Nợ công Mỹ là số tiền mà chính phủ liên bang Hoa Kỳ nợ các chủ nợ, cả công chúng và các đơn vị khác của chính phủ.
Nợ công Mỹ là khoản tiền mà chính phủ liên bang hiện đang nợ các chủ nợ. Một số khoản là nợ các cơ quan chính phủ khác, chẳng hạn như đơn vị An sinh xã hội. Hầu hết các khoản đó được nắm giữ bởi các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước Mỹ, cũng như chính phủ các nước khác. Khi Mỹ thâm hụt ngân sách (thu không đủ bù chi), chính phủ của họ sẽ phát hành tín phiếu kho bạc hoặc trái phiếu để bù đắp phần chênh lệch. Giống như trái phiếu doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ mua các loại trái phiếu này để đổi lấy lời hứa rằng họ sẽ thu về một số tiền nhất định trong tương lai. Tổng số dư chưa thanh toán của tất cả những thứ mà chính phủ đã vay chính là nợ công, đối với Mỹ là ở mức 28,4 nghìn tỷ USD tính đến ngày 31/01/2021. Con số này đã tăng liên tục mỗi năm kể từ năm 1957.
Ví dụ
Giả sử bạn phải thanh toán hóa đơn sinh hoạt hàng tháng là 3 triệu đồng. Đó là số tiền mà bạn phải trả để chi tiền thuê nhà, xăng xe, mua thức ăn và những thứ linh tinh khác. Miễn là bạn kiếm được ít nhất 3 triệu đồng mỗi tháng, bạn sẽ không gặp vấn đề gì. Nhưng hãy tưởng tượng số giờ làm việc của bạn bị cắt giảm trong một tháng và bạn chỉ kiếm được 2,5 triệu đồng. Bạn sẽ bị thâm hụt 500 nghìn đồng (chênh lệch giữa thu nhập và chi phí). Để duy trì mức chi tiêu như tháng trước, bạn cần vay 500 nghìn đồng đó, có thể bằng cách vay tín dụng. Ngay cả khi bạn không bị thâm hụt nữa, thẻ tín dụng của bạn cũng sẽ gửi một bảng sao kê hàng tháng cho bạn biết bạn còn nợ bao nhiêu. Cho đến khi bạn trả hết, số dư chưa thanh toán đó là khoản nợ của bạn. Số tiền này sẽ nhỏ hơn mỗi tháng khi bạn thực hiện thanh toán, trừ khi bạn vay thêm nhiều hơn.
Bài học
Nợ công giống như sao kê thẻ tín dụng tập thể của cả một quốc gia…
Đó là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ nợ các bên đã cho họ vay. Khi chính phủ thực hiện các khoản thanh toán kèm theo lãi suất thì số dư nợ sẽ giảm xuống. Nhưng mỗi khi chính phủ vay thêm, nợ lại tăng lên.
Thâm hụt ngân sách là khi chính phủ không kiếm đủ nguồn thu để trang trải tất cả các chi phí công. Ngược lại với thâm hụt là thặng dư, đó là khi thu vượt chi, tức là chính phủ còn dư tiền. Mức thâm hụt và thặng dư được đo lường hàng năm trong mỗi năm tài chính.
Khi chính phủ cần huy động tiền để cân bằng ngân sách, Bộ Tài chính Mỹ sẽ bán đi trái phiếu. Chúng bao gồm tín phiếu kho bạc (đáo hạn dưới một năm), trái phiếu kho bạc đáo hạn từ một đến 10 năm, hoặc trái phiếu kho bạc đáo hạn trong 30 năm.
Tất cả các loại chứng khoán này đều là công cụ nợ của chính phủ mà bên mua kỳ vọng sẽ thu được lợi tức đầu tư từ đó. Nợ do chính phủ Mỹ phát hành thường được coi là một khoản đầu tư có rủi ro rất thấp, do đó lợi nhuận thường nhỏ.
Trong khi mức thâm hụt chỉ quy kết cho một năm, nhưng nợ công lại tính theo hướng tích lũy. Đó là toàn bộ số tiền mà chính phủ Mỹ đã vay để trang trải thâm hụt ngân sách hàng năm và hiện đang nợ các chủ nợ. Con số này sẽ liên tục thay đổi khi một số khoản nợ được trả hết và khoản nợ mới được phát hành. Khi chính phủ thâm hụt, nợ sẽ tăng lên. Khi có thặng dư, họ có thể sử dụng số tiền dư để trả nợ.
