logo
IQX_Poster4_1170x250-1.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ năm, 02/02/2023

Chứng khoán Mỹ - 5 điều cần biết trước phiên giao dịch hôm nay 02/02/2023

Sau đây là 5 điều nhà đầu tư cần lưu ý trước giờ mở cửa thị trường chứng khoán Mỹ hôm nay, thứ Năm, ngày 02/02/2023.

1. Tín hiệu khởi sắc

Đúng như dự đoán chung, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất chuẩn thêm 0,25% vào ngày thứ Tư. Nhưng giới đầu tư đã phản ứng đầy hứng khởi với nhận định cho rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có phần ôn hòa hơn. Mặc dù ông nói rằng sẽ vẫn còn “quá sớm” để Fed tuyên bố giành phần thắng trong cuộc chiến lạm phát, nhưng ông Powell cũng cho biết “quá trình hạ nhiệt lạm phát đã bắt đầu”.

Ông cũng nói rằng nền kinh tế Mỹ có thể sắp hạ cánh mềm: “Theo dự đoán của tôi, nền kinh tế sẽ tăng trưởng dương trong năm nay”. Ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều chốt phiên ngày thứ Tư trong sắc xanh.

Giờ đây, trọng tâm chú ý của thị trường sẽ chuyển sang kết quả tài chính của Meta sau báo cáo trong ngày thứ Tư và một loạt các báo cáo tài chính quan trọng vào ngày thứ Năm của Amazon, Apple, Starbucks và các tên tuổi lớn khác.

2. Meta lấy lòng Phố Wall

Châm ngôn “Bứt tốc và phá vỡ mọi giới hạn” của Meta khi xưa đã là dĩ vãng. Mark Zuckerberg hiện chỉ cố gắng tập trung vào hai từ “hiệu quả”. Sau một năm 2022 đầy khó khăn, công ty mẹ của Facebook đã tuyên bố đúng những gì mà Phố Wall muốn nghe khi báo cáo kết quả tài chính sau giờ đóng cửa vào ngày thứ Tư. CEO Mark Zuckerberg cho biết công ty đang “tập trung vào việc trở thành một tổ chức mạnh mẽ và linh hoạt hơn”.

Meta cũng cắt giảm tổng chi phí ước tính cho năm 2023, đồng thời cam kết cắt giảm các dự án không hiệu quả hoặc không quan trọng. Cổ phiếu Meta tăng vọt khoảng 20% trong phiên giao dịch ngoài giờ. Tuy nhiên, vẫn còn một số lý do để nhà đầu tư đặt nghi  vấn về hoạt động của Meta. Đáng chú ý nhất là công ty này vẫn tiếp tục đốt tiền cho dự án metaverse vốn vẫn đang gây thất vọng cho đến nay. Bộ phận Reality Labs (Phòng thí nghiệm Thực tế) của Meta đã lỗ 13,7 tỷ USD vào năm ngoái và hiện tại chưa có kế hoạch cắt giảm nào.

3. Năm bùng nổ của Shell

Vào ngày thứ Năm, gã khổng lồ dầu khí Shell đã báo lãi hàng năm cao nhất từ ​​trước đến nay, đạt 39,9 tỷ USD vào năm 2022. Con số này cao hơn gấp đôi lợi nhuận của công ty vào năm 2021 và vượt xa kỷ lục trước đó là 28,4 tỷ USD vào năm 2008. Đây là kết quả của việc giá năng lượng tăng đột biến trước những mối lo ngại về vấn đề nguồn cung kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraina nổ ra.

Shell cũng nối gót các đối thủ như ExxonMobil và Chevron với kết quả lợi nhuận khủng. Trên tổng thể, tất cả các công ty dầu khí lớn đều dự kiến ​​sẽ phá vỡ kỷ lục lợi nhuận hàng năm. Nhưng điều đó lại đi ngược với tôn chỉ của các nhà hoạt động khí hậu. “Những gì chúng ta thấy xảy ra vào năm 2022 là các công ty dầu khí lớn đã lợi dụng lúc giá dầu dâng cao và cuộc khủng hoảng năng lượng để thuyết phục các nhà đầu tư rằng cuộc khủng hoảng năng lượng này sẽ làm lu mờ cuộc khủng hoảng khí hậu, và điều đó đã gây ra nước đi thụt lùi,” Mark van Baal, nhà hoạt động người Hà Lan kiêm nhà sáng lập của tổ chức Follow This, cho biết.

4. Adani chìm sâu vào khủng hoảng

Hindenburg Research vốn chỉ là một công ty nghiên cứu ở Mỹ có quy mô nhỏ nhưng chính họ đã làm dấy lên làn sóng khủng hoảng cho Adani Group, một tập đoàn hùng mạnh của Ấn Độ có các hoạt động kinh doanh liên quan đến sản xuất năng lượng, cảng và chế biến thực phẩm, cùng một số ngành kinh doanh khác. Kể từ khi Hindenburg Research công bố một báo cáo vào tuần trước cáo buộc Adani về “âm mưu gian lận kế toán và thao túng cổ phiếu trắng trợn trong suốt nhiều thập kỷ”, cổ phiếu Adani Group đã bay hơi 100 tỷ USD giá trị vốn hóa. Dưới sự lãnh đạo của ông trùm có mối liên hệ với giới chính trị Gautam Adani, Adani Group đã phản pháo khi cho rằng những lời buộc tội đó “chẳng có gì ngoài nói dối”. Tuy nhiên, trước tình hình hỗn loạn, Adani đã hủy đợt chào bán cổ phiếu trị giá 2,5 tỷ USD, mặc dù đã được đăng ký trước theo đúng quy trình.

5. Ông Joe Biden và Kevin McCarthy bắt đầu thảo luận

Chính giới Mỹ vẫn chưa có thỏa thuận chung nào về mức trần nợ, nhưng Tổng thống Joe Biden, một đảng viên Đảng Dân chủ, và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, một đảng viên Đảng Cộng hòa, đã bắt đầu thảo luận với nhau về chủ đề này vào ngày thứ Tư. Song phương đều tỏ ra lạc quan nhưng thận trọng đối với chủ đề đàm phán khi họ cố gắng ngăn chặn tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên của nước Mỹ, một điều có thể gây ra thảm họa cho cả nền kinh tế.

“Chúng tôi có quan điểm khác nhau. Nhưng cả hai chúng tôi đều vạch ra một số tầm nhìn của mình về đích đến. Và tôi tin rằng, sau khi đặt ra mục tiêu của cả hai, tôi có thể biết chúng tôi có thể tìm thấy điểm chung ở đâu,” ông McCarthy phát biểu. Trong khi đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã thực hiện các bước cần thiết để tránh vỡ nợ ít nhất cho đến đầu tháng 6.

Đăng Khoa - theo CNBC

Tìm hiểu về các cổ phiếu hot nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ, đừng bỏ lỡ cơ hội đầu tư, xem thêm tin tức ngay.

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến

Cùng chuyên mục

Foxi_Banner_370x700.gif

Xem Nhiều