logo
1170x90_banner.gif
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 13/03/2023

“Vũ khí” sắc bén tạo nên thành công của “Vua dầu mỏ” John D. Rockefeller

John D. Rockefeller luôn được nhắc đến với tư cách ông ''vua dầu mỏ'', vị tỷ phú giàu nhất mọi thời đại của nước Mỹ. Ông là nhà tư bản bậc nhất trong các nhà tư bản, một nhà thuần tư bản đã định hình nên nền kinh tế Mỹ.

“Vũ khí” sắc bén tạo nên thành công của “Vua dầu mỏ” John D. Rockefeller

Dưới đây là một số bí quyết giúp Rockefeller cách mạng hóa nền công nghiệp dầu mỏ và trở nên nổi tiếng với sự giàu có. Bạn cũng có thể tham khảo chúng trên hành trình hiện thức hóa mục tiêu thành công của mình.

Khả năng khơi dậy lòng tin

Trong suốt sự nghiệp kinh doanh phi thường của mình, Rockefeller luôn nhấn mạnh ý nghĩa của việc có đủ vốn để thực hiện tất cả công việc kinh doanh mà ông muốn làm và có thể làm, với số tiền cần thiết. Vì thế, Rockefeller gọi "tài sản" quý giá nhất của mình là khả năng chiếm được lòng tin của các ngân hàng và các nhà đầu tư.

Tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ thừa nhận: "Chính sự tự tin và khả năng khơi dậy lòng tin của mọi người đã giúp tôi đạt được thành công trong cuộc sống".

Rockefeller cho biết, xây dựng lòng tin bằng cách tin tưởng người khác và nhận lại sự tin tưởng của họ là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất để thành công trong thế giới kinh doanh. Một người không tin tưởng người khác sẽ thường khó lấy được lòng tin và ngược lại.

Ron Chernow - người viết tiểu sử của Rockefeller nhấn mạnh: "Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, John D. Rockefeller từng có lúc mắc phải lỗi lầm nhưng ông ấy tự hào vì đã trả nợ đúng hạn và tuân thủ nghiêm ngặt các hợp đồng".

Cũng có thời điểm việc kinh doanh của Rockefeller rơi vào khó khăn, tuy nhiên ông luôn nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng vay vốn. Một lần, nhà máy lọc dầu của Rockefeller bị cháy, một giám đốc ngân hàng đã không ngần ngại chuyển tiền cho ông nhằm tạo điều kiện khôi phục nhà máy, thậm chí còn đề nghị gửi thêm tiền nếu cần.

Trung thực trong suy nghĩ và hành động

Rockefeller cho rằng cách tốt nhất để giành được lòng tin của người khác là thông qua hành động và suy nghĩ theo cách truyền cảm hứng để họ tin tưởng. Các đối tác kinh doanh tiềm năng thường có thể nhận ra ai là người chân thành với mình. Rockefeller không bao giờ làm sai số liệu hoặc sử dụng các từ ngữ mơ hồ để thay đổi sự thật.

Tất nhiên, lịch sử kinh doanh đã chứng kiến không ít kẻ nói dối và lừa đảo tài tình - những người có kỹ năng che giấu ý định thực sự và chiếm được lòng tin mà họ không xứng đáng. "Siêu lừa" Bernard "Bernie" Madoff là một kẻ đứng sau mô hình lừa đảo kim tự tháp (Ponzi) lớn nhất và tàn khốc nhất trong lịch sử, chiếm đoạt số tiền 65 tỷ USD của hàng chục nghìn nạn nhân trên toàn thế giới. Madoff đã đi từ đỉnh cao danh vọng - một nhà tài phiệt đầy quyền lực tại phố Wall - xuống thành một kẻ tội phạm bị căm ghét cùng cực, phải dành quãng đời còn lại trong nhà tù ở Bắc Carolina. May mắn thay, rất hiếm người có khả năng nói dối và gian lận như Madoff.

Còn đối với đại đa số, sự thật đơn giản là: Một người càng đáng tin cậy trong thái độ và hành động đối với người khác thì càng nhận được nhiều sự tin tưởng hơn. Hầu hết mọi người đều có khả năng cảm nhận xem ai đó có chân thành hay không.

