Tuần giao dịch này có thể sẽ không chứa đựng quá nhiều cảm xúc, nhưng vẫn có một số sự kiện hàng đầu đáng xem.
Trọng tâm chủ yếu sẽ xoay quanh số liệu lạm phát của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, doanh số bán lẻ của Mỹ và báo cáo việc làm của Úc.
Sau đây là những yếu tố chính có tiềm năng thúc đẩy thị trường trong tuần 13-17/2:
Báo cáo việc làm của Vương quốc Anh (ngày 14/2, 7:00 sáng theo giờ GMT) – Thị trường lao động Vương quốc Anh đang có một chút cải thiện, vì số lượng người xin trợ cấp trong tháng 1 có thể tăng 17,9 nghìn, thấp hơn so với mức tăng 19,7 nghìn trong kỳ trước.
Tỷ lệ thất nghiệp có thể không thay đổi ở mức 3,7% trong khi chỉ số thu nhập trung bình có thể cho thấy mức tăng trưởng tiền lương giảm từ 6,4% xuống 6,2% trong giai đoạn ba tháng kết thúc vào tháng 12.
Bổ nhiệm Thống đốc BOJ (ngày 14/2) – Việc chính phủ Nhật Bản bổ nhiệm Thống đốc BOJ nhiệm kỳ tiếp theo có thể tạo sóng lớn cho đồng yên trong quãng thời gian còn lại của tuần (hoặc lâu hơn). Vì vậy, đây là sự kiện đáng để theo dõi khi vấn đề này được trình bày trước quốc hội Nhật Bản trong tuần.
Vậy người ngồi vào ghế nóng sẽ là ông Amamiya hay Ueda? Ông Amamiya được coi là một ứng cử viên có tiềm năng tiếp nối chính sách nới lỏng của BOJ trong khi ông Ueda là người có lập trường đối nghịch với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của BOJ.
Trong trường hợp nào đi nữa, đồng yên rất có thể sẽ biến động mạnh khi có tuyên bố chính thức.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ - Ai cũng thấy rõ báo cáo NFP mới đây nhất đã thay đổi quỹ đạo chính sách của Fed ra sao, nhưng liệu số liệu lạm phát Mỹ sắp tới sẽ ủng hộ hay cản trở quan điểm cứng rắn này?
Đầu tiên, các chỉ số CPI (ngày 14/2, 1:30 chiều theo giờ GMT) sẽ được công bố vào Ngày lễ tình nhân. Theo đó, các nhà phân tích kỳ vọng chỉ số toàn phần sẽ phục hồi 0,5% sau khi giảm 0,1% trong kỳ trước.
Tuy nhiên, CPI cả năm vẫn có thể giảm từ 6,5% xuống 6,2%. CPI cơ bản có thể tăng mạnh hơn trong tháng 1 ở mức 0,4% so với mức tăng 0,3% trước đó.
Vào cuối tuần sẽ có số liệu PPI (ngày 16/2, 1:30 chiều theo giờ GMT) và những số liệu này có thể cung cấp thông tin chi tiết về áp lực giá cơ bản. PPI toàn phần dự kiến sẽ phục hồi 0,4% sau khi giảm 0,5% trước đó trong khi PPI cơ bản có thể tăng từ 0,1% lên 0,3% trong tháng Giêng.
CPI của Vương quốc Anh (ngày 15/2, 7:00 sáng theo giờ GMT) – Tiếp theo sẽ là số liệu lạm phát của nền kinh tế Anh. Câu hỏi đặt ra là liệu giá cả tại xứ sở sương mù có tăng đột biến nữa hay không?
Cho đến hiện tại, các con số ước tính đang gợi ý một kịch bản ngược lại, vì các nhà nghiên cứu dự đoán CPI toàn phần sẽ giảm từ 10,5% xuống 10,3% y/y trong khi CPI cơ bản có thể giảm từ 6,3% xuống 6,2%.
Tuy nhiên, lạm phát cơ bản có thể vẫn tăng cao do giá PPI đầu vào có thể tăng 0,2% sau khi giảm 1,1% trước đó trong khi giá PPI đầu ra có thể tăng trở lại 0,1%.
Doanh số bán lẻ của Mỹ (ngày 15/2, 1:30 chiều theo giờ GMT) – Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là báo cáo doanh số bán lẻ của Mỹ, đến hạn ra mắt vào phiên giao dịch New York ngày thứ Năm.
Sau khi sụt giảm trong tháng 12, mức chi tiêu của người tiêu dùng có thể sẽ tăng trở lại vào tháng 1. Doanh số bán lẻ toàn phần dự kiến sẽ tăng 1,7% trong khi doanh số bán lẻ cơ bản có thể tăng 0,9%, triệt tiêu phần lớn mức giảm 1,1% trong kỳ trước.
Nếu kết quả thực tế tốt hơn mong đợi thì điều này có thể khiến Fed tin rằng nền kinh tế đang tiến triển tốt hơn nhiều so với dự đoán ban đầu. Từ đó, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ có khả năng sẽ tăng lãi suất nhiều hơn.
Vương quốc Anh sẽ có một số dữ liệu cấp cao trong tuần này.
Dựa vào đó, liệu các con số mới nhất có đủ để giữ cho GBP/CHF tiếp tục dịch chuyển bên trong mô hình tam giác giảm dần hay không?
Hay cặp đôi này sẽ sớm phá thủng đáy tam giác?
GBP/CHF vốn đã dập dềnh quanh mức hỗ trợ của mẫu hình tam giác xung quanh mốc nhạy cảm 1,1100, vẫn chưa xác định xu hướng tiếp theo.
Nếu ngưỡng hỗ trợ cản được đà giảm, không loại trừ khả năng GBP/CHF sẽ tăng ngược trở lại mức trần tam giác gần ngưỡng 1,1350. Trong trường hợp ngược lại, nếu giá phá thủng đáy thì nhịp giảm có thể dài cùng kích thước với chiều cao mẫu hình biểu đồ, ước tính khoảng 500 pip.
Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang có tín hiệu trái chiều. Hai đường trung bình động đang dao động trong vùng biên hẹp, chứng tỏ thị trường đang tích lũy trong khi chỉ báo stochastic đang cắm xuống thấp, tức là phe bán đang có ưu thế hơn.
Tuy nhiên, tất cả những diễn biến này có thể phụ thuộc vào kết quả báo cáo việc làm và số liệu CPI của Vương quốc Anh, vì nếu các dữ liệu đều lạc quan thì cho thấy BOE có thể sẽ cần tạm dừng thắt chặt.
Đăng Khoa-Theo babypips