Hai nhà phân tích của J.P. Morgan, gồm Stephen Tusa và Ryan Brinkman, mỗi người đều đưa ra đánh giá táo bạo về mã cổ phiếu họ chuyên trách, tương ứng gồm General Electric và Tesla. Qua đó kết luận hai tập đoàn này đều sẽ mất giá. Tuy giữ nguyên quan điểm trong nhiều năm qua, nhưng kết quả dự báo của họ lại rất khác nhau, đặc biệt là trong năm 2020.
Sự khác biệt về kết quả thực tế so với khuyến nghị giữa hai nhà phân tích này nói lên nhiều điều về cách lựa chọn mã cổ phiếu ở Phố Wall, cũng như các yếu tố đa sắc thái vốn có thể khiến một cổ phiếu này mất giá nhưng lại khiến cổ phiếu khác tăng vọt.
Stephen Tusa đảm trách việc đánh giá các công ty công nghiệp tại J.P. Morgan. Anh đã hạ mức xếp hạng mã cổ phiếu General Electric (GE) từ mức “Nên nắm giữ” (Hold) xuống còn “Giảm tỷ trọng sở hữu” (Underweight). Điều này đồng nghĩa với mức “Nên Bán” (Sell) vào hồi tháng 04/2019; từ đó giảm mức giá mục tiêu xuống cực thấp, chỉ còn 5 USD một cổ phiếu. Động thái này đã làm dậy sóng giới tài chính: vào thời điểm đó, cổ phiếu GE đang có giá quanh mức 10 USD và mức giá mục tiêu trung bình mà giới phân tích đưa ra là khoảng 16 USD.
Thế nhưng trong hơn bốn năm, Stephen Tusa vẫn luôn cho rằng cổ phiếu GE sẽ mất giá với lý do là tập đoàn này có dòng tiền tự do sụt giảm và nợ cao cùng nhiều yếu tố khác; và anh đã không hề đánh giá GE là “Nên Mua” kể từ năm 2013. Khi nhà phân tích này lần đầu tiên khuyến nghị “Nên Bán” đối với GE vào tháng 05/2016, anh cũng là người duy nhất đưa ra khuyến nghị như vậy; trong khi 11 nhà phân tích khác đánh giá GE là “Nên Mua”.
Vào thời điểm đó, mức giá mục tiêu trung bình của giới phân tích là 32 USD và mã cổ phiếu GE có giá khoảng 28 USD; trong khi đó, mức giá mục tiêu của Stephen Tusa lại dưới 26 USD. Anh cũng liên tục hạ mức giá mục tiêu khi cổ phiếu GE giảm; và quan điểm phân tích của Tusa đến thời điểm này có vẻ đúng như tiên đoán.
Kể từ khi bị Stephen Tusa khuyến nghị “Nên Bán” lần đầu tiên vào tháng 05/2016, trung bình mỗi năm GE đã khiến các nhà đầu tư lỗ khoảng 18%. Để so sánh, S&P 500 đem lại lợi nhuận trung bình khoảng 15%/năm cho nhà đầu tư trong cùng khung thời gian.
Người đồng nghiệp của Stephen Tusa tại ngân hàng J.P. Morgan - Ryan Brinkman được phân công chuyên trách về các cổ phiếu ô tô. Nhà phân tích này đánh giá cổ phiếu Tesla (TSLA) là “Nên Bán”; và đặt mức giá mục tiêu chỉ 90 USD, thấp hơn khoảng 85% so với mức giá hiện tại của Tesla.
Ryan Brinkman đã đảm trách về Tesla từ năm 2012, ban đầu anh đánh giá cổ phiếu này là “Nên Giữ” (Hold). Anh bắt đầu khuyến nghị “Nên Bán” Tesla vào năm 2015 kèm theo nhận định cực kỳ táo bạo; và chỉ có một chuyên gia khác trên Phố Wall cũng có ý kiến tương tự. Nhà phân tích này đã giữ nguyên quan điểm như vậy từ thời điểm đó. Tesla có giá khoảng 40 USD vào thời điểm đó; mức giá mục tiêu trung bình của giới phân tích dành cho mã này là khoảng 53 USD/CP. Brinkman tin rằng Tesla không thể được xem như một cổ phiếu công nghệ mãi khi mà về cơ bản, Tesla chỉ sản xuất ô tô.
