cáo tuổi nợ các khoản phải thu để biết được sức mạnh tài chính và tính thanh khoản của doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp có thể có nhiều tài sản lưu động (hay còn gọi là các khoản mà doanh nghiệp có thể chuyển thành tiền mặt trong vòng chưa đầy một năm). Nhưng nếu sổ báo cáo tuổi nợ cho thấy rằng nhiều tài sản trong số đó là các khoản phải thu đã lâu chưa thanh toán, thì đó là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp này có thể đang gặp khó khăn về một số mặt:
Đối với bộ phận kế toán của một doanh nghiệp, các khoản phải thu đóng một vai trò rất quan trọng. Các khoản phải thu được xem là khoản mục gia tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Doanh thu là số tiền mà doanh nghiệp kiếm được bằng cách bán sản phẩm và dịch vụ ngay cả khi không nhận được tiền mặt tại thời điểm bán hoặc dịch vụ. Doanh nghiệp sẽ liệt kê các khoản giao dịch “mua chịu” dưới dạng khoản phải thu thay vì ở khoản mục tài sản tiền mặt trên bảng cân đối kế toán.
Doanh nghiệp sẽ liệt kê các khoản phải thu như một dạng tài sản lưu động vì họ nghĩ rằng họ có thể thu số tiền đó trong ngắn hạn. Khi khách hàng thanh toán hóa đơn, doanh nghiệp sẽ lấy khoản tiền này trừ khỏi các khoản phải thu, và sau đó cộng chúng vào tài khoản tiền mặt. Doanh thu thì vẫn giữ nguyên.
Tất nhiên, không phải tất cả các khoản nợ đều là nợ tốt. Các doanh nghiệp có hai cách tính toán cho những khách hàng không trả tiền. Nếu một doanh nghiệp chắc chắn rằng khách hàng sẽ không thanh toán, họ có thể xóa sổ số tiền nợ dưới dạng một khoản nợ khó đòi (xóa sổ trực tiếp). Nhưng họ phải được thực hiện nghiệp vụ này trong kỳ kế toán xảy ra giao dịch mua bán, dựa theo các quy tắc kế toán dồn tích.
Nếu doanh nghiệp không chắc liệu những khách hàng nợ tiền có thanh toán trong tương lai hay không, thì doanh nghiệp phải tính toán đến điều này bằng một cách nào đó trên báo cáo tài chính. Vì vậy, họ sẽ tạo ra một tài khoản âm được gọi là dự phòng phải thu khó đòi, dùng để ước tính những khoản có thể không thu được trong các khoản phải thu. Các doanh nghiệp cũng tạo ra một tài khoản chi phí khó đòi với cùng số tiền để bù đắp cho doanh thu. Điều này giúp doanh nghiệp phản ánh trung thực về lợi nhuận thực sự của họ.
Nếu khách hàng không thanh toán, doanh nghiệp phải thực hiện xóa sổ trực tiếp hoặc tạo khoản dự phòng nợ khó đòi. Họ không thể chuyển một khoản phải thu chưa thanh toán sang kỳ kế toán tiếp theo và tiếp tục ghi nhận doanh thu trong kỳ kế toán trước.
Tại sao? Trong hệ thống kế toán dồn tích, một doanh nghiệp phải khớp chi phí nợ phải thu khó đòi với doanh thu mà họ đã tạo ra trong cùng kỳ kế toán. Nếu doanh nghiệp không làm điều này, họ có nguy cơ nói dối các nhà đầu tư về vốn chủ sở hữu theo ba hướng:
Nếu doanh nghiệp chắc chắn rằng họ sẽ không đòi được nợ, thì doanh nghiệp đó có thể xóa nợ. Để thực hiện điều này, họ sẽ trừ tài khoản của khách hàng khỏi các khoản phải thu và điều chỉnh doanh thu bằng cách đưa các khoản nợ khó đòi vào các khoản chi phí. Các doanh nghiệp có các tiêu chí khác nhau để quyết định khi nào họ nên xóa nợ khó đòi.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp cho rằng một số khách hàng có thể trả tiền muộn hơn, mặc dù họ không chắc là khách hàng nào? Doanh nghiệp cũng muốn cố gắng và trung thực nhất có thể về lợi nhuận từ hoạt động bán hàng trên bảng cân đối kế toán và báo cáo tài chính.
Đầu tiên, bộ phận kế toán phải ước tính phần trăm các khoản phải thu mà họ tin rằng khách hàng sẽ không thanh toán trong tương lai.
Sau đó, họ cần tạo ra một tài khoản âm, đóng vai trò giống như một khoản khấu trừ từ tài sản phải thu. Đây là một loại "tài khoản đối ứng". Theo thuật ngữ kế toán, đây là dự phòng nợ phải thu khó đòi, hoặc “tài khoản dự phòng”.
Cuối cùng, doanh nghiệp phải tạo một tài khoản chi phí nợ phải thu khó đòi bằng mức ước tính cho các khoản nợ chưa thanh toán để phản ánh mức thay đổi có thể phát sinh trong tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Để có cái nhìn trực quan hơn về hoạt động này, hãy cùng xem qua một doanh nghiệp tưởng tượng mang tên BD.
