logo
IQX_Poster4_1170x250-1.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 05/06/2023

Phải chăng Hoa Kỳ đang chi tiêu quá nhiều?

Nếu không phải là người đến từ hành tinh khác, bạn sẽ biết những ngày gần đây Hoa Kỳ đã kẹt ở ngã ba đường đầy hiểm nguy sau khi chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD.

Con số này cao hơn khoảng 6 nghìn tỷ USD so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của quốc gia này, nghĩa là tổng giá trị bằng tiền của tất cả hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trong biên giới nước Mỹ vào năm ngoái. Nói cách khác, quốc gia có con số GDP hàng năm lớn nhất thế giới đang chi tiêu vượt xa con số này (xem biểu đồ bên dưới).

Phải chăng Hoa Kỳ đang chi tiêu quá nhiều?

Tuần này, Quốc hội Mỹ phải đối mặt với lựa chọn: hoặc gỡ bỏ hoặc tăng trần nợ công - hoặc không làm gì cả và khiến cho Hoa Kỳ khó có thể vay thêm tiền, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể, buộc nước này rơi vào cảnh vỡ nợ. Như chúng ta ai cũng biết, một sự kiện như vậy sẽ hủy hoại nền kinh tế, tài chính và danh tiếng toàn cầu của nước Mỹ.

Khi tác giả đang viết bài này, một thỏa thuận khó nhằn được đã được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua nhằm gỡ bỏ, chứ không tăng, trần nợ công quốc gia cho đến tháng 1 năm 2025, để đổi lấy việc cắt giảm chi tiêu 1,5 nghìn tỷ USD của Chính phủ trong thập kỷ tới. Một khi Tổng thống Biden ban hành thành luật, dự kiến ​​sẽ diễn ra trong tuần này, Hoa Kỳ ít ra cũng sẽ tránh được cú trượt dài trên con đường vỡ nợ mang tính lịch sử.

Hãy suy nghĩ khách quan một chút đến  những gì chúng ta biết về những con số này. Đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bị biến thành vai ác trong vài quý (chủ yếu là do đảng viên Đảng Dân chủ) vì đã ép cuộc đối đầu này xảy ra. Nhưng kết cục là gì? Một số nhà lập pháp thực sự đã phải đe dọa sẽ ngăn chặn không cho Hoa Kỳ vay thêm tiền, theo đó sẽ đẩy quốc gia này đến bờ vực vỡ nợ, nhằm cắt giảm một phần nhỏ bé chỉ khoảng 1,5 nghìn tỷ USD ngân sách trong vòng mười năm tới.

Điều này cho thấy rằng việc Hoa Kỳ thực hiện cắt giảm bất kỳ khoản chi tiêu nào trị giá hơn một nghìn tỷ USD cũng đều vô cùng đau đớn, ngay cả đối với một quốc gia có con số GDP cao nhất trên trái đất.

Để so sánh, chỉ trong năm 2022, Hoa Kỳ đã tăng mức thâm hụt ngân sách gần bằng con số nói trên, khoảng 1,4 nghìn tỷ USD, do chi tiêu vượt quá doanh thu (xem biểu đồ bên dưới). Vì vậy, Hoa Kỳ có thể khá dễ dàng đốt thêm hơn một nghìn tỷ USD mỗi năm, nhưng lại cần ít nhất một thập kỷ, trong điều kiện tốt nhất, để tiết kiệm hoặc cắt giảm chi phí xuống cùng với số tiền đó.

Đây là lý do để cả hai đảng, Dân chủ và Cộng hòa, cân nhắc đến việc điều chỉnh đường lối. David Andolfatto, giáo sư kinh tế tại Đại học Miami và là cựu phó chủ tịch cấp cao của St. Louis Fed, cho biết: “Cả hai bên đều lo ngại về mức thâm hụt ngân sách cao ngất ngưởng và nợ nần chồng chất. Nhưng làm thế nào để thực hiện được việc điều chỉnh đó?”

Phải chăng Hoa Kỳ đang chi tiêu quá nhiều?

Với tất cả các lùm xùm về chính trị trong vài tuần qua, thật hợp lý khi đặt ra câu hỏi ai mới đang nói thật về chi tiêu của nướcMỹ - và liệu có cơ hội nào cho việc chi tiêu ít hơn, hoặc ít nhất là tạo ra nhiều doanh thu hơn, để quốc gia này không quá phụ thuộc vào việc vay mượn không bao giờ chấm dứt chỉ nhằm giữ cho bóng đèn còn sáng điện.

Ngay cả đối với những ai muốn thấy Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, quân sự, năng lượng, y tế, khoa học, các chương trình xã hội hoặc các mục đích tương tự, thì những dữ liệu này cũng thể hiện rõ ràng tại sao Hoa Kỳ có thể hưởng lợi từ việc xem xét toàn diện cách thức huy động và chi tiêu của quốc gia này.

Andolfatto cho biết: “Cuộc chiến về trần nợ công này, nói một cách trần trụi, là cuộc đụng độ giữa những người muốn có dấu ấn lớn hơn – hoặc nhỏ hơn – của chính phủ trong cuộc sống của người dân Mỹ. Về phía Đảng Dân chủ, có ý kiến ​​cho rằng chúng ta cần chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, trường học, nguồn cung nước, truy cập internet và các chương trình xã hội. Và họ cho rằng cách để đầu tư cho việc này là tăng thuế. Về phía Đảng Cộng hòa, chúng ta có quan điểm ngược lại. Họ nghĩ rằng chúng ta có quá nhiều khoản chi tiêu tùy ý, quá nhiều chương trình và chúng ta không cần tăng thuế, thay vào đó là phải cắt giảm chi tiêu.”

Ngay cả khi nước Mỹ tránh được thảm họa vào tuần tới thì con đường của quốc gia này về lâu dài sẽ thế nào? Quay lưng lại với thái độ thiên lệch mang tính đảng phái, một số cơ quan xếp hạng tín dụng nổi tiếng nhất thế giới đã lên tiếng cảnh báo. Cuối tuần trước, một trong số này là Fitch đã đưa xếp hạng tín dụng ‘AAA’ hàng đầu của quốc gia vào diện tiêu cực, viện dẫn một loạt vấn đề. “Chiến thuật bên miệng hố chiến tranh về trần nợ công, một thất bại của chính quyền Mỹ trong việc giải quyết một cách có ý nghĩa các thách thức tài chính trung hạn sẽ dẫn đến gia tăng thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ ngày càng tăng báo hiệu rủi ro sụt giảm trong khả năng trả nợ của Hoa Kỳ”, bài viết còn lưu ý số dư tiền mặt của Bộ Tài chính Mỹ đã giảm xuống còn 76,5 tỷ USD vào ngày 23 tháng 5.

Vào năm 2011, chỉ vài ngày sau khi Washington thoát khỏi tình trạng vỡ nợ trong gang tấc do đấu đá chính trị nội bộ, cơ quan xếp hạng tín dụng S&P đã hạ xếp hạng mức vay nợ nước ngoài của Hoa Kỳ từ ‘AAA’ xuống ‘AA+’. John Chambers, người giám sát việc hạ cấp đó với tư cách là cựu chủ tịch của Ủy ban xếp hạng nợ S&P, trong tuần này đã cho biết trước những sự kiện gần đây, ông đã ủng hộ quyết định này. "Điều này xác nhận quyết định của S&P vào năm 2011 về việc hạ xếp hạng," ông nói với CNBC. "Đơn giản là không có sự đồng bộ giữa việc được xếp hạng ‘AAA’ và khả năng (rằng nước Mỹ có thể) hết sạch tiền mặt và không trả được nợ."

Chambers đặt ra một kịch bản dài hạn hơn. “Chúng ta có hai vấn đề lớn,” ông nói. “Một là sự khó khăn của môi trường chính trị. Thực tế là chúng ta đã có một cuộc đảo chính, một cuộc đảo chính thất bại, hai năm trước (ngày 6 tháng 1 năm 2021) chắc chắn là một sự kiện như vậy. Và thứ hai là quỹ đạo nợ. Ngay cả sau lần này...gánh nặng nợ, con số nợ của chính phủ như một phần sản lượng đầu ra của nền kinh tế, sẽ tiếp tục tăng, và mặc dù bản thân điều đó không phải là vấn đề thì lúc này chúng ta vẫn cần phương án điều chỉnh về tài chính trong trung hạn. Bởi vì nếu không thì chúng ta sẽ hết sạch đạn dược khi rơi vào suy thoái, hoặc chúng ta phải đối mặt với một số vấn đề lớn, chẳng hạn như chiến tranh hay điều gì đó tương tự. Chúng ta muốn có tiền mặt sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.”

Nhân đây, tỷ lệ nợ chính phủ so với sản lượng đầu ra của nền kinh tế là bao nhiêu? Các chuyên gia sẽ không làm các độc giả yếu đuối choáng ngợp bởi bất kỳ biểu đồ hay con số nào nữa. Ngoại trừ điều này: Theo tỷ lệ phần trăm của GDP hàng năm, nợ chính phủ hiện đã tăng vọt trên 100% trong suốt thập kỷ qua. Trong một số trường hợp, con số này thậm chí đã nhảy vọt lên gần 140% (xem biểu đồ bên dưới, trong đó các khu vực tô đậm biểu thị khoảng thời gian Hoa Kỳ trong cơn suy thoái).

Phải chăng Hoa Kỳ đang chi tiêu quá nhiều?

Với mức đỉnh đạt được trong mấy năm vừa rồi, tỷ lệ nợ liên bang trên GDP là vô đối, nhưng trong Thế chiến II, tỷ lệ này đã từng tăng vọt lên gần 120%. Hoa Kỳ đã cố gắng thoát khỏi hố sâu vào những năm 1980, như có thể thấy qua biểu đồ bên dưới, nhưng nỗ lực này mất gần bốn thập kỷ, hẳn là vô cùng nghiêm trọng.

Về lý thuyết, Hoa Kỳ có quyền in tiền và huy động vốn bằng cách tăng thêm nợ vay, liên tục đảo nợ cho các khoản thanh toán trong tương lai và nâng trần nợ công để tăng số tiền có thể vay thông qua phê chuẩn của Quốc hội và Tổng thống.

Nhưng theo Andolfatto, những điều này đều phải trả giá, bởi vì tăng nguồn cung tiền trong hệ thống có thể sẽ gây ra lạm phát.

Trên thực tế, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao là yếu tố chính gây tổn hại đến người Mỹ lúc này. Trước khi lạm phát hạ nhiệt, việc tăng chi tiêu của chính phủ có khả năng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. “Nếu câu hỏi đặt ra là liệu thâm hụt có quá lớn không, thì câu trả lời là có, nếu nó gây ra lạm phát,” ông nói.

Chambers nói thêm rằng số nợ của một quốc gia, không tính đến lạm phát, cũng có thể gây ra vấn đề. Ông nói: “Khả năng trả nợ của bạn một phần phụ thuộc vào số tiền bạn còn nợ. Bạn càng có nhiều khoản nợ chưa trả thì bạn càng gặp nhiều khó khăn trong việc đảo nợ, càng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý khoản nợ đó. Đó là ý nghĩa của xếp hạng tín dụng, và tuy không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến xếp hạng nhưng đó là một yếu tố quan trọng.”

Andolfatto lưu ý rằng, ngay cả khi về mặt lý thuyết Hoa Kỳ đã xử lý hết tất cả các khoản nợ, ngừng vay và chỉ chi tiêu trong phạm vi doanh thu thuế thu được, thì hầu như vẫn không thể ngăn được việc bội chi.

“Khi hỏi liệu chúng ta có đang chi tiêu quá nhiều không – ý chúng ta là gì?” Ông nói. Việc chi tiêu quá nhiều vẫn đang tồn tại, ngay cả khi bạn có tiền, hoặc tiêu xài thiếu khôn ngoan, hoặc đầu tư thua lỗ, hoặc đơn giản chỉ là hoang phí.

“Bội chi có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau,” ông nói. “Đó là lý do tại sao đây là một vấn đề phức tạp đến vậy.”

Hãy cân nhắc đến một tình huống tưởng tượng khác: Sẽ thế nào nếu việc chi tiêu được đề cập đến kia được tất cả đồng ý, được lập ngân sách một cách chuyên nghiệp và được đánh giá hợp lý? (Điều này chắc sẽ chẳng bao giờ xảy ra, nhưng cứ giả sử thế để phục vụ việc thảo luận.) Liệu có giới hạn về số tiền nên chi tiêu hay không?

Như chúng ta có thể đoán được, câu trả lời là có. Nhưng rồi điều đó cũng còn tùy thuộc nhiều thứ. Andolfatto nói: “Nếu bạn cứ chi, chi, chi mãi mà không tăng thuế để bù đắp vào đó, thì dần dần sẽ dẫn đến lạm phát. Nếu thuế không bù đắp được lượng chi tiêu, có nghĩa là chính phủ sẽ tài trợ thâm hụt trong mọi thứ. Và nếu không giữ mức thuế phù hợp với chi tiêu, nghĩa là bạn có thể tự đặt mình vào tình trạng lạm phát.”

Chỉ chi tiêu phần được tăng lên trong doanh thu thuế ư? Thật là một ý tưởng mới lạ.

Hoàng Dương – Theo Fool

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến

Foxi_Banner_370x700.gif

Xem Nhiều