Tính đến ngày 31/09/2019, nợ công Mỹ ở mức 22,7 nghìn tỷ USD (vào ngày 21/01/2020, con số này lên đến 23,2 nghìn tỷ USD). Con số đó cũng tương xứng so với một nền kinh tế tạo ra tổng sản phẩm quốc nội (hay GDP, tức là giá trị của mọi sản phẩm và dịch vụ được sản xuất trong vùng lãnh thổ Mỹ) lên đến 21,5 nghìn tỷ USD tính đến quý 3 năm 2019. Như vậy, tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ là 1,05. Nói cách khác, nền kinh tế số 1 thế giới nợ khoảng 105% GDP.
Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ mà Mỹ từng chứng kiến trong hầu hết chiều dài lịch sử của họ. Đỉnh điểm là ngay sau Thế chiến thứ Hai, khi tỷ lệ này là 112%. Năm 2018, Mỹ có tỷ lệ nợ trên GDP cao thứ mười bốn trên thế giới.
Vào năm 2019, chính phủ Mỹ đã thu được khoảng 3,5 nghìn tỷ USD trong khi chi 4,4 nghìn tỷ USD. Do đó, mức thâm hụt của nước này đạt gần 1 nghìn tỷ USD vào năm 2019, được cộng dồn vào nợ công quốc gia.
Khối lượng nợ luôn thay đổi, nhưng nhà đầu tư hoàn toàn có thể nhìn vào con số thống kê tại một thời điểm nhất định. Tính đến tháng 09/2019, số trái phiếu chính phủ Mỹ chưa thanh toán đã lên đến 22,7 nghìn tỷ USD.
Trong đó, 5,9 nghìn tỷ USD là tiền mà chính phủ liên bang nợ. Các khoản nắm giữ nội bộ này chủ yếu được vay từ hệ thống An sinh xã hội, chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ. Đó là bởi vì từ trước đến nay, hệ thống An sinh xã hội luôn thu được nhiều hơn số tiền họ chi tiêu. Những khoản thu vượt mức đó đã được gửi cho vay vào nguồn quỹ chung cho đến khi dân số già đi đến một mức nhất định, khi đó số tiền này cần được dùng để trợ cấp. Một chủ sở hữu lớn khác của nước Mỹ chính là Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Khoảng 3/4 nợ của Mỹ là do công chúng nắm giữ. Trong đó, các công ty bảo hiểm, công dân, quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ và các nhóm tổ chức khác của Mỹ nắm giữ khoảng 9 nghìn tỷ USD. Ngoài ra, khoản nợ 6,9 nghìn tỷ USD cũng thuộc sở hữu của các doanh nghiệp, chính phủ hoặc cá nhân các nước khác ngoài biên giới Mỹ. Những chủ nợ nước ngoài đó trải rộng trên khắp thế giới, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là những chủ sở hữu lớn nhất, mỗi bên nắm giữ khoảng 1,1 nghìn tỷ USD tính đến tháng 11/2019. Chủ nợ lớn tiếp theo của Mỹ là Vương quốc Anh (328 tỷ USD).
Giữa số tiền vay từ An sinh xã hội và số nợ do các quỹ hưu trí nắm giữ, có thể nói nước Mỹ nợ người về hưu nhiều nhất.
Nước Mỹ vốn dĩ đã gánh trên vai một khoản nợ trước khi trở thành một quốc gia khi tham gia cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Giai đoạn tăng trưởng kinh tế đã giúp họ giảm nợ trước khi lại mắc nợ nhiều hơn trong cuộc chiến năm 1812. Tổng thống Andrew Jackson khi đó đã ưu tiên thanh toán nợ công vào năm 1835 bằng cách bán các vùng đất của liên bang ở phía Tây.
Đó là lần cuối cùng đất nước này không còn nợ nần gì. Mỹ đã vay gần 3 tỷ USD trong cuộc Nội chiến và sau đó hơn 25 tỷ USD cho Chiến tranh thế giới thứ nhất. Quốc hội Mỹ đã bắt đầu đặt ra mức giới hạn trần về số nợ mà chính phủ có thể nhận một cách hợp pháp (nhưng thực tế họ vẫn cứ tiếp tục tăng trần nợ thêm nhiều lần).