BD có số dư các khoản phải thu là 100 tỷ đồng và cho rằng khoảng 2% khách hàng của họ sẽ không trả tiền. Công ty này tạo ra một khoản dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi trị giá 2 tỷ đồng (2% của 100 tỷ đồng) và chi phí nợ khó đòi là 2 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh của BD cho cuối kỳ kế toán đó sẽ thể hiện số dư các khoản phải thu là 98 tỷ đồng (100 tỷ đồng - 2 tỷ đồng). Báo cáo cũng sẽ thể hiện chi phí nợ khó đòi là -2 tỷ đồng, phản ánh mức thay đổi có thể phát sinh trong doanh thu.
Các nhà đầu tư có thể sẽ tìm hiểu về mức thay đổi trong các khoản dự phòng nợ khó đòi của doanh nghiệp theo thời gian. Nếu dự phòng nợ khó đòi của doanh nghiệp tăng lên nhiều theo thời gian, điều đó có nghĩa là doanh nghiệp đó không có chính sách tín dụng và thu nợ hiệu quả. Nhưng nếu dự phòng nợ phải thu khó đòi của một doanh nghiệp giảm đi nhiều, điều đó có nghĩa là doanh nghiệp đó đã phải xóa một phần lớn khoản nợ của họ. Điều này có thể cho thấy điều kiện tài chính của doanh nghiệp này có vấn đề.
Các đối tượng cá nhân có thể nợ tiền doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp với doanh nghiệp cũng có thể nợ tiền nhau.
Các doanh nghiệp có thể nới rộng tín dụng cho cả khách hàng và doanh nghiệp khi bán sản phẩm và dịch vụ. Khi Doanh nghiệp A bán một thứ gì đó cho Doanh nghiệp B theo bán chịu, Doanh nghiệp A sẽ ghi nhận khoản bán hàng đó như một tài sản phải thu. Nhưng Doanh nghiệp B sẽ ghi nhận số tiền mà họ nợ Doanh nghiệp A dưới dạng một khoản nợ phải trả. Nợ ngắn hạn là nghĩa vụ tín dụng ngắn hạn của doanh nghiệp. Đó thường là số tiền mà một doanh nghiệp nợ các nhà cung cấp hiện tại của họ.
Giả sử công ty ABC đặt hàng bột bánh bao từ công ty XYZ (cả hai doanh nghiệp đều là giả tưởng). Nếu có thể trả tiền mua bột chỉ một vài lần một năm thì sẽ dễ dàng hơn nhiều cho công ty ABC so với việc phải trả tiền mỗi khi họ cần làm một mẻ bánh bao. Công ty XYZ ghi số tiền bán bột bánh bao vào các khoản phải thu của họ, và Công ty ABC ghi số tiền nợ bột bánh bao vào các khoản phải trả. Sau đó Công ty XYZ gửi hóa đơn cho Công ty ABC và Công ty ABC thanh toán hóa đơn đó để có thể tiếp tục sản xuất bánh bao và công việc kinh doanh của họ có thể tiếp tục hoạt động.
Hệ số vòng quay khoản phải thu đo lường tốc độ và tần suất mà một doanh nghiệp thu tiền khách hàng của họ. Hệ số vòng quay khoản phải thu được tính theo ba bước.
Hệ số vòng quay khoản phải thu của doanh nghiệp tưởng tượng TLT cho năm 2018 được tính như sau:
TLT đã thu các khoản phải thu trung bình 7,4 lần trong năm 2018, hoặc khoảng 49 ngày một lần (365*95 tỷ đồng/700 tỷ đồng). Khi được thể hiện theo ngày, đại lượng này còn được gọi là Thời gian Thu hồi Tiền hàng Tồn đọng (DSO) hoặc "Thời gian Thu hồi Trung bình".
Các nhà đầu tư có thể theo dõi hệ số vòng quay khoản phải thu của một doanh nghiệp để xác định xu hướng.
Tỷ lệ các khoản phải thu trên doanh thu (tỷ lệ A/R trên doanh thu) là tỷ lệ phần trăm các giao dịch tín dụng (bán chịu) trên tổng doanh thu của một doanh nghiệp. Để tính toán tỷ lệ A/R trên doanh thu, cần thực hiện các bước sau:
Chẳng hạn, giả sử doanh nghiệp tưởng tượng có tên Lúa Chín có tổng các khoản phải thu là 5 tỷ đồng vào năm 2018 và tổng doanh thu là 25 tỷ đồng trong cùng năm. Tỷ lệ A/R trên doanh thu được tính bằng cách chia 5 tỷ đồng cho 25 tỷ đồng, kết quả là 20%. Vì vậy, công ty Lúa Chín có doanh thu bán chịu là 20% với doanh thu “tiền trao cháo múc” là 80% vào năm 2018.
Tỷ lệ các khoản phải thu trên doanh thu có thể cung cấp cho các nhà đầu tư cái nhìn sâu sắc hơn về dòng tiền của một doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp có tỷ lệ A/R trên doanh thu quá cao thì sẽ có thể cạn kiệt lượng tiền mặt cần thiết cho các hoạt động hàng ngày trong thời kỳ doanh số xuống thấp.
Đăng Khoa-Theo learn.robinhood.com