Hôm qua, Apple (AAPL) đã công bố một thỏa thuận kéo dài nhiều năm với Broadcom (AVGO), nhà cung cấp chip và linh kiện kết nối không dây hàng đầu. Thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la này là dành cho việc phát triển các thành phần linh kiện tần số vô tuyến 5G ở Mỹ và là một phần trong cam kết của Apple trong việc đầu tư số tiền đáng kinh ngạc đến 430 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ. Thỏa thuận mới được xây dựng dựa trên mối quan hệ hiện có giữa Apple và Broadcom, sau thông báo trước đó của nhà cung cấp linh kiện không dây về việc bán các linh kiện trị giá 15 tỷ USD cho Apple hồi năm 2020. Với thỏa thuận hợp tác mới, Apple dự định đầu tư vào các dự án tự động hóa quan trọng và tạo điều kiện nâng cao kỹ năng cho các kỹ sư và kỹ thuật viên.
Một trong những ý nghĩa quan trọng của thỏa thuận này là Apple đang thực hiện các bước để đảm bảo chuỗi cung ứng của mình và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp khác, đặc biệt là Qualcomm (QCOM). Apple đã vướng vào các tranh chấp pháp lý với Qualcomm liên quan đến tiền bản quyền bằng sáng chế và phí cấp phép. Hồi năm 2017, Qualcomm đã đệ đơn kiện Apple, cáo buộc các thiết bị của Apple, bao gồm iPhone, iPad và Apple Watch, đã vi phạm một loạt bằng sáng chế liên quan đến công nghệ di động. Đáp lại, Apple đã chọn thách thức tính hợp pháp của các bằng sáng chế này và đưa vấn đề lên Hội đồng xét xử cùng Văn phòng Thương hiệu và Bằng Sáng chế của Mỹ. Mặc dù hai công ty đã dàn xếp vào năm 2019, cho phép Apple tiếp tục triển khai chip Qualcomm trong iPhone của họ và cấp cho Apple quyền truy cập vào vô số bằng sáng chế của Qualcomm, thủ tục tố tụng của hội đồng bằng sáng chế vẫn tiếp tục.
Vào năm 2020, hội đồng đã giữ nguyên hiệu lực của các bằng sáng chế, khiến Apple phải theo đuổi đơn kháng cáo trước Tòa phúc thẩm chuyên biệt của Liên bang Mỹ, nơi dành riêng cho các vấn đề bằng sáng chế. Apple lập luận rằng họ có cơ sở pháp lý để kháng cáo do Qualcomm có khả năng khởi xướng các vụ kiện trong tương lai sau khi giấy phép hết hạn, có khả năng sớm nhất là vào năm 2025. Tuy nhiên, vào năm ngoái, hội đồng ba thẩm phán của Liên bang đã đưa ra phán quyết với tỷ lệ 2-1 bác bỏ vụ kiện với lý do thiếu lập trường. Hội đồng đã kết luận rằng việc Apple lo ngại về hành động pháp lý từ Qualcomm trong tương lai về bản chất là suy đoán, và kết quả của việc kháng cáo sẽ không ảnh hưởng đến nghĩa vụ thực hiện các điều khoản của thỏa thuận dàn xếp.
Hơn nữa, vào năm 2020, Apple đã chấm dứt quan hệ hợp tác 15 năm với Intel (INTC). CEO Apple Tim Cook đã nhấn mạnh chiến lược dài hạn của công ty là sở hữu và kiểm soát các công nghệ chính đằng sau các sản phẩm của mình. Công ty tin rằng họ có thể đổi mới với tốc độ nhanh hơn bằng cách phát triển chip độc lập thay vì chỉ dựa vào Intel hoặc Qualcomm để phát triển chip. Kể từ khi giới thiệu bộ xử lý iPhone được thiết kế nội bộ lần đầu tiên vào năm 2010, Apple đã liên tục mở rộng nỗ lực phát triển chip, bao gồm chip cho máy Mac, AirPods và Apple Watch. Qualcomm dự đoán rằng những chiếc iPhone đầu tiên không có modem 5G của họ sẽ ra mắt vào đầu năm tới.
Với tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ 5G, Apple đang đưa ra các cam kết tài chính đáng kể để dẫn đầu sự phát triển của công nghệ này tại Mỹ. Theo Research & Markets, thị trường công nghệ 5G toàn cầu sẽ đạt 44,71 tỷ USD vào năm 2023, tương đương tốc độ tăng trưởng kép hàng năm mạnh mẽ đến 46%. Nhìn về phía trước, thị trường được dự đoán sẽ tiếp tục quỹ đạo đi lên, đạt 125,27 tỷ USD vào năm 2027, tăng trưởng với tốc độ CAGR 29,4% từ năm 2022.
Mặc dù Apple cũng đang nghiên cứu phát triển các thành phần không dây của riêng mình để thay thế các thành phần do Broadcom cung cấp bằng các thiết kế nội bộ vào năm 2025, sự phức tạp liên quan đến thiết kế và sản xuất chip tần số vô tuyến của Broadcom cho thấy chúng khó có thể bị thay thế trong tương lai gần. Apple là khách hàng lớn nhất của Broadcom, chiếm khoảng 20% doanh thu hàng năm của tập đoàn chip này trong năm trước. Thỏa thuận này là một động thái chiến lược của cả hai công ty nhằm củng cố vị thế của họ trên thị trường công nghệ không dây. Quan hệ hợp tác này sẽ cho phép Apple tiết kiệm chi phí phát triển chip phức tạp và giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với quá trình phát triển phần cứng và phần mềm của mình. Ngoài ra, vì Apple là một trong những khách hàng lớn của Broadcom, công ty sẽ có được nguồn cung ổn định và linh hoạt hơn trong bối cảnh triển vọng ngành đầy thách thức. Ở phía ngược lại, Broadcom – đang đối mặt với cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Qualcomm và các đối thủ khác – sẽ tiếp cận được với cơ sở khách hàng khổng lồ và khả năng đổi mới của Apple.
Với tầm nhìn chiến lược rộng lớn hơn, Apple đang tăng cường đầu tư vào sản xuất tại Mỹ, đánh dấu sự chuyển đổi có chủ ý nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc. Công ty đã phải đối mặt với các chỉ trích về sự phụ thuộc nghiêm trọng vào các nhà sản xuất và linh kiện Trung Quốc, đặc biệt với tình trạng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Hơn 90% sản phẩm của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc. Để giảm thiểu sự phụ thuộc này, Apple đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách mở rộng mạng lưới tìm nguồn cung ứng của mình sang các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và chính nước Mỹ.
Apple đã xây dựng một cơ sở sản xuất và lắp ráp rộng lớn tại Trung Quốc, hợp tác với nhiều đối tác kinh doanh. Chỉ riêng Trung Quốc đại lục đã có hơn 40 cửa hàng Apple. Và khu vực "Trung Quốc đại lục", bao gồm Đài Loan và Hồng Kông, đóng góp gần 20% doanh thu của Apple. Tuy nhiên, những căng thẳng gần đây đã làm giảm sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc, khiến công ty phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế trong hoạt động của chuỗi cung ứng.
Cơ cấu doanh thu của Apple theo quốc gia. Nguồn: Statista
Để đối phó với căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Apple đã tích cực khám phá cách để giảm sự phụ thuộc vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Công ty đã bắt đầu nỗ lực mở rộng mua sắm linh kiện từ Ấn Độ, nơi Nhà Táo đã đạt được những cột mốc quan trọng. Trong năm 2022, Apple đã sản xuất hơn 6,5 triệu chiếc iPhone tại Ấn Độ. Công ty đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất 10 triệu chiếc ở Ấn Độ vào năm 2023, với một số người trong cuộc cho rằng con số này có thể vượt qua 15 triệu vào năm tới. Các nhà phân tích dự đoán rằng nếu Apple tuân thủ mốc thời gian tích cực nhất của mình, hãng có khả năng chuyển tới 25% sản lượng iPhone sang Ấn Độ vào năm 2025.
Hơn nữa, Apple cũng đã nhận ra sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc vào Đài Loan, nơi TSMC, một ông lớn đúc chip nổi tiếng, sản xuất chất bán dẫn quan trọng cho các sản phẩm của Apple. Căng thẳng địa chính trị tập trung vào Đài Loan đã khiến Apple phải thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. Mặc dù tiến trình về vấn đề này đang diễn ra khá chậm, Apple có kế hoạch bắt đầu sản xuất chip tại nhà máy TSMC ở Arizona, bắt đầu từ năm tới.
Bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mở rộng quy mô sản xuất tại các quốc gia mới nổi như Ấn Độ và Việt Nam, cũng như tăng cường năng lực sản xuất tại thị trường nội địa, Apple đặt mục tiêu tăng cường khả năng phục hồi trước những bất ổn địa chính trị và tình trạng gián đoạn tiềm tàng.
Các nhà cung ứng của Apple theo quốc gia. Statista
Apple cho biết các thành phần linh kiện kết nối không dây của Broadcom sẽ được thiết kế và sản xuất tỉ mỉ tại các trung tâm sản xuất và công nghệ của Mỹ, đặc biệt là Fort Collins, Colorado. Tim Cook nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ được thiết kế và xây dựng tại Mỹ đối với tất cả các sản phẩm của Apple, đồng thời bày tỏ niềm tin vững chắc của công ty vào tương lai của nước Mỹ và cam kết tăng cường đầu tư vào nền kinh tế Mỹ.
Sự phụ thuộc nặng nề của Apple vào Trung Quốc và sự giám sát từ giới chính khách mà họ phải đối mặt liên quan đến mối quan hệ này đã buộc công ty phải thực hiện một quy trình chậm rãi và thận trọng để đa dạng hóa khả năng sản xuất của mình. Thỏa thuận với Broadcom là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiện diện của Apple tại Mỹ và giảm sự phụ thuộc vào sản xuất ở nước ngoài. Tuy nhiên, tác động cuối cùng và thành công của những nỗ lực này sẽ chỉ được tiết lộ theo thời gian khi công ty điều hướng sự phức tạp của việc chuyển sản xuất trở lại Mỹ.
Huân Hà - theo seekingalpha