Một kỳ vọng hoàn toàn tự nhiên là những chuyển động trên thị trường chứng khoán của một quốc gia sẽ có tương quan chặt chẽ với tình hình nền kinh tế của quốc gia đó. Nhưng trên thực tế, mọi thứ không đơn giản như vậy. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về mối tương quan này – và xem nó có ý nghĩa gì đối với nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra hoạt động mua và bán cổ phiếu. Mỗi thị trường chứng khoán có một chỉ số: một nhóm cổ phiếu được lựa chọn để đại diện cho hiệu suất tổng thể của thị trường đó. Ví dụ: trong tin tức, bạn sẽ thường được đọc về S&P 500. Đây là chỉ số bao gồm 500 công ty lớn giao dịch trên các sàn chứng khoán của Mỹ. Hiệu suất của các công ty này được coi là đại diện cho toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ. Nhiều công ty trong số này hoạt động trên quy mô toàn cầu.
Nền kinh tế là tổng thể tất cả hoạt động tạo ra tiền và chi tiêu tiền trong một khu vực hoặc quốc gia. Trong tin tức, nền kinh tế thường được đo lường và theo dõi thông qua những thay đổi trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tỷ lệ việc làm, thị trường nhà ở, niềm tin của người tiêu dùng và chi tiêu là những thước đo khác để đánh giá sức mạnh của nền kinh tế.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): giá trị bằng tiền của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong một quốc gia trong một khoảng thời gian cụ thể.
Chưa bao giờ có một mối quan hệ nhất quán giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Mặc dù có xu hướng di chuyển không chặt chẽ theo cùng một hướng trong dài hạn, thị trường chứng khoán và nền kinh tế thường có biến động mạnh theo những hướng khác nhau – đặc biệt là trong những khoảng thời gian ngắn hơn. Có một số lý do giải thích cho mối quan hệ phân kỳ trong ngắn hạn này. Ví dụ:
Thị trường chứng khoán là một cơ chế nhìn về tương lai. Mức giá bạn sẵn sàng trả cho một cổ phiếu ngày hôm nay được xác định dựa trên mức độ kỳ vọng của bạn và các nhà đầu tư khác đối với hoạt động của công ty trong tương lai. Trong khi đó, một số dữ liệu kinh tế lại nhìn về những gì đã xảy ra. Ví dụ, tỷ lệ lao động cho biết có bao nhiêu người đã chủ động làm việc. Chỉ số này có xu hướng chậm trễ so với nền kinh tế rộng lớn hơn bởi vì các doanh nghiệp thường phản ứng với việc nền kinh tế đang đi xuống khi họ đưa ra các quyết định tuyển dụng và sa thải. Bản chất hướng tới tương lai của thị trường chứng khoán có nghĩa là chuyển động của nó thường đi trước chu kỳ kinh tế.
Chúng ta thấy mối quan hệ giữa nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng quốc gia. Ở một mức độ nhất định, điều này là do thị trường chứng khoán của mỗi quốc gia lại được cấu thành khác nhau. Ví dụ, hãy xem xét các điểm đặc trưng của hai thị trường chứng khoán Canada và Mỹ. Chúng có một sự khác biệt lớn đáng kể về tỷ trọng giữa các lĩnh vực có tính chu kỳ và phản chu kỳ.
Các lĩnh vực có tính chu kỳ là những lĩnh vực có nhiều khả năng di chuyển cùng hướng với nền kinh tế. Khi nền kinh tế đang vận hành tốt và người tiêu dùng đang chi tiền, giá cổ phiếu trong các lĩnh vực có tính chu kỳ sẽ tăng lên. Khi nền kinh tế vận hành không tốt, giá trị của các cổ phiếu này sẽ giảm xuống. Ví dụ điển hình cho các lĩnh vực này là năng lượng và hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Ngược lại, các lĩnh vực phản chu kỳ thường bao gồm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà mọi người cần sử dụng ngay cả khi tiền bạc eo hẹp. Cổ phiếu thuộc những lĩnh vực này có hiệu suất tốt trong thời kỳ suy thoái kinh tế vì nhu cầu vẫn tiếp tục được duy trì đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu bất kể nền kinh tế đang vận hành như thế nào. Một số ví dụ về các lĩnh vực phản chu kỳ là lĩnh vực tiện ích (điện, nước) và hàng tiêu dùng thiết yếu.
Các tin tức kinh tế có thể tốt hoặc xấu. Tuy nhiên, yếu tố có ảnh hưởng lớn hơn đến thị trường chứng khoán là việc tin tức đó tốt hơn hay xấu hơn những gì nhà đầu tư kỳ vọng. Hãy xem xét các tình huống sau:
Khi tin tức kinh tế được công bố tồi tệ hơn nhiều so với kỳ vọng, một số nhà đầu tư sẽ phản ứng bằng cách thoát khỏi thị trường và tìm kiếm sự an toàn trong tiền mặt. Nhưng lịch sử cho thấy chiến lược này thường dẫn đến những cơ hội bị bỏ lỡ. Cổ phiếu thường rẻ hơn khi nền kinh tế có vẻ khó khăn – mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư sẵn sàng nhìn về tương lai. Những quyết định này tốt nhất nên được thực hiện trong bối cảnh của một kế hoạch tài chính được thiết kế cẩn thận.
Là một nhà đầu tư, hiểu được động lực của mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán với nền kinh tế có thể giúp bạn tiêu hóa các tin tức kinh tế và tập trung vào dài hạn. Đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn trên các loại tài sản khác nhau có thể giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến những thăng trầm của các chu kỳ kinh tế và thị trường. Chiến lược này có thể giúp bạn điều hướng các điều kiện thị trường dễ dàng hơn – và giúp bạn tránh được những sai lầm phổ biến mà các nhà đầu tư hay mắc phải.
Huân Hà - Theo inspiredinvestor.com