Kể từ lần bị đánh giá “Nên Bán” đó vào năm 2015, mã cổ phiếu Tesla đã sinh lợi cho nhà đầu tư trung bình khoảng 59% một năm, và cổ phiếu này không hề giảm. Nhưng khi Tesla tăng cao, có một số người đã bắt đầu nảy sinh quan điểm giống như Ryan Brinkman. Hiện nay có đến 13 nhà phân tích đánh giá cổ phiếu Tesla là “Nên Bán”.
Nhìn bề ngoài, khuyến nghị của Stephen Tusa về GE đã đúng còn khuyến nghị của Ryan Brinkman về Telsa thì không. Cả hai nhà phân tích trên đều nắm rõ về ngành công nghiệp mà họ đảm trách; và cả hai đều thiết lập cẩn thận các mô hình đánh giá tài chính. Vậy tại sao cùng một cách nhìn nhận nhưng lại đúng với GE nhưng lại sai với Tesla? Có một số lý do có thể giải thích cho điều đó.
Thời gian là một yếu tố quan trọng. Bất kỳ khuyến nghị nào cũng đều phụ thuộc vào thời điểm đang xem xét.
Gần đây nhất là vào tháng 06/2019, khuyến nghị “Nên Bán” của Ryan Brinkman thoạt nhìn có vẻ như sáng suốt; vì mã cổ phiếu Tesla đang có giá thấp hơn mức giá mục tiêu của nhà phân tích này. Anh đã liên tục giữ quan điểm đánh giá đó trong gần 1.600 ngày. Và rồi sau đó Tesla đã tăng mức vốn hóa thị trường thêm khoảng 570 tỷ USD chỉ trong 550 ngày qua. Đây là màn tăng giá cực kỳ thần tốc.
Về phía Stephen Tusa, anh vẫn tương đối bi quan về cổ phiếu GE. Nhà phân tích này đã thay đổi mức đánh giá cho GE sang “Nắm Giữ” vào tháng 3; và không đưa ra mức giá mục tiêu. Mặc dù vậy, gần đây anh có viết rằng giá trị của cổ phiếu GE có thể xuống dưới mức 5 USD. Nhưng khi CEO Larry Culp xuất hiện vào cuối năm 2018, ông đã làm an lòng các nhà đầu tư với bức tranh tăng trưởng mới; qua đó chỉ tập trung vào việc tinh giản bộ máy hoạt động và giảm nợ. Cổ phiếu GE đã tăng trở lại mức 13 USD trước khi bị dịch Covid-19 làm cho mất giá tiếp tục. Bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch, cổ phiếu này đã tăng trở lại trên mức 11 USD.
Các nhà phân tích cũng như các nhà đầu tư có thể sẽ rất khó xác định điểm uốn đảo chiều như vậy.
Một yếu tố khác cũng có sức ảnh hưởng đến giá cổ phiếu đó là các “kiểu” nhà đầu tư mà mã cổ phiếu đó thu hút được.
Từ rất lâu trước đây, GE vốn là một mã sở hữu trọng yếu của tất cả các quỹ tài chính. Nhưng vào năm 2016, khi Stephen Tusa thay đổi nhận định theo chiều hướng tiêu cực cho cổ phiếu này; một trong những mảng kinh doanh chủ chốt của GE đang bắt đầu suy giảm một cách chậm rãi. Mảng nhiệt điện chạy bằng than của tập đoàn này lúc đó mất dần thị phần vào tay các nhà máy phát điện bằng khí đốt và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, đơn vị năng lượng của GE gần đây đã hoàn tất thương vụ thâu tóm một phần Alstom (ALO.France); từ đó đánh cược rất lớn vào một lĩnh vực đang có nhiều thách thức.
Những ai “trót” đầu tư vào GE sẽ phải gặp những vấn đề như: GE ngày càng khó đạt được lợi nhuận như ước tính; và họ bắt đầu thực hiện bút toán giảm tài sản. Kết quả là GE đã đánh mất những nhà đầu tư cốt lõi, có nguồn vốn lớn và định hướng theo chủ nghĩa giá trị. Họ đã bán đi cổ phiếu GE và cổ phiếu này cuối cùng đã chạm đáy vào cuối năm 2018.
