Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cho biết công ty đang thu được bao nhiêu lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu của các cổ đông, tức là so với tài sản của công ty trừ đi các khoản nợ.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đo lường mức độ hiệu quả một doanh nghiệp trong việc tận dụng vốn chủ sở hữu của cổ đông thành lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là lợi nhuận ròng (hay lãi ròng) chia cho vốn chủ sở hữu của cổ đông. Tỷ số này cho bạn biết doanh nghiệp kiếm được bao nhiêu lợi nhuận trên mỗi đồng vốn mà các cổ đông đã đầu tư vào doanh nghiệp đó. Khi đánh giá ROE của một doanh nghiệp, điều quan trọng là phải so sánh doanh nghiệp đó với các doanh nghiệp tương tự, tức là các doanh nghiệp trong cùng ngành và có quy mô tương đương. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể so sánh ROE gần đây nhất của một doanh nghiệp với ROE của chính doanh nghiệp đó trong những năm trước để xem liệu khả năng sinh lời có đang cải thiện không hay ngày càng tệ hơn.
Bank of America có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 10,5% trong năm 2018 (Nguồn: Báo cáo tài chính 2018 của Bank of America). Nói cách khác, BofA sinh lãi 10,5 cent trên mỗi 1 USD tiền vốn của các cổ đông bỏ vào. Để đánh giá xem con số đó tốt hay xấu, bạn có thể so sánh kết quả với các ngân hàng lớn khác, cũng như với ROE của chính Bank of America trong những năm trước.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có thể được coi là giá trị mà các nhà đầu tư thu được khi rót vốn đầu tư…
Nếu doanh nghiệp nào có ROE cao so với các doanh nghiệp khác cùng ngành, rất có thể ban lãnh đạo của doanh nghiệp này đang làm rất tốt trong việc tạo ra lợi nhuận với số tiền mà các cổ đông đã giao cho họ, tức là tài sản hiện có trừ đi các khoản nợ. Điều này cũng giúp nhà đầu tư tính toán được quy mô của các doanh nghiệp khác nhau. Nếu hai doanh nghiệp có cùng mức lợi nhuận ròng, doanh nghiệp nào tạo ra mức thu nhập đó với ít vốn chủ sở hữu hiện có hơn sẽ có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là lợi nhuận ròng (lãi ròng) chia cho vốn chủ sở hữu của cổ đông. Tỷ số này thường được biểu thị dưới dạng phần trăm bằng cách nhân thương số (kết quả của phép chia) với 100.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu = (Lợi nhuận ròng / Vốn chủ sở hữu của cổ đông) × 100
Lợi nhuận ròng sẽ được trình bày trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Lợi nhuận ròng đôi khi còn được gọi là “lợi nhuận sau thuế”, “lãi ròng” hoặc “thu nhập ròng”. Lợi nhuận thường được ghi nhận trong khoảng thời gian một năm hoặc một quý.
Vốn chủ sở hữu của cổ đông được trình bày trên bảng cân đối kế toán và có tác dụng thể hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của doanh nghiệp sau khi các khoản nợ đã được thanh toán. Vốn chủ sở hữu của cổ đông cho biết số tiền từ doanh nghiệp mà các cổ đông sẽ được hưởng nếu doanh nghiệp thanh lý tài sản ngay lập tức. Vì bên cho vay của doanh nghiệp phải được hoàn trả trước khi các cổ đông được thanh toán, nên phải lấy tổng tài sản trừ đi tổng nợ phải trả để tính được số tiền còn lại cho cổ đông.
Phương trình kế toán tiêu chuẩn trên bảng cân đối kế toán là:
Tài sản - Nợ phải trả = Vốn chủ sở hữu
Do đó, vốn chủ sở hữu của cổ đông đôi khi có thể được gọi là tài sản ròng.
Vì vốn chủ sở hữu của cổ đông được trích từ bảng cân đối kế toán, tức là thể hiện một số liệu cập nhật tức thời, nên nếu nhà đầu tư muốn biết chính xác hơn về con số này trong một khoảng thời gian nhất định thì phải tính vốn chủ sở hữu trung bình của cổ đông. Như vậy, nếu báo cáo tài chính toàn năm được ghi nhận theo khoảng thời gian từ ngày 01/01 đến ngày 31/12, bạn sẽ phải cộng vốn chủ sở hữu của cổ đông từ đầu và cuối kỳ đó rồi chia đôi để tính được vốn chủ sở hữu trung bình của cổ đông trong kỳ.
Công thức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cho biết doanh nghiệp cuối cùng lãi được bao nhiêu trên mỗi đồng vốn chủ sở hữu của cổ đông. Đương nhiên, các nhà đầu tư sẽ kỳ vọng con số này đạt ở mức cao.
Các nhà đầu tư thường muốn có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu càng lúc càng cao hơn. Nhìn chung, kỳ vọng này cũng xuất phát từ mong muốn lợi nhuận tăng.
Tuy nhiên, đó không phải là cách duy nhất để lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng lên. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng được xác định bởi mẫu số, hay vốn chủ sở hữu của cổ đông. Nếu vốn chủ sở hữu của cổ đông giảm, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có thể tăng lên.
Vì phương trình kế toán này cho biết rằng vốn chủ sở hữu của cổ đông được tính bằng tài sản trừ đi nợ phải trả, điều này có nghĩa là vốn chủ sở hữu của cổ đông sẽ giảm nếu nợ phải trả tăng lên. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp muốn tăng ROE của mình, thì doanh nghiệp đó có thể vay tiền để mua lại cổ phiếu của chính họ. Bằng cách này, họ sẽ tăng nợ phải trả và giảm vốn chủ sở hữu của cổ đông, điều này sẽ làm tăng ROE (giả sử lợi nhuận ròng không đổi).
Nếu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là số âm, thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ trong kỳ, hoặc doanh nghiệp có nợ phải trả nhiều hơn so với tài sản.
Trong cả hai trường hợp, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm có thể là dấu hiệu cho thấy một vấn đề tiềm ẩn. Nhưng đây không phải là một thước đo đủ hữu dụng. Khi chỉ nhìn vào ROE, nhà đầu tư khó thể biết chắc liệu con số đó đạt mức âm là do doanh nghiệp đang thua lỗ hay là âm do giá trị vốn chủ sở hữu của cổ đông bị âm.
Trong cả hai trường hợp, tức là doanh nghiệp thua lỗ hoặc có nhiều nợ phải trả hơn tài sản, ROE cũng không thể hiện thêm bất kỳ thông tin hữu ích nào khác ngoài các chỉ số đó. Để xác định vấn đề gốc rễ, bạn sẽ cần phải xem xét thêm điều gì đang khiến ROE âm. Ví dụ, nếu nợ phải trả hiện đang cao do doanh nghiệp đang áp dụng chiến lược tăng trưởng ngắn hạn, thì việc ROE âm vẫn có thể chấp nhận được.
Để biết tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tốt hay xấu thì cần phải xét cả bối cảnh kinh doanh.
Ví dụ, nếu so sánh ROE của Walmart và Facebook thì cũng rất khập khiễng, vì Walmart là một nhà bán lẻ truyền thống với các cửa hàng thực tế trong khi Facebook là một công ty truyền thông xã hội.
Nếu so sánh Walmart với Amazon thì sẽ hợp lý hơn, vì Amazon cũng là một nhà bán lẻ nhưng ngay cả phép so sánh này cũng không thực sự lý tưởng. Amazon vốn là một nhà bán lẻ trực tuyến. Mặc dù Walmart vẫn có sự hiện diện trên không gian trực tuyến, nhưng hoạt động kinh doanh của họ phụ thuộc vào các cửa hàng thực tế kiểu truyền thống.
Nếu phải so sánh thì nhà đầu tư nên so ROE của Walmart với ROE trung bình của ngành bán lẻ, ROE của một đối thủ cạnh tranh như Target, hoặc thậm chí của chính Walmart trong những năm trước.
