logo
Theo dõi investo trên google news

thứ bảy, 24/12/2022

Những lời khuyên giúp giữ hòa khí với sếp và thăng tiến trong sự nghiệp

Bạn và sếp không hòa thuận? Điều đó có thể cản trở bạn trong công việc và sự nghiệp nói chung. Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn xoay chuyển tình thế, tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Việc bạn không hòa thuận với sếp khác với việc có mối quan hệ lạnh nhạt với đồng nghiệp. Sếp nắm trong tay tương lai nghề nghiệp của bạn và họ có quyền lực đối với sự phát triển của bạn ở vị trí hiện tại. Họ thậm chí có thể chịu trách nhiệm quyết định xem bạn có được tăng lương hay không. Bạn nên nỗ lực để đảm bảo mối quan hệ với sếp thân thiện nhất có thể. 

Nếu bạn muốn thăng tiến trong sự nghiệp, bạn không thể chỉ làm hết sức mình và mong đợi kết quả tuyệt vời. Chỉ hoàn thành các nhiệm vụ bạn được giao là không đủ. Thay vào đó, chứng tỏ bản thân có thể làm việc theo nhóm và rằng bạn là một nhân viên có giá trị. Bạn nên ở bên cạnh những người phù hợp và cùng họ xây dựng các mối quan hệ để tiến tới mục tiêu của mình. 

Một số nguyên tắc cơ bản để thành công ở bất kỳ nơi làm việc nào bao gồm ăn mặc phù hợp, làm tốt công việc của bạn và sau đó, có một điều mà rất nhiều người trong chúng ta bỏ qua: hòa thuận với các lãnh đạo trong văn phòng, đặc biệt là người quản lý trực tiếp của bạn. 

Đó không chỉ là vấn đề thành công và thăng tiến. Có mối quan hệ tốt hơn với cấp trên có thể giúp bạn cảm thấy hài lòng hơn với công việc của mình, bớt căng thẳng hơn và khiến bạn mong muốn được đi làm.

 

Vậy làm thế nào để hòa thuận với sếp của bạn ?

Nhà tâm lý học Liane Davey, tác giả của bài báo “Phải làm gì nếu sếp của bạn không thích bạn” trên trang Harvard Business Review, đã giải thích tầm quan trọng của việc cải thiện mối quan hệ này, đặc biệt là khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mối quan hệ của bạn với sếp có thể là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống nghề nghiệp của bạn.  

  1. Thể hiện năng lực của bạn

Theo bà Davey, một trong những lý do chính khiến bạn không hòa thuận với sếp là họ không tin tưởng bạn. Điều này sẽ khiến họ chỉ giao cho bạn những nhiệm vụ nhỏ mà không mang lại cơ hội phát triển hoặc chứng minh giá trị mà bạn mang lại trong công việc.  

Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải làm việc chăm chỉ và làm công việc của bạn một cách chính xác. Nhưng bạn cũng cần học cách giao tiếp, tìm hiểu những gì bạn được kỳ vọng và những gì sếp của bạn đang tìm kiếm ở một nhân viên. Theo thời gian, bạn sẽ hình thành một ý tưởng tốt hơn về cách bạn có thể lấy được lòng tin của họ.  

Chuyên gia Davey khuyên bạn nên đặt các câu hỏi, vì điều này sẽ chứng minh thêm cho sếp của bạn rằng bạn chú ý và quan tâm đến việc cải thiện chất lượng công việc. 

  1. Thừa nhận và điều chỉnh

Một điểm quan trọng khác là thừa nhận sai lầm của bạn khi chúng được chỉ ra, nhưng bạn không nên dừng lại ở đó. Tiếp tục cố gắng hơn nữa và đề xuất những phương án mà bạn có thể cải thiện, đây là cách để chứng minh rằng bạn hiểu rõ sai lầm đã mắc phải và bạn đang suy nghĩ để sửa chữa điều đó trong tương lai. 

Thừa nhận sai lầm của mình cho thấy rằng bạn biết điều gì đã sai và xin lỗi là một dấu hiệu của sự khiêm tốn. Cái tôi của bạn đang được thử thách và bạn đã cho mọi người thấy rằng thất bại sẽ không hủy hoại bạn. Bạn sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết, hợp lý, để tiến về phía trước.

  1. Phát huy điểm mạnh

Phát huy điểm mạnh sẽ chứng tỏ bạn được tuyển dụng là có lý do. Ai đó đã nhận thấy điều gì đó ở bạn mà họ biết có thể có giá trị cho công ty. Tuy nhiên, không ai là hoàn hảo và luôn có những thiếu sót cần cải thiện. Một cách tốt để cải thiện mối quan hệ của bạn với sếp là thể hiện rằng bạn sẵn sàng làm việc với những người khác để tìm ra cách giải quyết những điểm yếu đồng thời xây dựng kiến ​​thức chuyên môn trong những lĩnh vực bạn có thế mạnh.

Thực hiện những hành động như vậy sẽ cho thấy rằng bạn quan tâm đến công việc của mình và mang lại kết quả tốt, đồng thời bạn là người dễ làm việc và cởi mở với phản hồi cũng như phê bình mang tính xây dựng. Ngoài ra, bà Davey cho rằng bạn nên tiếp cận với những người đã được sếp tin tưởng và thích bạn.

  1. Thể hiện rằng bạn có thể tin tưởng được

Đừng đến muộn, đừng bỏ dở nhiệm vụ và đừng trở thành kẻ buôn chuyện, không thể giữ bí mật hoặc bảo vệ thông tin nhạy cảm ở văn phòng. Không ai muốn tiếp xúc với những đồng nghiệp tiêu cực như vậy. Thay vào đó, hay trở thành một nhân viên có kỷ luật, sẵn sàng làm mọi thứ vì chất lượng công việc

  1. Trò chuyện với sếp

Bạn sẽ không hòa thuận với sếp của mình nếu họ không biết bạn. Nói cách khác, sếp sẽ chỉ biết bạn nếu bạn giao tiếp với họ và các đồng nghiệp khác. 

Davey cho rằng, một chủ đề tốt để bắt đầu với sếp của bạn là về các vấn đề công việc, nhưng sau đó hãy nhìn xa hơn để tìm ra các lĩnh vực cùng quan tâm có thể giúp tạo ra mối liên hệ sâu sắc hơn giữa con người với nhau. Bạn sẽ cần chú ý đến những gì sếp của bạn thích ngoài công việc, những cuộc trò chuyện mà họ thích nhất và những chủ đề thu hút họ.

Yến Anh-Theo gqindia

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến