Cổ phiếu ngành ngân hàng tăng giá sau khi được Fed tín nhiệm. Mức thanh toán cho cổ đông của sáu ngân hàng lớn nhất tại Mỹ có thể tăng gấp ba lần
Sáu ngân hàng lớn nhất của Mỹ sẽ có thể mua lại cổ phiếu của chính họ với hạn mức 11 tỷ USD trong quý đầu tiên năm 2021 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) bật đèn xanh cho phép những nhà băng này tiếp tục hoạt động mua lại cổ phiếu.
Cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng giá sau khi ngân hàng trung ương Mỹ tỏ thái độ tự tin, ngay cả khi thị trường hợp đồng tương lai ở Mỹ giảm sâu. JPMorgan Chase & Co. tăng 4,2%, Citigroup Inc. tăng 3,7% và Goldman Sachs Group Inc. tăng 6,1% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai tại New York.
Cuối ngày thứ Sáu tuần trước, Fed vừa mới công bố kết quả kiểm tra sức chịu đựng của khối ngân hàng (Bank Stresst Test) đợt thứ hai của năm 2020, trong đó cho thấy Phố Wall đã vượt qua được đại nạn Covid-19 và họ có đủ vốn để vượt qua cuộc suy thoái kinh tế kéo dài sau đó. Vào tháng 6, Fed đã tạm thời đặt giới hạn cho hạn mức chi trả cho cổ đông của các ngân hàng lớn nhất, qua đó cấm họ mua lại cổ phiếu của chính mình hoặc tăng chi trả cổ tức.
JPMorgan và Morgan Stanley cho biết họ dự định tiếp tục mua lại cổ phiếu bắt đầu từ quý tới. Citigroup và Goldman Sachs cho biết họ cũng có ý định tiếp tục mua lại cổ phiếu vào năm tới, trong khi đó CEO Brian Moynihan của Bank of America cho biết nhà băng này có kế hoạch mua lại cổ phiếu “ngay khi được chấp thuận”.
Dựa trên chính sách mới, sáu ngân hàng lớn nhất của Mỹ có thể mua lại cổ phiếu lên tới 11 tỷ USD trong quý đầu tiên, với giả định là kết quả lợi nhuận quý IV sẽ giống như dự đoán của các nhà phân tích. Như vậy các ngân hàng có thể sẽ tăng chi trả cho cổ đông gần gấp ba lần.
Các ngân hàng Phố Wall “lệch pha” khá nhiều so với thị trường chứng khoán chung trong năm nay khi họ vẫn luôn háo hức chờ được chấp thuận để nâng hạn mức phân phối nguồn vốn.
Đợt kiểm tra sức chịu đựng của khối ngành ngân hàng (Bank Stresst Test) do Fed tiến hành còn có một số điểm đáng lưu ý như sau:
Ngay cả khi các ngân hàng tiếp tục hoạt động mua lại cổ phiếu thì cổ tức vẫn sẽ không thay đổi cho đến tháng 3, giới hạn là ở ngưỡng chi trả trong quý thứ hai của năm nay, tùy thuộc vào từng ngân hàng. Fed cho biết hạn mức thanh toán mà các ngân hàng trả cho cổ đông trong quý đầu tiên của năm tới không được vượt quá thu nhập trung bình hàng quý của họ trong năm 2020.
Các ngân hàng hiện phân phối khoảng 30% lợi nhuận cho cổ đông thông qua cổ tức. Thông qua hình thức mua lại cổ phiếu, phía ngân hàng có thể thanh toán tổng cộng lên đến 100% thu nhập ròng trung bình trong bốn quý trước đó.
Phó Chủ tịch Giám sát Fed Randal Quarles cho biết hệ thống ngân hàng là “nguồn sức mạnh trong năm qua”, và đợt kiểm tra sức chịu đựng lần thứ hai “cho thấy rằng các ngân hàng lớn có thể tiếp tục cho vay ở những đối tượng là hộ gia đình và doanh nghiệp ngay cả trong thời kỳ mà nền kinh tế có thể sẽ gặp khó khăn trong tương lai”. Không có ngân hàng nào trong số 6 ngân hàng lớn nhất có mức vốn thấp hơn mức tối thiểu theo như các kịch bản giả định trong bài kiểm tra của Fed.
Các nhà lập pháp đảng dân chủ và một số nhóm người tiêu dùng đã thúc giục Fed buộc nhóm ngành ngân hàng tích trữ vốn trong lúc nền kinh tế đang trên đà suy thoái. Thống đốc Fed Lael Brainard, người tỏ ý phản đối quyết định này, cho biết: “Sẽ khôn ngoan hơn nếu phía ngân hàng chi trả vừa phải cho cổ đông, như vậy mới còn đủ tiền để cho vay đối với các hộ gia đình và người đi vay trong một mùa đông đặc biệt khó khăn như thế này”.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sherrod Brown của bang Ohio, một thành viên của ủy ban Tài chính Thượng viện, cho biết các cơ quan quản lý nên tập trung vào việc củng cố hệ thống tài chính để có thể hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ đại dịch, thay vì cho phép “thưởng và chi trả cổ tức hàng tỷ USD cho một số ít người”.
Động thái nới lỏng các quy định về vốn của Fed có vẻ dễ dãi hơn so với các cơ quan quản lý ở châu Âu. Ngân hàng Trung ương Anh đã cho phép các ngân hàng tại nước này chia cổ tức một lần nữa, nhưng họ giới hạn ngưỡng thanh toán ở mức 25% lợi nhuận của các ngân hàng. Ngân hàng Trung ương Châu Âu thì cho phép chi trả 30% thu nhập ròng gần đây cho các cổ đông. Trong khi đó các ngân hàng ở Mỹ có thể chi trả bằng toàn bộ lợi nhuận mà họ kiếm được trong năm nay.
Đăng Khoa - Theo bloomberg