Nợ công Mỹ tăng trở lại trong thời kỳ Đại suy thoái và Thỏa thuận mới. Vào cuối Thế chiến thứ hai, nợ công đã lên tới hơn 112% GDP.
Nền kinh tế Mỹ sau chiến tranh đã tăng trưởng bùng nổ, và nợ công chủ yếu được kiểm soát trong suốt những năm 1950 và 1960. Đến năm 1974, nợ giảm xuống còn 24% GDP. Nhưng sau khi cắt giảm thuế vào những năm 1980, nợ công đã tăng lên tới 50% GDP vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, trong quãng thời gian còn lại của những năm 1990, nước Mỹ vừa tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và vừa tăng nhanh thuế suất. Chính phủ Mỹ khi đó thặng dư ngân sách trong 4 năm liên tiếp, mặc dù tổng nợ liên bang không hề giảm.
Kể từ khi bắt đầu thiên niên kỷ mới, Mỹ đã phát hành các khoản nợ cao kỷ lục.
Mỹ thường không phát hành nợ công cho một mục đích cụ thể. Thay vào đó, số tiền này được vay để hỗ trợ ngân sách liên bang chung. Nói cách khác, số tiền được vay sẽ giúp trả cho tất cả các dịch vụ mà chính phủ cung cấp.
Vào năm 2019, chính phủ Mỹ đã chi 1 nghìn tỷ USD, tương đương 23% ngân sách, cho An sinh xã hội. Quốc phòng và bảo hiểm y tế (Medicare) là những lò đốt tiền lớn tiếp theo đối với ngân sách, mỗi mảng chiếm 15%. Chính phủ liên bang cũng chi trả cho các phúc lợi và dịch vụ, phương tiện đi lại, giáo dục và các chương trình khác cho cựu chiến binh.
Các khoản thanh toán cho nợ công đang dần trở thành một gánh nặng lớn hơn đối với ngân sách khi nợ tăng lên. Năm ngoái, tổng lãi ròng phải trả là 376 tỷ USD (8% tổng ngân sách). Như vậy, một phần số tiền đi vay hiện nay được chính phủ Mỹ dùng để trả lại số tiền đã vay trong quá khứ.
Mức nợ sẽ tăng lên bất cứ khi nào chính phủ đi vay nhiều tiền hơn số tiền đã trả. Nói chung, điều đó có nghĩa là nợ công sẽ tăng lên bất cứ khi nào nguồn thu từ thuế thấp hơn mức chi.
Về khía cạnh chi tiêu, nợ công sẽ tăng lên bất cứ khi nào chính phủ mở ra thêm hoặc mở rộng các chương trình (như Medicare) hoặc khi các tác động bên ngoài (chẳng hạn như chiến tranh) buộc liên bang phải chi tiêu nhiều hơn, với giả định không tăng thuế để bù đắp chi phí. Về mặt doanh thu, nợ sẽ tăng lên bất cứ khi nào chính phủ cắt giảm thuế (ví dụ, thông qua Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm năm 2017) mà không giảm chi tiêu tương ứng theo.
Nợ công cũng sẽ tự nhiên tăng lên trong giai đoạn suy thoái của chu kỳ kinh doanh, tính đến cả những tác động từ việc giảm thuế và tăng chi tiêu. Khi nền kinh tế bước vào thời kỳ suy thoái, điều đó thường thúc đẩy người dân phát sinh nhu cầu nhận hỗ trợ từ chính phủ (chẳng hạn như trợ cấp phúc lợi và trợ cấp thất nghiệp) hoặc chi tiêu kích thích. Nguồn thu từ thuế cũng có xu hướng giảm khi nền kinh tế hoạt động không tốt, do người dân có xu hướng kiếm ít thu nhập hơn, từ đó tiền thuế cũng ít đi.
Câu trả lời cho câu hỏi này rất khó xác định. Về mặt lý thuyết, chính phủ liên bang Hoa Kỳ có thể chỉ cần in thêm tiền để trả nợ. Tuy nhiên, điều này sẽ làm tăng tỷ lệ lạm phát (tỷ lệ mà giá cả tổng thể tăng lên), tạo ra một loạt vấn đề khác (như suy yếu sức mua).
