Sinh ra và lớn lên trong thời đại bùng nổ Internet, thiết bị di động kết nối toàn cầu, Gen Z (những người sinh năm 1996-2010) có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin đa dạng. Họ thích nhận những lời khuyên tài chính từ mạng xã hội hơn cố vấn tài chính. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học tài chính cảnh báo rằng những lời khuyên mà Gen Z nhận được “có thể hoàn toàn không phù hợp”.
Nếu những bài đăng mới nhất trên Instagram của bạn bè bạn từ Maldives hay Bali khiến bạn cảm thấy chạnh lòng về tình hình tài chính của mình, thì bạn không hề đơn độc. Gần một nửa số người dùng mạng xã hội là Gen Z đã chia sẻ rằng họ cảm thấy “bỗng dưng muốn khóc” khi xem các bài đăng của người khác, theo một cuộc khảo sát gần đây của Bankrate.
46% Gen Z trong cuộc khảo sát này thừa nhận đã đăng những thứ để khiến bản thân trở nên thành công hơn trong mắt người theo dõi họ. Nhà phân tích Sarah Foster của Bankrate cho rằng: “Những con số đó có khả năng cao hơn”. Bà Foster chỉ ra 62% người tham gia khảo sát nghĩ rằng những người mà họ theo dõi đã “làm màu” như vậy.
Đối với những người bạn biết ngoài đời thực, bạn có thể dễ dàng kiểm chứng được cuộc sống của họ trên mạng xã hội khác với cuộc sống thực tế như thế nào. Nhưng khi nói về những người có ảnh hưởng, bạn sẽ khó có cơ hội phát hiện ra điều đó. Hơn nữa, nhiều người trong số họ đang trở thành những “nhà tư vấn tài chính” trực tuyến, thu hút lượt xem “khủng” của giới trẻ.
Theo một cuộc khảo sát từ công ty tiếp thị Vericast, các nhà đầu tư Gen Z cho biết họ có nhiều khả năng nhận được lời khuyên tài chính từ TikTok (34%) và YouTube (33%) hơn là một cố vấn tài chính (24%).
Brad Klontz, một nhà lập kế hoạch tài chính và là giáo sư tâm lý tài chính tại Đại học Creighton (Mỹ) cho rằng, nếu bạn làm theo lời khuyên về tiền bạc mà bạn tìm thấy trên mạng xã hội, bạn có thể gặp rắc rối lớn.
“Những người trẻ đang lắng nghe những lời khuyên tài chính có thể hoàn toàn không phù hợp” - ông Klontz cảnh báo.
Sau đây là phần phân tích chi tiết của các chuyên gia về những lời khuyên và bài học trên mạng xã hội, khi nào bạn không nên tin và khi nào nên tin vào chúng.
Mọi người đều biết, ở một mức độ nào đó, những gì bạn đang thấy về cuộc sống của người khác trên mạng không phải là điều có thực. Nhà phân tích Sarah Foster chia sẻ: “Tôi thích coi mạng xã hội như một cuốn sổ lưu niệm chứa đầy những phần tốt đẹp nhất trong cuộc sống của mọi người. Điều đó có thể dẫn đến việc bạn so sánh bản thân mình với một bức chân dung không thực tế về cuộc sống của người khác.”
Nhà lập kế hoạch tài chính Brad Klontz cho rằng khi một ai đó mà bạn ngưỡng mộ nói chuyện với bạn qua màn hình, “một điều gì đó thực sự kỳ lạ sẽ xảy ra”. Hiện tượng đó được gọi là “tương tác xã hội”.
“Nếu tôi nhìn vào mắt bạn, nghe bạn nói và bạn đang nhìn vào mắt tôi, điều đó tạo ra một sự kết nối thân mật và cảm giác tin cậy sâu sắc” - Klontz nhấn mạnh. “Đó là cách bộ não của chúng ta được kết nối. Đối với 99,9% lịch sử loài người, nếu bạn giao tiếp bằng mắt, điều đó thể hiện sự thân mật. Khi bạn nhìn vào mắt của một người qua màn hình, bộ não của bạn không biết đó là một chiều. Nó tạo ra một mối quan hệ đánh lừa.”
