logo
Theo dõi investo trên google news

thứ tư, 20/07/2022

Làm thế nào để tranh luận với sếp mà không phải “nhảy việc”

Theo thống kê, có tới gần một nửa những cuộc giao tiếp của chúng ta với người khác có thể liệt vào hàng tranh luận. Việc bày tỏ ý kiến không đồng ý một cách công khai theo hướng mang tính xây dựng và không hạ thấp đối phương vốn chẳng dễ dàng. Tuy nhiên, nếu đối phương là vị sếp quyền lực của bạn, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

investo - taichinh - 22719

Trên thực tế, hầu như chẳng có ai tránh được những cuộc tranh luận, trừ khi đó là các “bậc thánh nhân”. Tranh luận là nghệ thuật và người tranh luận thành công cũng là nghệ sỹ. Vì vậy, bạn cần phải nắm được nghệ thuật tranh luận để có thể bày tỏ được quan điểm của mình mà không khiến sếp phật ý.

Dưới đây là những điều bạn cần biết để “tay đôi” sếp mà không bị mất việc.

  1. Cân nhắc kỹ càng thời gian, địa điểm

Đôi khi quan trọng không chỉ là những gì bạn nói, mà còn là thời gianđịa điểm bạn nói. Đây là điều bạn phải suy nghĩ nghiêm túc trước khi bắt đầu một cuộc tranh luận với sếp.

Bạn có đang tham gia một cuộc họp nhóm, nơi mọi người chia sẻ các đề xuất và ý tưởng với người quản lý của bạn không? Đó có thể là một cơ hội hoàn hảo để bạn lên tiếng mà không có vẻ hung hăng, trịch thượng hay buộc tội. Sếp của bạn có cảm thấy xấu hổ hoặc khó chịu nếu bạn nói lên ý tưởng của mình trong một nhóm lớn không? Sau đó, tốt hơn hết bạn nên thiết lập một cuộc họp riêng, một đối một để trình bày quan điểm.

Khi nào và ở đâu bạn chọn để chia sẻ ý kiến của mình có thể chỉ là một sự cân nhắc nhỏ. Tuy nhiên, điều này có thể tạo nên một thế giới khác biệt trong cách sếp phản ứng với sự bất đồng của bạn.

  1. Khởi đầu tích cực

Có thể bạn là một người không thích né tránh mà đề cao những cuộc tranh luận trực diện. Tuy nhiên, khi tiếp cận với người có thẩm quyền, người có thể sẽ không đánh giá cao bản chất thẳng thắn của bạn, bạn cần phải cẩn thận.

Hãy chắc chắn rằng bạn không đồng ý vì lý do chính đáng, đó có thể là một ý tưởng mà bạn thực sự hứng thú hay một phần của quá trình đang hoạt động khác tốt.

Bất cứ điều gì bạn có thể nghĩ đến - bắt đầu cuộc tranh luận với sếp bằng một lời khen luôn có ích. Nghe có vẻ hơi thảo mai nhỉ? Nhưng điều đó sẽ tốt hơn là xông thẳng vào phòng của sếp, chỉ tay và hét lớn: “Đây là ý tưởng tồi tệ nhất tôi từng nghe!”. Hãy tin tôi đi, điều đó sẽ chẳng mang lại một kết thúc tốt đẹp nào cho bạn đâu.

  1. Đặt câu hỏi

Sếp của bạn là người chịu trách nhiệm - vì vậy, họ sẽ không phản hồi tích cực nếu như bạn hành xử như thể bạn là người nên đưa ra những lời chỉ trích hay hướng dẫn. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Đặt câu hỏi cho sếp là một cách tuyệt vời để bạn có thể chứng tỏ rằng bản thân đang muốn thúc đẩy một cuộc thảo luận hợp tác, thay vì lao vào đưa ra các yêu cầu.

20220718_investo_phitaichinh_Yen Anh_ Lam the nao de tranh luan voi sep_2.png

Ví dụ, bạn có thể nói điều gì đó như: “Tôi thực sự thích ý tưởng của anh về việc tổ chức cuộc họp nhóm hàng tuần để mọi người cùng hiểu vấn đề. Tuy nhiên, tôi nghĩ tổ chức vào thứ Tư sẽ thuận lợi hơn thứ Hai. Anh nghĩ thế nào?”

Câu hỏi đó sẽ mời gọi sếp của bạn chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của họ với bạn – nghĩa là cuộc trò chuyện sẽ không mang tính quyết liệt hoặc phiến diện. Các câu hỏi đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra ý kiến của bạn về một đề xuất hoặc yêu cầu, hơn là một mệnh lệnh cứng nhắc. Cách tiếp cận này nghe có vẻ hơi thiếu quyết đoán, nhưng nó thực sự rất hiệu quả khi bạn đối phó với sếp của mình.

  1. Tập trung vào kết quả

Hãy đặt mình vào vị trí của sếp. Biết được tính cách của sếp sẽ giúp bạn truyền đạt nội dung tranh luận hiệu quả hơn. Đừng quên, bất kỳ một vị sếp tuyệt vời nào cũng sẽ quan tâm đến sự thành công của công ty hơn cái tôi của chính mình.

Vì vậy, nếu bạn có thể phác thảo đầy đủ các kết quả tích cực của quan điểm hoặc ý tưởng của mình, bạn đang tiến gần hơn một bước trong việc thu hút sự chú ý của sếp về phía mình. Có thể sử dụng lại ngay ví dụ về cuộc họp nhóm ở trên để chứng minh điều này.

“Tôi thực sự thích ý tưởng của anh về việc tổ chức cuộc họp nhóm hàng tuần để mọi người cùng hiểu vấn đề. Tuy nhiên, tôi nghĩ tổ chức vào thứ Tư sẽ thuận lợi hơn thứ Hai, vì mọi người sẽ có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng từ cuối tuần - nghĩa là cuộc họp của chúng ta sẽ hiệu quả hơn. Anh nghĩ thế nào?”

Bạn đã thấy hiệu quả chưa? Nó cho thấy bạn chỉ đang cố gắng đề xuất một sự thay đổi tích cực cho công ty và đồng nghiệp - chứ không phải bạn đang “đấu trí” với sếp.

20220718_investo_phitaichinh_Yen Anh_ Lam the nao de tranh luan voi sep_3.png

  1. Tôn trọng quyết định cuối cùng

Điều quan trọng nhất bạn nên nhớ, sếp là người có tiếng nói cuối cùng. Nếu sếp xem xét ý kiến của bạn và vẫn tiếp tục với kế hoạch mà bạn không đồng ý? Bạn vẫn cần phải tôn trọng điều đó.

Sẽ có những người vẫn khư khư giữ quan điểm và liên tục nhấn mạnh với sếp rằng ý tưởng của họ là đúng đắn, cần phải thực hiện. Nhưng nếu bạn giữ thái độ bảo thủ hoặc công kích quan điểm của sếp thì sẽ không mang lại lợi ích gì cho bạn đâu. Trên thực tế, đó là cách nhanh nhất khiến bạn phải cầm tờ quyết định sa thải.

Ngay cả khi mọi thứ không theo ý bạn, bạn hãy tôn trọng quyết định của sếp, để những bất đồng đi qua và bạn sẽ tiếp tục nỗ lực hơn.

Yến Anh - Theo themuse.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến