Các thành viên Quốc hội Mỹ sở hữu cổ phiếu có thể sẽ phải đối mặt với tình huống khó xử về đạo đức, khi họ định hướng các luật có thể gây tổn hại (hoặc giúp ích) - cho danh mục đầu tư của họ. Thượng nghị sĩ Georgia David Perdue và Kelly Loeffler là những người hiểu rõ nhất điều này.
Sự giám sát kỹ lưỡng gần đây đã buộc vấn đề giao dịch cổ phiếu của thành viên Quốc hội Mỹ bị phơi bày ra ánh sáng.
Rõ ràng khả năng xảy ra xung đột lợi ích là có thể xảy ra. Các nhà lập pháp nên tập trung vào việc soạn lập những quy định pháp lý có hiệu quả nhất chứ không phải những gì có thể phục vụ tốt nhất cho lợi ích tài chính của họ. Chắc chắn là có một số luật đạt được cả hai điều này, nhưng các cử tri sẽ không phải lo lắng liệu danh mục cổ phiếu của các thành viên Hạ viện của họ có được lợi hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của họ với tư cách là các nhà lập pháp hay không.
Chẳng hạn, một nhà lập pháp sở hữu cổ phiếu tại các ngân hàng lớn của Mỹ có thể có quan điểm khác về việc không điều tiết hoạt động của các ngân hàng, James Cox, giáo sư luật doanh nghiệp và chứng khoán tại Đại học Duke chia sẻ.
“Chúng tôi sẽ rất quan ngại rằng nếu bạn có thể kiếm lời từ các cổ phiếu riêng lẻ, thì một số quyết định của bạn sẽ bị chi phối nếu bạn là một Thượng nghị sỹ.”
Năm 2020 này quả là một năm đầy biến động đối với thị trường chứng khoán. Đây cũng là một trong những lý do khiến các hoạt động giao dịch của các thành viên quốc hội Mỹ thu hút sự chú ý: Các nhà lập pháp đã nhận được thông tin thông qua các cuộc họp về đại dịch vi rút corona trước thị trường tài chính và công chúng, nhờ đó, họ có lợi thế về thông tin.
Cả Loeffler và Perdue đều có mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với khối tư nhân. Họ là các thành viên của Quốc hội. Chồng của Loeffler, Jeffrey Sprecher, là người sáng lập, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Intercontinental Exchange (ICE) và là Chủ tịch của New York Stock Exchange. Perdue, trong khi đó, là cựu Giám đốc điều hành của Dollar General (DG).
Những người chỉ trích giao dịch cổ phiếu của thành viên Quốc hội Mỹ tin rằng các nhà lập pháp phải vượt qua các quy định chặt chẽ hơn để giữ cho các thành viên của Quốc hội không nhúng tay vào các khoản đầu tư bị ảnh hưởng bởi chính luật mà họ soạn thảo.
Giao dịch nội gián của các thành viên Quốc hội là việc sử dụng thông tin không công khai vì lợi ích tài chính của một người nào đó. Hành động này đã bị cấm vào năm 2012 thông qua Đạo luật CỔ PHẦN. Nhưng luật pháp không cấm các thành viên Quốc hội Mỹ mua bán cổ phiếu của các công ty bị ảnh hưởng bởi chính luật mà họ soạn ra.
Theo một nghiên cứu của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phi lợi nhuận Public Citizen, hoạt động giao dịch cổ phiếu của các thành viên Quốc hội Mỹ đã giảm khoảng 2/3 sau năm 2012. Nhưng Craig Holman, nhà vận động hành lang quan hệ với chính phủ cho Public Citizen, cho rằng giao dịch nội gián ở Washington chưa bao giờ dừng lại.
Loeffler và nhiều người khác, trong đó có cả Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein và Richard Burr, đã bị chỉ trích vì loại bỏ cổ phiếu khỏi danh mục đầu tư của họ trước đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán hồi tháng 3. Trên thực tế, đây là nội dung mà các nhà lập pháp đã nhận được thông tin qua các cuộc họp. Theo hồ sơ công bố tài chính của Thượng viện, Loeffler, một đảng viên Đảng Cộng hòa, là thượng nghị sĩ Georgia cấp thấp, và chồng cô đã bán cổ phiếu trong các giao dịch trị giá hàng triệu đô la từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2.
Perdue, thượng nghị sĩ cấp cao từ Georgia, cũng mua, bán cổ phiếu trong thời gian này. Các hoạt động giao dịch của vị thượng nghị sỹ này, cụ thể là Cardlytics (CDLX), một nền tảng quảng cáo tài chính mà ông từng là thành viên hội đồng quản trị, thậm chí còn bị Bộ Tư pháp điều tra nhưng không truy tố.
Văn phòng của Loeffler đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN, nhưng một người phát ngôn chia sẻ với hãng tin Reuters hồi tháng 6 rằng: “Ủy ban Đạo đức Thượng viện đã đưa ra kết luận giống hệt như kết luận của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ: Thượng nghị sĩ Loeffler hoàn toàn không làm gì sai và đã hoàn toàn được gỡ tội.”
Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp (DOJ) của Feinstein cũng bị hủy bỏ, trong khi tình trạng điều tra của Burr vẫn chưa rõ ràng. Văn phòng của Burr đã không phản hồi yêu cầu bình luận.
Theo Cox, ngay cả ngoài việc viết ra luật thực tế, các nhà lập pháp vẫn tìm thấy thông tin có thể phục vụ cho các quyết định đầu tư của họ trong các phiên điều trần hoặc các cuộc thảo luận với đồng nghiệp hoặc các nhà vận động hành lang. Và điều đó làm cho các quyết định giao dịch của họ kém minh bạch hơn, ông nói thêm.
“Vấn đề không đúng ở đây là các thành viên Quốc hội có quyền biết các chính sách công, biết ai sẽ dành được hợp đồng ký kết với chính phủ, biết các giá trị thị trường mà công chúng không có quyền biết.”
Perdue là trường hợp điển hình về sự phức tạp của các vấn đề giao dịch cổ phiếu của các thành viên Quốc hội Mỹ vì khối lượng giao lớn của ông.
Cho đến nay, ông là nhà giao dịch tích cực nhất trong Quốc hội: Một phân tích của trang web Senate Stock Watcher cho thấy rằng trong 5 năm ngồi trên ghế Thượng viện, Perdue đã thực hiện khoảng 2.560 giao dịch. Không có thượng nghị sĩ đang tại nhiệm nào khác “có thành tích gần con số đó” - và một số đã ở Thượng viện lâu hơn.
“Ông ấy có thể là phần nổi của tảng băng, nhưng tảng băng đó đang nhô lên trên mực nước và báo hiệu rằng điều này cần được xem xét rất kỹ.”
John Burke, giám đốc truyền thông của Perdue cho biết ngài thượng nghị sĩ đã “được minh oan một cách nhanh chóng và độc lập [...] về mọi hành vi sai trái” bởi Bộ Tư pháp, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch và Ủy ban Đạo đức Thượng viện.
“Ngài thượng nghị sỹ Perdue không xử lý các quyết định hằng ngày đối với danh mục đầu tư của mình. Tất cả các khoản đầu tư đều do các cố vấn tài chính bên ngoài quản lý. Họ là những người đưa ra những khuyến nghị, thiết lập chiến lược, và quản lý các giao dịch và các vấn đề tài chính cá nhân.”
Tuy nhiên, theo Holman, các giao dịch của Perdue liên quan đến các doanh nghiệp mà ông trực tiếp giám sát từ địa vị mà ông đang đảm nhận. “Đây là vấn đề tương tự như những gì chúng tôi đã chứng kiến trước Đạo luật CỔ PHẦN năm 2012.”
Ví dụ, Perdue là thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ, nơi ông làm trưởng Tiểu ban về Sức mạnh Hải quân. Vào tháng 6/2019, ông đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy ngành Hải quân trong Đạo Luật về Quyền Hạn Quốc Phòng hàng năm cho năm 2020.
Chưa đầy hai tuần sau đó, Perdue đã bán toàn bộ cổ phần của mình tại nhà thầu quốc phòng BWX Technologies (BWXT). Cụ thể, BWX cho biết họ là “nhà sản xuất lò phản ứng hạt nhân hải quân duy nhất cho tàu ngầm và tàu sân bay của Mỹ.” Tổ chức xếp hạng S&P đã viết vào tháng 3 rằng họ kỳ vọng “Công ty này sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu, chủ yếu là do nhu cầu từ Hải quân Hoa Kỳ.”
Theo hồ sơ lưu trữ, Perdue lần đầu mua cổ phiếu BWX hồi cuối năm 2018, trước khi bán hết hồi tháng 7/2019. Trong thời gian đó, cổ phiếu của công ty này đã hồi phục hơn 20%.
Một ví dụ khác là công ty kinh doanh kính và vật liệu Corning (GLW), mà Perdue đã tham gia đầu tư từ năm 2015 đến năm 2020. Giữa lần mua đầu tiên và lần bán cổ phiếu Corning cuối cùng, giá cổ phiếu này tăng khoảng 22%. Khoản đầu tư này mang lại giá trị lợi nhuận khá hời do khoảng thời gian đầu tư có tính đến một trong những tháng tồi tệ nhất trên Phố Wall kể từ năm 2008.
Trong khi đó, Perdue phục vụ trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện, nơi ông ủng hộ Đạo luật Bảo vệ Bí mật Thương mại vào tháng 12/2015. Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Cố vấn Sở hữu Trí tuệ của Corning, ông Thomas R. Beall, đã đưa ra một tuyên bố bằng văn bản ủng hộ dự luật.
Theo Martin Yang, chuyên gia phân tích cao cấp tại Oppenheimer, hiệu suất cổ phiếu Corning trong khoảng thời gian đó hầu như không liên quan đến việc thông qua dự luật Bảo vệ Bí mật Thương mại mà liên quan nhiều hơn đến sự tăng trưởng, mua lại cổ phiếu và đầu tư của công ty.
Theo Cox, điều cốt yếu ở đây là cần phải suy xét lại nội dung của Đạo luật CỔ PHIẾU. Sẽ là một bước đi đúng hướng nếu [các nhà lập pháp] bị cấm giao dịch cổ phiếu riêng lẻ. Nếu họ muốn sở hữu một phần của Mỹ, họ có thể mua một quỹ tương hỗ.
Thu Trang - Theo CNN