ROE trung bình của ngành sẽ là điểm tham chiếu tốt nhất. Nếu ROE của đối tượng doanh nghiệp đang xét cao hơn một chút so với mức ROE trung bình của ngành thì được xem là đủ cao để cho thấy rằng doanh nghiệp đó có thể bắt kịp các đối thủ cạnh tranh về khả năng tạo ra lợi nhuận mà không quá cao đến mức báo động đỏ.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ tốt khi giá trị này giữ tương đối ổn định từ năm này sang năm khác, hoặc tốt hơn nữa là có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, với ROE, không phải lúc nào cao hơn cũng có nghĩa là tốt hơn. Mặc dù ROE cao hơn có thể có nghĩa là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong việc biến vốn chủ sở hữu của cổ đông thành lợi nhuận, nhưng tỷ số này có một số hạn chế nhất định. Những hạn chế đó sẽ được phân tích kỹ hơn trong phần dưới đây.
Khi đánh giá một tỷ số tài chính và ý nghĩa của tỷ số đó, điều quan trọng là bạn phải xem tại sao tỷ số đó lại cho ra kết quả như vậy (tức là phải xem xét cả từng tham số thành phần tạo nên tỷ số), bởi vì một tỷ số đứng riêng lẻ sẽ không thể hiện toàn bộ câu chuyện.
Một trong những điểm mù quan trọng của ROE là tỷ số này không thể hiện nhiều về tình hình nợ của doanh nghiệp.
Vì vốn chủ sở hữu của cổ đông bằng tài sản trừ đi nợ phải trả, nên việc tăng nợ phải trả đồng nghĩa với việc giảm vốn chủ sở hữu. Điều này có nghĩa là ban lãnh đạo doanh nghiệp có thể làm cho ROE trông có vẻ cao hơn bằng cách tập trung tăng nợ thay vì vốn chủ sở hữu để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
ROE nếu có xu hướng tăng lên nhờ ban quản trị doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận hiệu quả hơn từ vốn chủ sở hữu thì đó có thể là một điều tích cực, nhưng nếu mẫu số của phương trình (vốn chủ sở hữu của cổ đông) giảm thì ROE cũng có thể tăng, mà điều này có thể sẽ rất nguy hiểm.
Giả sử có thể có các tình huống sau:
ROE cao do nợ tăng: Đầu tiên, doanh nghiệp đi vay tiền để mua lại cổ phiếu của chính mình. Trong tình huống này, lợi nhuận ròng có thể sẽ không thay đổi, nhưng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đều tăng. Doanh nghiệp không tăng được lợi nhuận sau thuế, mà họ chỉ đơn giản là chuyển hướng tập trung từ nguồn vốn này sang nguồn vốn khác.
ROE cao do lịch sử thua lỗ chồng chất: Trong trường hợp khác, giả sử có những doanh nghiệp đã trải qua nhiều năm làm ăn thua lỗ, từ đó làm giảm vốn chủ sở hữu của cổ đông trên bảng cân đối kế toán. Sau vài năm chứng kiến xu hướng này, cuối cùng họ cũng có một năm có lãi. ROE của doanh nghiệp đó cuối cùng lại cao hơn các doanh nghiệp cùng ngành, nhưng không phải là vì họ tạo ra lợi nhuận hiệu quả hơn. Đó là bởi vì số liệu bảng cân đối kế toán của họ đã trải qua nhiều năm thua lỗ, khiến vốn chủ sở hữu của các cổ đông thực sự thu hẹp lại còn rất nhỏ.
Một vấn đề hạn chế khác của ROE là đôi khi tỷ số này có thể tạo ra giá trị âm. ROE có thể âm khi doanh nghiệp bị lỗ trong kỳ hoặc do doanh nghiệp có tổng nợ phải trả nhiều hơn tài sản. Dù là tình huống nào đi nữa, nhà đầu tư cũng sẽ không thể biết tại sao lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lại âm nếu không xem xét từng tham số thành phần của ROE.
