logo
Theo dõi investo trên google news

thứ năm, 30/09/2021

Điểm Giao Cắt “Vàng”

Điểm giao cắt “vàng” (Golden Cross) là gì?

Điểm giao cắt “vàng” là một mô hình đột phá tăng giá được hình thành từ sự giao nhau giữa đường trung bình động (MA) ngắn hạn của chứng khoán (ví dụ như đường MA 15) cắt lên trên đường MA dài hạn (ví dụ như đường MA 50) hoặc vùng kháng cự. Giao cắt “vàng” cho thấy một thị trường tăng giá trong tương lai, điều này càng được củng cố nếu thị trường có khối lượng giao dịch cao.

CÁC Ý CHÍNH

  • Điểm giao cắt “vàng” là một mô hình biểu đồ chỉ báo một xu hướng tăng giá lớn chuẩn bị xảy ra.
  • Giao cắt “vàng” xuất hiện trên biểu đồ khi đường MA ngắn hạn của một cổ phiếu vượt lên trên đường MA dài hạn của nó.
  • Đây là mô hình tương phản với giao cắt “tử thần”, một mô hình dự báo xu hướng giảm của thị trường.

Điểm giao cắt “vàng” thể hiện điều gì?

Có ba giai đoạn để hình thành một điểm giao cắt “vàng”. Giai đoạn đầu tiên là khi một xu hướng giảm đã chạm đáy khi lượng bán cạn kiệt. Trong giai đoạn thứ hai, đường MA ngắn hạn hình thành sự giao cắt với đường MA dài hạn, tạo ra một cú breakout và xác nhận sự đảo chiều của xu hướng. Giai đoạn cuối là khi xu hướng tăng được hình thành và di chuyển đến giá cao hơn. Sau đó, các đường MA hoạt động như các mức hỗ trợ đối với các đợt điều chỉnh của thị trường cho đến khi chúng cắt nhau một lần nữa và hình thành mô hình giao cắt “tử thần”. Điểm giao cắt “tử thần” là mô hình nghịch đảo của điểm giao cắt “vàng”, khi đường MA ngắn hạn cắt từ trên xuống dưới đường MA dài hạn.

Các đường MA được sử dụng phổ biến nhất là đường MA 50 và MA 200. Khoảng thời gian của đường MA càng lớn thì cú breakout sắp diễn ra càng có động lượng mạnh hơn. Ví dụ: sự giao nhau giữa đường MA 50 với đường MA 200 của chỉ số S&P 500 là một trong những tín hiệu phổ biến nhất cho thấy thị trường chuẩn bị đi vào xu hướng tăng giá. Khi giao cắt "vàng" hình thành ở một số chỉ số chứng khoán lớn, đây là một kim chỉ nam của thị trường làm cho sức mua của thị trường tăng lên từ những nhóm ngành thành phần của chỉ số đó, giống với câu nói "Thủy triều dâng sẽ nâng tất cả các con thuyền".

Các nhà giao dịch trong ngày thường sử dụng mô hình điểm cắt “vàng” với các khoảng thời gian nhỏ hơn, ví dụ như đường MA 5 và MA 15, để tìm kiếm các cú breakout trong ngày. Khung thời gian của các biểu đồ cũng có thể được điều chỉnh từ 1 phút đến hàng tuần hoặc hàng tháng. Giống như cách các đường MA dài hạn hơn tạo ra các tín hiệu mạnh hơn, khung thời gian biểu đồ càng lớn thì cú breakout từ giao cắt “vàng” có xu hướng càng mạnh và lâu dài hơn.

Ví dụ về điểm giao cắt “vàng”

Một điểm giao cắt “vàng” giữa đường MA 50 và MA 200 trên biểu đồ tháng có tín hiệu mạnh hơn và lâu dài hơn đáng kể so với cùng một giao cắt có thiết lập tương tự trên biểu đồ 15 phút. Các tín hiệu breakout điểm cắt “vàng” thường được sử dụng cùng với các chỉ báo về động lượng khác như chỉ báo Stochastic, công cụ phân kỳ hội tụ trung bình động (MACD) và chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) để theo dõi các mức quá mua và quá bán. Sử dụng kết hợp các chỉ báo này sẽ giúp nhà đầu tư phát hiện các điểm vào và thoát lệnh hợp lý.