Trong khi đó, Tesla lại có thể giữ chân được các nhà đầu tư định hướng theo chủ nghĩa tăng trưởng. Vào năm 2014, CEO Elon Musk đã vẽ ra một tầm nhìn đầy tham vọng: “Bạn hãy thử lấy doanh thu 2013, tức khoảng 6 tỷ USD, làm mốc. Nếu chúng tôi có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 30% trong 10 năm; thêm vào mức lợi nhuận thêm 10̀% và có tỷ lệ PE là 20 thì mức vốn hóa thị trường của chúng tôi về cơ bản sẽ giống như Apple ngày nay”. Thông qua phép toán đó, Elon Musk có ý nói rằng Tesla sẽ đạt mức giá trị vốn hóa là 700 tỷ USD.
Mức tăng trưởng của Tesla
Tesla chưa hề đạt lợi nhuận 10%. Nhưng sáu năm kể từ thời điểm đó, Elon Musk đã giữ được lời hứa làm cho Tesla tăng trưởng trung bình khoảng 31% một năm. Những nhà đầu tư theo chủ nghĩa (hay trường phái) tăng trưởng không có lý do gì để từ bỏ nhận định ban đầu của họ khi đầu tư vào Tesla.
Bản chất của việc phân tích đánh giá cổ phiếu cũng là một phần trong câu chuyện phức tạp này. Ryan Brinkman đánh giá Tesla là “Giảm tỷ trọng sở hữu” (Underweight); và Stephen Tusa hiện xếp hạng GE là “Trung lập” (Neutral), tức tương đương với “Nắm Giữ” (Hold).
Barron’s và những trang tài chính khác tóm gọn lại các định nghĩa xếp hạng của Phố Wall thành 3 kiểu khuyến nghị: Nên Mua, Nên Bán và Nên Giữ. (Một số người còn cho rằng thực sự chỉ có hai kiểu xếp hạng: Mua và Không mua.)
Nhưng đối với J.P. Morgan, “Giảm tỷ trọng sở hữu” (Underweight) có nghĩa là các nhà đầu tư cấp tổ chức (như quỹ đầu tư) nên nắm giữ cổ phiếu đó ít hơn chỉ số chuẩn mà họ đang bám theo; khuyến nghị đó không có ý khuyên họ đừng nên nắm giữ cổ phiếu đó hoặc nên đánh cược chống lại chúng.
Các quỹ đầu tư chuyên nghiệp thường được nhà đầu tư đánh giá thông qua kết quả tăng giảm của họ so với chỉ số chuẩn, chẳng hạn như S&P 500. Đây là một mẩu thông tin giải thích rõ hơn về ngụ ý thực sự của những lời khuyến nghị hay đánh giá từ Phố Wall mà đôi khi có thể bị nhầm hiểu vì quá cô đọng.
Ví dụ, mặc dù Ryan Brinkman cho rằng Tesla sẽ giảm giá; nhưng anh vẫn định giá mức vốn hóa của Tesla là khoảng 90 tỷ USD. Với nhận định này, Tesla là tập đoàn xe hơi (ô tô) có giá trị thứ ba trên toàn cầu, chỉ đứng sau Volkswagen (VOW.Germany) và Toyota Motor (TM). Giá trị vốn hóa thị trường của Tesla theo giá đóng cửa hôm thứ Sáu là khoảng 578 tỷ USD. Toyota trị giá 247 tỷ USD, và Volkswagen trị giá khoảng 73 tỷ USD.
Trong tương lai, mã cổ phiếu GE đang tiếp tục phấn đấu để vươn lên trở lại và Tesla có thể sẽ vẫn tiếp tục tăng vọt; nhưng có lẽ là không bền vững. Sau một thời gian nữa, mối tương quan giữa kết quả thực tế-khuyến nghị đối với hai cổ phiếu này có thể sẽ thay đổi rất khác.
Đăng Khoa - Theo Barrons