Ngoài ra, Mỹ có thể cân bằng ngân sách bằng cách giảm chi tiêu, tăng thuế hoặc kết hợp với một số biện pháp. Miễn là số nợ mới được phát hành đủ nhỏ, chính phủ cuối cùng sẽ có thể trả hết số nợ của họ bằng cách thanh toán đều đặn cho các khoản nợ hiện có.
Tuy nhiên, việc tăng thuế và cắt giảm các chương trình của chính phủ có thể là một thách thức về mặt chính trị. Trong những thời kỳ thuận lợi, chính phủ sẽ có đủ tiền để trả cho những đơn vị này, do đó họ cũng khó lòng cắt giảm. Bước sang thời kỳ ảm đạm, nhu cầu đối với các chương trình của chính phủ ngày càng cấp thiết hơn, khiến việc cắt giảm chúng trở nên rất khó khăn.
Tính đến năm 2020, có rất ít người lo ngại về khả năng thanh toán nợ của Mỹ. Nhưng để xóa nợ hoàn toàn thì nước Mỹ sẽ phải thông qua kế hoạch cân đối ngân sách cho đến khi tất cả các khoản thanh toán đó được thực hiện. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng chính phủ Mỹ không nên vội vàng làm như vậy. Giảm nợ đòi hỏi phải thu thuế cao hơn hoặc giảm chi tiêu, mà cả hai đều có thể làm nền kinh tế chậm lại. Trong khi đó, chính giới lại thường thích tập trung vào việc duy trì một nền kinh tế khỏe mạnh hơn là việc cắt giảm nợ.
Mỗi Dollar mà chính phủ Mỹ chi tiêu đều đến từ một nguồn nào đó. Nguồn thu lớn nhất của chính phủ Mỹ là thuế thu nhập cá nhân. Khi chính phủ đi vay tiền, họ sẽ tránh lấy thuế ngay ngày hôm nay, nhưng sẽ phải thu thuế trong tương lai để trả nợ kèm với lãi suất. Hiện tại, nền kinh tế có thể trụ được theo kế hoạch đó vì người dân có nhiều tiền hơn để chi tiêu. Điều đó có lợi cho các cử tri hiện tại. Nhưng nếu khoản nợ liên bang lớn hơn thì cũng đồng nghĩa với một gánh nặng thuế lớn hơn trong tương lai mà công chúng sẽ phải còng lưng làm việc để trả.
Tính đến đầu tháng 02/2020, nợ công Mỹ lên tới hơn 70.000 USD tính trên mỗi công dân, hoặc hơn 188.000 USD cho mỗi người dân đóng thuế. Đến một lúc nào đó, chính phủ Mỹ sẽ cần thu tiền để trả các khoản nợ này và trang trải cho mức chi tiêu hiện tại.
Nợ vốn dĩ không xấu, chúng có thể có ích trong việc kích thích nền kinh tế hoặc tài trợ cho một cuộc chiến. Tuy nhiên, các khoản thanh toán nợ có thể sẽ vượt xa so với những mục đích chi tiêu khác của chính phủ khi họ sử dụng nguồn thu từ thuế. Nếu chính phủ cố gắng giảm nợ bằng cách cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế, các chính sách tài khóa đó có thể gây tổn hại cho nền kinh tế.
Cuối cùng, số tiền mà mỗi người dân phải trả nợ sẽ thay đổi dựa trên mức độ rủi ro mà người cho vay cảm nhận. Khi nợ công tăng lên, các bên cho vay có thể sẽ quan ngại hơn về khả năng trả nợ của chính phủ và do đó họ sẽ tính lãi suất cao hơn. Nếu chính phủ phải chi nhiều tiền hơn để trả lãi vay thì điều đó cũng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và thậm chí các dự án phục vụ công chúng sẽ ít hơn. Tệ hơn, nếu không có khả năng vay tiền thì có thể chính phủ sẽ gặp khó khăn trong hoạt động quốc phòng. Do đó, nếu khoản nợ công quá lớn thì đó có thể trở thành một vấn đề an ninh quốc gia.
Nợ công có khả năng tiếp tục tăng khi thế hệ trước nghỉ hưu và gây gánh nặng ngày càng lớn cho An sinh xã hội và bảo hiểm y tế. Một số người lo lắng rằng khi nợ công tăng thì sẽ kéo theo một cuộc khủng hoảng tài chính mà có thể khiến các chương trình an sinh này có nguy cơ bị biến mất.
Đăng Khoa - Theo vsaf.org