Hiện nhiều chuyên gia đang dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được thảm họa. Bên cạnh đó chính sự năng động liên tục của nền kinh tế Trung Quốc sẽ giúp nâng cao thị trường chứng khoán toàn cầu vào năm 2024.
Các nhà đầu tư chứng khoán đã tận hưởng thị trường giá lên kể từ đầu năm 2023. Tất nhiên, đây là điều ít ai ngờ tới. Năm ngoái, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ chỉ có thể được mô tả là thiếu ổn định và phần lớn hoạt động kém hiệu quả.
Môi trường kinh tế vĩ mô, vốn đã bị bao vây bởi những tắc nghẽn kéo dài trong chuỗi cung ứng do đại dịch, một phần trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến của Nga tại Ukraine, khiến giá hàng hóa tăng cao trên toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tăng lãi suất quỹ liên bang 11 lần kể từ khi ngân hàng trung ương bắt đầu cuộc chiến chống lạm phát. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần cân nhắc với thị trường cổ phiếu vào năm 2024.
Bất chấp mọi tin tức rầm rộ, Cục Dự trữ Liên bang đã đi được một chặng đường dài. Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất cho thấy lạm phát chỉ tăng 3,2% trong suốt 12 tháng qua, thấp hơn mức đỉnh vào tháng 7 năm 2022 là 9,1%.
Khả năng kiềm chế lạm phát trong khi không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ của Fed đã thúc đẩy niềm tin của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã tăng giá trị lần lượt là 16,1% và 31,4% tính từ đầu năm đến nay. Dưới đây là ba lý do khiến giới chuyên gia tin rằng thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn còn nhiều dư địa để tăng điểm vào năm 2024.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tăng lãi suất kể từ tháng 6 năm 2022 để chống lạm phát, đạt mức cao nhất là 9,1% vào tháng 6 năm ngoái. Mặc dù thị trường chứng khoán nhìn chung hoạt động tốt vào năm 2023, nhưng chắc chắn vẫn có những đợt biến động do các nhà phân tích vẫn chưa đoán được động thái tiếp theo của Fed.
Tuy nhiên, có rất nhiều phát triển đáng khích lệ trong dữ liệu kinh tế được công bố gần đây. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt mức thấp nhất trong tháng trước, thị trường lao động cũng có những diễn biến tích cực.
Trong khi tăng trưởng việc làm ở Mỹ tăng vào tháng 8, mức tăng lương vừa phải và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 3,8%. Đối với những ai cảm thấy lo ngại về áp lực tiền lương trên thị trường lao động Mỹ, những áp lực đó dường như đã giảm bớt phần nào.
Khi Fed họp lại vào tháng này, các nhà phân tích kỳ vọng cơ quan tiền tệ sẽ giữ lãi suất ổn định, nhưng điều đó không đồng nghĩa sẽ không có đợt tăng lãi suất nào khác vào cuối năm nay. Rất có thể sẽ có một đợt tăng lãi suất khác, nhưng bởi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang, bao gồm cả Jerome Powell, đã ra tín hiệu rằng họ muốn tiến hành một cách thận trọng, các nhà đầu tư vì thế cũng không có gì cần phải lo lắng.
Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ có thể đang ở cuối chu kỳ tăng lãi suất, điều đó có nghĩa Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới. Lãi suất thấp hơn sẽ có tác dụng giảm chi phí đi vay cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, kích thích chi tiêu và đầu tư, và tất nhiên, thúc đẩy định giá cổ phiếu.
Một số nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường lo ngại hoạt động tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn đủ kiên cường một cách đáng ngạc nhiên để chống chọi với việc thắt chặt tiền tệ và có thể đạt được một cú 'hạ cánh mềm'.
Hạ cánh mềm là kịch bản tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng không chuyển sang tiêu cực và tránh khỏi suy thoái. Trong quý đầu tiên của năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ tăng trưởng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù nền kinh tế rõ ràng đang có mức tăng trưởng chậm lại nhưng đồng thời vẫn còn dấu hiệu cho thấy khả năng mở rộng.
Dự báo tăng trưởng của Mỹ trong nửa cuối năm đã tăng lên do chi tiêu tiêu dùng và đầu tư dân cư được duy trì. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang ngày càng lạc quan rằng họ có thể tránh được suy thoái kinh tế ở Mỹ. Một kịch bản hạ cánh nhẹ nhàng cuối cùng sẽ ngăn chặn tình trạng thu nhập doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm mạnh. Đây cũng là động lực chính dẫn đến hiệu suất hoạt động của cổ phiếu.
Nền kinh tế Trung Quốc gần đây đang phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng chậm lại, nợ cao và căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là với Mỹ. Tuy nhiên, những khó khăn kinh tế của Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời và tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ phục hồi vào năm 2024 vì nhiều lý do.
Bất chấp những tiêu điểm báo chí gần đây, không phải mọi thứ diễn ra tại Trung Quốc đều buồn thảm. Các lĩnh vực “nền kinh tế mới” của Trung Quốc, bao gồm chất bán dẫn và xe điện, đã tiếp tục phát triển vào năm 2023. Dữ liệu kinh tế cũng có vẻ đang được cải thiện với giá tiêu dùng trong tháng 8 tăng ngoài vùng giảm phát.
Hơn nữa, thật khó để mô tả sự sụt giảm bất động sản gần đây như một liều thuốc đắng cần thiết. Lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 30% tổng GDP của Trung Quốc trước khi chính phủ áp đặt “Ba ranh giới đỏ”, nhằm ngăn chặn tình trạng đòn bẩy tài chính tiếp tục tăng vượt tầm kiểm soát trong lĩnh vực bất động sản.
Nói cách khác, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc là một bong bóng tài sản đang chờ vỡ, nhưng thay vì chờ đợi một thảm họa thực sự, chính phủ về cơ bản đã chuyển hướng sang chủ động làm vỡ bong bóng tài sản.
Đương nhiên, những chính sách này sẽ không xuất hiện nếu không có những hậu quả tiêu cực. Tuy nhiên, điều này không đánh dấu sự “kết thúc” của nền kinh tế Trung Quốc, mà chỉ là một động thái tái định hướng cần thiết.
Bên cạnh đó với sự năng động của các lĩnh vực mới nổi khác, nhiều chuyên gia tin rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể thành công. Nếu dự đoán này chính xác, đây sẽ là một cú hích mạnh mẽ với nền kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán nói chung.
Investo - Trang tin tức chứng khoán mỹ hàng đầu Việt Nam.
Hoàng Dương – Theo Investorplace