Kết hợp cảm giác tin tưởng đó với cảm giác không đủ về tiền bạc, có thể tạo ra một tình huống mà mọi người sẵn sàng từ bỏ sự hoài nghi của họ đối với những lời khuyên mà họ thấy trên mạng xã hội, Sarah Foster phân tích.
Bạn có thể thấy điều đó trong thời kỳ hiện tượng “meme stock” (chứng khoán meme). Năm qua, cụm từ “meme stock” đã trở nên phổ biến trong giới đầu tư chứng khoán toàn cầu, ám chỉ các cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội, không liên quan gì tới hoạt động kinh doanh. Một số nhà đầu tư đăng những khoản lợi nhuận khổng lồ và những người khác có thể đã không ngừng trăn trở về những gì họ thấy trên mạng xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, bạn hãy tiếp cận bất kỳ lời khuyên nào bạn tìm thấy trên mạng với đôi mắt phê phán. Bà Foster khuyến cáo một điều rằng ai đó tự cho là mình thành công hoặc am hiểu về tài chính có thể không cho bạn biết toàn bộ câu chuyện.
“Bạn có thể đã thấy mọi người đi nghỉ vào mùa hè này, nhưng bạn không biết liệu có ai đó đang chìm trong nợ nần để trả cho những chuyến đi đó hay không. Việc bạn nhận ra rằng mình không biết toàn bộ câu chuyện thực sự rất quan trọng.” - bà Foster nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, lời khuyên về tài chính hiếm khi nào phù hợp với tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao bạn sẽ không tìm thấy nhiều cố vấn tài chính đưa ra những lời khuyên trên mạng xã hội.
“Bạn thấy những bài đăng trên mạng xã hội khuyên bạn nên mua cổ phiếu nào. Nhưng có những lý do để một chuyên gia không làm như vậy. Nếu tôi đưa ra lời khuyên đó, rồi có thể ngày mai tôi đổi ý, thì bạn sẽ như thế nào? Tôi thậm chí không biết liệu bạn có nên mua cổ phiếu đó không nữa.” – Klontz đưa ra ví dụ.
Khi bạn thấy những lời khuyên tài chính hấp dẫn trên mạng xã hội, hãy tự hỏi bản thân xem liệu chiến lược này có phù hợp với kế hoạch tài chính của bạn hay không. Ví dụ, nếu ai đó đang bán cổ phiếu hoặc giao dịch tiền điện tử nhằm kiếm lợi nhuận nhanh chóng, điều đó có thể không ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của bạn cho các mục tiêu dài hạn, chẳng hạn như nghỉ hưu.
Nếu một ý tưởng vẫn có vẻ phù hợp với mục tiêu của bạn, hãy bắt đầu thực hiện những nghiên cứu bổ sung. “Hãy kiểm tra người đang đưa ra lời khuyên này. Nền tảng của họ như thế nào? Thành tích, khả năng của họ là gì?” - Klontz gợi ý.
Hãy cảnh giác với bất kỳ ai cố bán cho bạn thứ gì đó bằng cách khoe mẽ tài sản của họ, những chiếc xe hơi đắt tiền, những kỳ nghỉ sang chảnh… Klontz cho rằng: “Đây là một trò bán hàng cũ rích. Những người này đang trở nên giàu có, nhưng không phải từ giao dịch hàng ngày mà từ việc bán cho bạn một khóa học. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người càng có nhiều tiền càng khiêm tốn. Ngược lại, những người luôn phô trương sự giàu có xa hoa lại đang cố gắng thao túng bạn. Đơn giản và dễ hiểu thế thôi!”
Yến Anh-Theo cnbc