Sự khác biệt giữa điểm giao cắt “vàng” và điểm giao cắt “tử thần”

Giao cắt “vàng” và giao cắt “tử thần” là 2 mô hình hoàn toàn đối lập nhau. Một giao cắt “vàng” chỉ báo thị trường tăng giá dài hạn đang diễn ra, trong khi điểm giao “tử thần” báo hiệu xu hướng giảm dài hạn. Cả hai đều là những chỉ báo xác nhận một xu hướng dài hạn sẽ xảy ra, thông qua sự xuất hiện của điểm giao cắt giữa đường MA ngắn hạn và đường MA dài hạn.

Giao cắt “vàng” xảy ra khi đường MA ngắn hạn cắt lên trên đường MA dài hạn. Hiện tượng này được các nhà phân tích và nhà giao dịch xem như báo hiệu một xu hướng đi lên chắc chắn của thị trường. Ngược lại, một sự giao nhau của hai đường MA theo hướng ngược lại tạo thành điểm cắt “tử thần” và được xem như chỉ báo cho một sự suy thoái của thị trường. Tín hiệu giao cắt này chính xác hơn khi đi kèm với khối lượng giao dịch lớn.

Sau khi sự giao nhau xảy ra, đường MA dài hạn được coi là mức hỗ trợ chính (trong trường hợp giao cắt “vàng”) hoặc mức kháng cự (trong trường hợp giao cắt “tử thần”) cho thị trường. Cả hai tín hiệu giao nhau này đều được sử dụng như một tín hiệu thay đổi xu hướng, nhưng chúng cũng được sử dụng để xác nhận rõ hơn về sự thay đổi trong xu hướng đã diễn ra.

Hạn chế của chỉ báo điểm giao cắt “vàng”

Tất cả các chỉ báo đều có độ trễ và không chỉ báo nào có thể dự đoán được chính xác tương lai. Đã có nhiều lần mà tín hiệu giao cắt “vàng” đưa ra các tín hiệu sai. Mặc dù được xem là một công cụ hiệu quả cho việc dự báo các xu hướng tăng giá lớn, chỉ báo điểm cắt “vàng” cũng thường xuyên không dự báo được sự thay đổi xu hướng sắp diễn ra. Do đó, nhà đầu tư cần xác nhận chỉ báo giao cắt “vàng” với các tín hiệu và chỉ báo khác trước khi thực hiện giao dịch.

Ngoài việc tham khảo các chỉ báo hỗ trợ, một yếu tố them chốt để sử dụng điểm cắt “vàng” một cách chính xác là luôn sử dụng các tham số và tỷ lệ rủi ro thích hợp. Nhà đầu tư cần duy trì tỷ lệ lợi nhuận: rủi ro và lựa chọn thời điểm giao dịch thích hợp hơn là chỉ chạy theo giao cắt một cách mù quáng.

Bitcoin Golden Cross “Là chính thức” Theo Người quản lý vốn – VietNam Coin  Cap

Làm cách nào để xác định một giao cắt “vàng” trên biểu đồ?

Giao cắt “vàng” xảy ra khi đường trung MA ngắn hạn cắt lên trên đường trung MA dài hạn. Đây là hiện tượng được các nhà phân tích và nhà giao dịch xem như báo hiệu cho một xu hướng tăng giá của thị trường. Một số nhà phân sử dụng sự giao nhau của 2 đường MA 100 với đường MA 50 để xác nhận sự xuất hiện của giao cắt “vàng”; trong khi một số khác lại sử dụng giao cắt của đường MA 200 với đường MA 50. Về cơ bản, giao cắt “vàng” xảy ra khi các xu hướng trung bình ngắn hạn tăng nhanh hơn trung bình dài hạn, cho đến khi chúng cắt nhau.

Giao cắt “vàng” thể hiện điều gì?

Một giao cắt “vàng” đưa ra tín hiệu về xu hướng tăng của thị trường trong tương lai. Chỉ báo này ngược lại với giao cắt “tử thần”, khi đường MA dài hạn cắt xuống dưới đường MA ngắn hạn.

Chỉ báo giao cắt “vàng” có đáng tin cậy không?

Là một chỉ báo có độ trễ, giao cắt “vàng” chỉ được xác định sau khi thị trường đã tăng, điều này khiến nó có vẻ đáng tin cậy. Tuy nhiên, do là một chỉ báo có độ trễ, rất khó để biết khi nào chỉ báo đưa ra tín hiệu sai cho đến sau khi thực tế xảy ra. Các nhà giao dịch thường sử dụng giao cắt “vàng” để xác nhận xu hướng hoặc kết hợp với các chỉ báo khác.

Quang Minh - Theo investopedia.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến