Hiện nay mặc dù xu hướng tiêu dùng trở nên khó đoán hơn so với trước thời kỳ Covid, nhưng các nhà sản xuất giày thể thao sneakers như Nike đã dần củng cố được vị thế của mình khi các vấn đề về hàng tồn kho và chuỗi cung ứng được giải quyết. Nhờ vậy sân chơi của họ cũng ổn định hơn.
Năm nay được dự báo sẽ là một năm tái thiết cho ngành công nghiệp giày dép với Nike là đầu tàu của ngành. Sau ba năm thăng trầm, doanh số bán hàng và xu hướng giá bán sẽ cân bằng khi người tiêu dùng ổn định lối sống quen thuộc của họ.
Doanh thu của thị trường bán lẻ giày sneakers từng đạt mức đỉnh kỷ lục 3,6 tỷ USD vào tháng 06/2021. Sau đó, con số này chững lại khoảng 3,3 tỷ USD trong gần hết năm 2022. Sang tháng 02/2023, doanh số của của các cửa hàng giày bán lẻ là 3,4 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng 1 nhưng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Khối lượng giày dép, tính theo đơn vị bán hàng, bắt đầu giảm vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, giá bán trung bình lại cao hơn, ít chiết khấu và khuyến mãi hơn, qua đó giúp doanh thu của ngành tăng trưởng.
Theo dự báo từ công ty nghiên cứu thị trường NPD Group của Mỹ, doanh thu bán giày dép tại Hoa Kỳ sẽ tăng với tốc độ ổn định 1% hàng năm cho đến năm 2025.
Khối lượng bán hàng của ngành giày dép nhìn chung sẽ bắt đầu cải thiện từ năm 2024 khi giá bán trung bình giảm bớt, còn các loại giày dép dành cho mục đích sử dụng thông thường hàng ngày sẽ vẫn là mặt hàng được mua nhiều nhất trong nửa đầu năm 2023.
Do đó, cơ hội tăng trưởng lớn nhất của Nike trong môi trường này sẽ chỉ xoay quanh câu chuyện chiếm thị phần. Một trong các vấn đề trọng tâm sẽ là bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng khi họ ngày càng cân nhắc đắn đo hơn mỗi khi mua hàng.
Những giai đoạn mà tỷ lệ thất nghiệp thấp và mức tiết kiệm của người dân cao thì đó là điềm lành cho ngành giày dép. Nhưng rủi ro suy thoái vẫn đang chực chờ ở thời điểm này.
Mặc dù ít biến động hơn so với thời kỳ đại dịch, nhưng nhu cầu tiêu dùng vẫn có thể dao động mạnh.
Điều đó có thể giúp Nike thúc đẩy các hoạt động quảng bá sản phẩm nhiều hơn vào năm 2023 so với dự đoán ban đầu. Những tác động tệ nhất từ các vấn đề dư thừa hàng tồn kho đã được phản ánh vào giá. Chỉ có một yếu tố chưa chắc chắn duy nhất là triển vọng phục hồi của thị trường Trung Quốc.
Gã khổng lồ Nike vẫn đang là tên tuổi lớn trong ngành giày dép và trang phục thể thao với vị thế là thương hiệu giày phổ biến nhất đối với nhóm người tiêu dùng Gen Z.
Trong đợt báo cáo quản trị vào hồi tháng 3, Nike cho biết họ đã đạt được những thành tích tiến bộ hơn trong vấn đề quản lý hàng tồn kho. Và công ty này cũng đã thực hiện tốt hơn mức kỳ vọng của Phố Wall trong năm quý vừa qua. Doanh thu của Nike tuy tăng chậm nhưng đều đặn sau đại dịch, tăng lên mức tăng hai con số trong hai quý gần nhất.
Doanh số bán giày dép toàn cầu của thương hiệu Nike tăng trưởng trung bình 16,7% trong ba quý tài chính đầu tiên của năm nay, bù đắp cho phần hao hụt doanh thu tại Trung Quốc.
Từ kết quả tài chính quý 3, Nike đặt chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu năm tài chính 2023 ở mức 9-9%, tăng so với dự báo trước đó. Ngoài ra, công ty còn dự kiến chia cổ tức 0,34 USD với ngày chốt quyền là trước 02/06. Ngày thanh toán là 05/07.
Biểu đồ cổ phiếu của Nike đã hình thành mô hình cốc và tay cầm với điểm mua là 128,78 USD. Cổ phiếu NKE hiện đang giao dịch thấp hơn khoảng 16,5% so với điểm mua đó. NKE đã giảm khoảng 16,7% so với mức cao nhất trong tháng 5 nhưng chỉ giảm 9,5% kể từ đầu năm. Nike vẫn chưa công bố ngày báo cáo tài chính quý 4.
Nguyên nhân NKE bị bán ròng có liên quan đến báo cáo tài chính ảm đạm từ nhà bán lẻ Foot Locker, một đại lý chuyên phân phối hàng của Nike. Cổ phiếu Loot Locker đã giảm 25% trong bối cảnh thu nhập suy giảm và dự báo ngày càng xám xịt trong quãng thời gian còn lại của năm 2023. Đa phần giới đầu tư suy luận rằng tín hiệu này có nghĩa là doanh số bán hàng của Nike và các nhà sản xuất giày dép khác cũng sẽ giảm.
Giả thuyết đó tuy không phải là vô căn cứ song đã bỏ qua một điểm quan trọng về chiến lược của Nike trong 5 năm qua. Nike đã đầu tư mạnh vào các giải pháp thông qua kênh thương mại điện tử để phân phối hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. Nike từ lâu vốn dĩ đã muốn giảm thiểu vai trò của các đại lý phân phối như Foot Locker để kiếm được mức tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Nike hoàn toàn có thể đạt được những kết quả vững vàng ngay cả khi Foot Locker gặp khó khăn.
Tóm lại, Nike sẽ vẫn tạo được đà tăng trưởng trên toàn cầu trong dài hạn. Và khi một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng tốc, Nike sẽ sớm trở lại đúng hướng.
Đăng Khoa-Theo nasdaq, investors, tipranks