“Vũ khí” sắc bén tạo nên thành công của “Vua dầu mỏ” John D. Rockefeller

Theo dõi chặt chẽ tài chính công ty

Ron Chernow viết rằng, phong cách lãnh đạo của Rockefeller là “tầm nhìn xa” và ông chỉ dựa vào những con số để đánh giá liệu công ty có đi đúng hướng hay không.

Rockefeller có một cuốn sổ riêng, trong đó ghi lại tất cả các số liệu tài chính của công ty, cập nhật từng ngày và chính xác đến số thập phân cuối cùng. Bằng cách đó, ông trùm dầu mỏ có thể tạo ra một “thước đo khách quan”, giúp ông so sánh hiệu quả các hoạt động và tự đưa ra đánh giá thay vì dựa vào báo cáo chủ quan của cấp dưới.

Luôn hướng tới sự hoàn hảo

Rockefeller là một người vô cùng cầu toàn, ông từ chối làm bất cứ điều gì nếu chưa được nghiên cứu và xem xét một cách kỹ lưỡng. Trong suốt quá trình điều hành Standard Oil, Rockefeller đã viết tay hàng trăm nghìn bức thư kinh doanh. Những bức thư của ông thể hiện sự kỹ tính, yêu cầu hoàn hảo tới mức khó tin.

Một phụ tá thân cận của Rockefeller cho biết, ông nắn nót từng chữ ký với độ tập trung cao, sự chính xác tuyệt đối như thể đó là một tác phẩm nghệ thuật. Tính cách luôn hướng tới sự hoàn hảo của Rockefeller đã lan tỏa khắp công ty và biến nó thành một nét văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời.

Những cuộc cạnh tranh tích cực

Rockefeller cho rằng, nếu một doanh nghiệp mà không có sự cạnh tranh thì sẽ sớm trở nên tụt hậu, do đó ông đã thành lập một ủy ban bao gồm nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau để thiết lập một tiêu chuẩn hoạt động cho tất cả các công ty con của Standard Oil.

Rockefeller khuyến khích các công ty con cạnh tranh để đạt được những con số hiệu suất lý tưởng cho doanh nghiệp, để nhận được các giải thưởng có tính chất vinh danh trong khi các nhà lãnh đạo vẫn được trao đổi với nhau các thông tin chi tiết. Các kích thích về việc dẫn đầu sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh tích cực và những thành quả cho mỗi cá nhân.

“Vũ khí” sắc bén tạo nên thành công của “Vua dầu mỏ” John D. Rockefeller

Tôn trọng nhân viên

Ông trùm dầu mỏ cho phép nhân viên tự chủ trong công việc, rất lịch sự và dễ tính với nhân viên cấp thấp, không giận dữ khi tiếp nhận chỉ trích và vẫn điềm tĩnh ngay cả trong những tình huống cấp bách.

Mặc dù ông hiếm khi khen ngợi nhân viên nhưng lại thoải mái cho nhân viên sự độc lập và tự do quyết định khi ông nhận thấy họ đáng tin cậy. Vì điều này, các nhân viên của Rockefeller có xu hướng tôn kính ông và luôn cố gắng hết sức mình để làm hài lòng ông.

Dành thời gian để nghỉ ngơi

Rockefeller không thích bản thân chỉ gắn với công việc. Thậm chí, ông từng viết trong hồi ký rằng: “Tôi không biết có gì đáng khinh và thảm hại hơn một người đàn ông dành tất cả thời gian chỉ vì mục đích kiếm tiền”.

Thực tế, Rockefeller tỏ ra rất nhàn nhã trong công việc. Ông nghỉ trưa đầy đủ và gà gật trên chiếc ghế dài sau bữa tối. Hồi những năm 30, ông cho lắp đặt một đường dây điện báo giữa nhà và công ty để có thể dành 3 - 4 buổi chiều ở nhà làm vườn, tản bộ… Nhờ những quãng thời gian rảnh rỗi đó, tỷ phú có thể tự tăng tốc và cải thiện năng suất làm việc của mình.

Yến Anh

 

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

Xem Nhiều