Nike dễ dàng đánh bại các ước tính của Phố Wall về lợi nhuận và doanh thu trong quý kinh doanh có kỳ nghỉ lễ vừa qua, dù lượng hàng tồn kho tăng cao tiếp tục khiến kết quả kinh doanh tại Trung Quốc không đạt như kỳ vọng.
Cũng như các nhà bán lẻ khác, Nike đang trong quá trình giảm tải lượng hàng tồn kho dư thừa, do gián đoạn chuỗi cung ứng và sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng đang đè nặng lên lợi nhuận của hãng.
Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống 43,3% trong quý báo cáo vừa qua, giảm 3,3 điểm phần trăm, do các chương trình giảm giá và khuyến mãi cao hơn mà công ty đã sử dụng để thanh lý hàng tồn kho. Dù vào quý trước, CEO John Donahoe nói với các nhà đầu tư rằng ông tin công ty đã vượt qua mức tồn kho cao nhất, Nike vẫn cảnh báo rằng tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong suốt quý.
Giá trị hàng tồn kho tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận con số 8,9 tỷ USD, theo công ty diễn giải là do chi phí đầu vào cao hơn và chi phí vận chuyển tăng. Trong ngày công bố báo cáo kinh doanh với các nhà đầu tư hôm thứ Ba, ban giám đốc cho biết họ “ngày càng tin tưởng” Nike sẽ kết thúc năm tài chính với mức tồn kho tích cực hơn. Ban giám đốc cũng hy vọng “hàng tồn kho thậm chí còn ít hơn” so với dự đoán, nếu căn cứ trên đà bán hàng hiện tại.
Dưới đây là số liệu kinh doanh của gã khổng lồ giày thể thao trong quý tài chính thứ ba năm 2023, so sánh với ước tính của Phố Wall dựa trên khảo sát các nhà phân tích của Refinitiv:
Lợi nhuận ròng theo báo cáo của công ty trong quý kết thúc vào ngày 28 tháng 2 là 1,2 tỷ USD, tương đương 0,79 USD trên mỗi cổ phiếu, giảm so với mức 1,4 tỷ USD, tương đương 0,87 USD trên mỗi cổ phiếu của cùng kỳ năm trước. Cùng kỳ, doanh thu tăng từ 10,87 tỷ USD lên 12,39 tỷ USD.
Nike đã kỳ vọng doanh số bán hàng tại Trung Quốc (thị trường lớn thứ ba tính theo doanh thu của hãng) sẽ tăng trở lại, trong thời điểm thị trường này đang dần phục hồi sau đại dịch Covid. Tuy nhiên, những hy vọng đó đã không thành hiện thực. Doanh thu bán hàng của Nike tại quốc gia tỷ dân đã giảm 8% trong quý III, xuống còn 1,99 tỷ USD, mặc dù việc nước này chấm dứt chính sách zero-Covid đã có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của hãng.
Các nhà phân tích Phố Wall đã dự đoán doanh thu bán hàng tại đây là 2,09 tỷ USD, theo ước tính của StreetAccount.
Trước đó, doanh thu bán hàng tại Trung Quốc của Nike đi xuống khi người tiêu dùng phải đối mặt với tình trạng phong tỏa và số ca lây nhiễm gia tăng. Theo một nghiên cứu của Citi, mặc dù một số hoạt động ở quốc gia châu Á này đã bình thường trở lại, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa quay trở lại mức mua sắm trước đại dịch.
Khi được hỏi về triển vọng phục hồi tại Trung Quốc, CEO Nike John Donahoe cho biết công ty cảm thấy lạc quan về động lực của hãng ở thị trường này, và chứng kiến mức tăng trưởng “thực sự tăng” vào tháng thứ hai trong quý, sau khi lệnh phong tỏa kết thúc.
“Các yếu tố cơ bản của thị trường này đang mức tốt, đúng chứ? Đó là một thị trường rất lớn đang phát triển. Thể thao và sức khỏe là một xu hướng chính và có nhiều thuận lợi ở đó. Tồn tại nhu cầu về sáng tạo và phong cách. Chìa khóa để chiến thắng ở thị trường này chỉ đơn giản là: có những sáng tạo tuyệt vời và kết nối với người tiêu dùng Trung Quốc theo cách phù hợp với văn hóa sở tại,” Donahoe nói.
Không tính Trung Quốc, Nike đã chứng kiến doanh thu bán hàng tăng hai con số ở tất cả các thị trường khác. Doanh thu bán hàng ở Bắc Mỹ tăng 27% và ở Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi, doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Ở Châu Á Thái Bình Dương và Châu Mỹ Latinh, doanh thu bán hàng tăng 10%.
Dựa trên kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong quý vừa qua, Nike kỳ vọng doanh thu năm tài chính hiện tại sẽ tăng khoảng trên 7%, lạc quan hơn dự toán quý trước. Công ty dự kiến tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm 2,5 điểm phần trăm, đây là mức giảm thấp nhất trong những dự báo gần đây của hãng, phản ánh những nỗ lực không ngừng của Nike nhằm thanh lý hàng tồn kho dư thừa, cùng với các chi phí khác.
Trong quý tiếp theo, Nike dự kiến doanh thu chỉ tăng nhẹ. Giám đốc tài chính Matthew Friend cho biết công ty đang “thận trọng” trong quá trình lập kế hoạch kinh doanh, trước những lo ngại về xu hướng tiêu dùng và nền kinh tế. Ông nói: “Chúng tôi đã từng vượt qua những chu kỳ như thế này, và sẽ chuẩn bị tốt cho những biến động sắp xảy ra”.
Trong vài năm qua, Nike đã nỗ lực thúc đẩy doanh thu bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng (DTC), đầu tư mạnh vào kênh này bằng cách xây dựng các cửa hàng trải nghiệm, phát triển chương trình khách hàng thân thiết và tăng doanh thu bán hàng thương mại điện tử.
Các khoản đầu tư vào kênh DTC đã tiêu tốn của Nike không ít, nhưng doanh thu bán hàng đã tiếp tục tăng. Cụ thể, doanh thu bán hàng của phân khúc Nike Direct đã tăng 17% trong quý nghỉ lễ lên 5,3 tỷ USD và doanh thu bán hàng thương mại điện tử đã tăng 20%. Doanh thu thương mại điện tử chiếm 27% tổng doanh thu, tăng mức từ 9% vào cuối năm tài chính 2019.
Chi phí bán hàng và quản lý đã tăng 15% lên 4 tỷ USD, phần lớn trong số đó liên quan đến tiền lương và đầu tư vào Nike Direct. Công ty dự kiến chi phí cả năm sẽ tăng 10%.
Trong hai quý vừa qua, Nike đã dựa vào quan hệ đối tác với các nhà bán buôn để giảm lượng hàng tồn kho. Doanh thu bán buôn tăng 12% trong quý, sau mức tăng trưởng 19% trong quý trước. Vào thứ Hai, CEO Foot Locker, Mary Dillon, đã chào mời một mối quan hệ “mới” và tái hợp tác với Nike, đối tác thương hiệu lớn nhất của hãng.
Tuy nhiên, Nike đã giảm cam kết về lượng tồn kho có thể đáp ứng cho mùa xuân hè, để có thể xử lý hàng tồn kho dư thừa. Công ty dự kiến doanh thu bán buôn sẽ ở mức “vừa phải” trong vài quý tới.
Vân Anh-Theo cnbc