Và khi ROE âm, đây sẽ không còn là một số liệu hữu ích để so sánh với các doanh nghiệp khác nữa.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROA) và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) cũng khá giống nhau. Chúng đều là các tỷ số tài chính kết hợp giữa kết quả báo cáo tài chính và bảng cân đối kế toán và sử dụng lợi nhuận ròng làm tử số. Nhưng chúng không giống nhau 100%.
Tỷ suất lợi nhuận tài sản được tính bằng cách chia lợi nhuận ròng từ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho tổng tài sản lấy từ bảng cân đối kế toán. Con số này cho bạn biết doanh nghiệp có thể tạo ra bao nhiêu lợi nhuận sau thuế trên mỗi đồng vốn trong tài sản.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có thể được coi như là tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ròng vì ROE lấy con số lợi nhuận ròng từ bảng cân đối kế toán và chia cho tổng tài sản trừ đi tổng nợ phải trả.
Trong công thức kế toán tiêu chuẩn để lập bảng cân đối kế toán, tài sản trừ đi nợ phải trả bằng vốn chủ sở hữu của cổ đông chính là mẫu số trong công thức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.
Điều này có nghĩa là nếu một doanh nghiệp tăng nợ, ROE của họ sẽ tăng lên so với ROA.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) là một tỷ số tài chính khác kết hợp giữa báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối kế toán và rất giống với cả ROA và ROE. Công thức tính ROIC là:
(Lợi nhuận ròng - Cổ tức) / (Nợ + Vốn chủ sở hữu)
Trong khi ROE thể hiện con số lợi nhuận cuối cùng trên mỗi đồng vốn ở tài sản ròng, thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư cho biết doanh nghiệp kiếm được bao nhiêu tiền cho các cổ đông và chủ nợ.
Không giống như ROE hay ROA, ROIC sử dụng một tử số khác thay vì lợi nhuận ròng.
Thông thường, phép tính ROIC sẽ sử dụng lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh sau thuế (NOPAT) thay vì lợi nhuận ròng đơn thuần. NOPAT được tính bằng cách lấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (hay còn gọi là “lợi nhuận trước lãi vay và thuế” hoặc “EBIT”) và nhân con số này với một trừ đi thuế suất. Bởi vì đây là thước đo lợi nhuận chưa trừ lãi vay, nên ROIC thể hiện lợi nhuận mà doanh nghiệp kiếm được cho chủ sở hữu vốn và chủ sở hữu nợ.
Mẫu số của ROIC là nợ cộng với vốn chủ sở hữu, thay vì chỉ đơn thuần là vốn chủ sở hữu như ROE. Do đó, ROIC cho biết doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận tốt đến mức nào đối với cả chủ sở hữu và đơn vị cho vay.
ROE có thể giúp bạn tính toán tốc độ tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp trên lý thuyết. Công thức ở đây là:
Tốc độ tăng trưởng bền vững = Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu × (1 - Tỷ lệ chi trả cổ tức)
Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng bền vững là tích trong phép nhân ROE với tỷ lệ phần trăm lợi nhuận mà doanh nghiệp tái đầu tư (thay vì trả cổ tức). Chỉ số này có thể giúp đánh giá mức độ phát triển của doanh nghiệp bằng cách dựa vào doanh thu mà không cần vay tiền (không có gì đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng giống như ước tính).
Phép tính này có thể giúp các nhà đầu tư biết được tốc độ tăng trưởng mà một doanh nghiệp có thể đạt được nếu họ không thay đổi kế hoạch chi trả cổ tức hoặc hoạt động vay tiền.
Tất nhiên, về mặt lý thuyết, doanh nghiệp có thể có cơ hội tăng trưởng nhiều hơn nếu không trả cổ tức. Nhưng có nhiều nhà đầu tư lại muốn doanh nghiệp trả cổ tức.
Đăng Khoa-Theo learn.robinhood