Tiêu điểm trong tuần này sẽ xoay quanh quyết định chính sách của ba ngân hàng trung ương lớn.
Xu hướng sản xuất và dịch vụ từ các nền kinh tế lớn cũng sẽ được phản ánh qua các chỉ số thống kê nhanh.
Sau đây là những yếu tố có tiềm năng thúc đẩy thị trường trong tuần này:
Quyết định FOMC (ngày 22/3, 6:00 chiều theo giờ GMT) – Ngoài tin tức về ngành ngân hàng, thị trường cũng sẽ tập trung chú ý vào Fed trong tuần này khi NHTW Hoa Kỳ cố gắng cân bằng giữa vấn đề lạm phát và chủ động trước tác động thắt chặt khi các ngân hàng tại Hoa Kỳ thận trọng hơn về khách vay tiền.
Vài tuần trước, các nhà quan sát thị trường từng dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Sau khi một số ngân hàng có dấu hiệu khủng hoảng, các nhà đầu tư hiện giờ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 5%. Nguyên nhân chỉ là vì Fed không muốn thất hứa trong việc hạ nhiệt lạm phát.
Fed cũng sẽ công bố các dự báo kinh tế và sơ đồ dot plot mới với quyết định lãi suất. Các con số ước tính mới nhất về lạm phát, tăng trưởng kinh tế và lãi suất kỳ vọng cũng sẽ cho các nhà quan sát biết thêm manh mối về thái độ thận trọng của ông Powell và các đồng sự so với cuộc họp trước.
Tuyên bố chính sách của SNB (ngày 23/3, 8:30 sáng theo giờ GMT) – Không giống như các NHTW khác, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) chỉ họp một lần mỗi quý và tăng lãi suất ít lần hơn trong chu kỳ thắt chặt. Đây là lý do tại sao các nhà quan sát thị trường đang kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương Thụy Sĩ có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên ngưỡng 1,50% trong tuần này.
Nhưng đó là trước khi Credit Suisse, một trong những ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ, nói riêng cũng như ngành ngân hàng nói chung vướng vào cuộc khủng hoảng. Các nhà phân tích vẫn cho rằng ngân hàng trung ương Thụy Sĩ sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, nhưng rất có thể họ sẽ bắt đầu tỏ ra thận trọng và có thể có một số thành viên đề xuất phương án tăng lãi suất ôn hòa trong tuyên bố của tuần này.
Quyết định của BOE (ngày 23/3, 12:00 trưa theo giờ GMT) – Trở lại vào tháng 2, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho biết họ sẽ quan sát xem liệu có các dấu hiệu cho thấy “áp lực lạm phát dai dẳng” hay không sau khi tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên ngưỡng 4%. Kể từ đó, CPI Anh đã giảm nhẹ, mức tăng trưởng tiền lương dường như đã chạm đỉnh và số liệu GDP hàng tháng không đạt như ước tính.
Sắp tới sẽ có một báo cáo CPI nữa để BOE xem xét trước khi công bố quyết định nhưng hiện tại, các nhà phân tích kỳ vọng Thống đốc Andrew Bailey và các cộng sự sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên ngưỡng 4,25%. Dựa theo kịch bản đó, chi phí đi vay tại Anh sẽ leo lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2008.
Báo cáo PMI từ các nền kinh tế lớn – Xu hướng của nhóm ngành sản xuất và dịch vụ tại các nền kinh tế lớn sẽ được phản ánh qua các số liệu thống kê nhanh kỳ này.
Úc (ngày 23/3, 10:00 tối theo giờ GMT) sẽ bắt đầu công bố trước tiên vào thứ Năm. Chỉ số PMI sản xuất cho thấy hoạt động sản xuất tại nước này tiếp tục mở rộng hơn nữa trong tháng 2 khi tăng từ mức 50,0 lên 50,5, trong khi PMI dịch vụ cũng được cải thiện trong tháng thứ hai liên tiếp.
Nhật Bản (ngày 24/3, 12:30 đêm theo giờ GMT) sẽ báo cáo tiếp theo, với PMI sản xuất dự kiến sẽ tăng từ 47,7 lên 48,2. Tuy nhiên, kết quả thực tế đã gây thất vọng trong 4 trên 5 tháng qua, vì vậy có thể số liệu kỳ này sẽ lại trượt kỳ vọng lần nữa.
Các hoạt động của Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ được công bố vào Thứ Sáu (ngày 24/3, 8:15 đến 9:00 sáng theo giờ GMT), theo đó PMI sản xuất và dịch vụ của Pháp, Đức và Khu vực đồng tiền chung châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tháng thứ ba liên tiếp. Câu hỏi đặt ra là liệu các con số đó có cho thấy nền kinh tế trong khu vực euro mở rộng trong quý đầu tiên năm 2023 hay không?
Các số liệu của Vương quốc Anh sẽ được công bố vào lúc 9:30 sáng theo giờ GMT và các nhà quan sát thị trường dự kiến hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân sẽ cải thiện nhẹ. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Hoa Kỳ sẽ tung ra báo cáo PMI vào ngày thứ Sáu lúc 1:45 chiều theo giờ GMT. Hoạt động sản xuất dự kiến sẽ duy trì mức 47,3 như hiện tại trong khi khu vực dịch vụ có thể giảm xuống sau khi đạt mức 50,6 trong tháng 3.
Do cả BOE và SNB đều là tâm điểm chú ý trong tuần này nên GBP/CHF có thể sẽ biến động mạnh và đồng thời ẩn chứa nhiều cơ hội.
GBP/CHF vốn dĩ đã chuyển động theo mô hình tam giác giảm dần kể từ tháng 11.
Đường giá đang tiến gần đến khu vực 1,1350. Vị trí này cũng là nơi xuất hiện lực kháng cự của đường xu hướng giảm và đường SMA 200 trên biểu đồ hàng ngày.
Nếu BOE càng thể hiện thái độ sẵn sàng tạm dừng thắt chặt hoặc nếu các tin tức xấu về ngành ngân hàng trong tuần này tạo áp lực đè nặng lên các tài sản “rủi ro” như GBP và đẩy giá các tài sản trú ẩn an toàn như CHF lên cao hơn, thì GBP/CHF có thể sẽ bị rớt giá sau khi chạm vùng kháng cự.
GBP/CHF có thể sẽ bị đạp từ đường xu hướng và hướng về các khu vực thu hút hoạt động giao dịch trước đây như 1,0200 hoặc 1,0950.
Nhưng nếu các ngân hàng trung ương thắt chặt nhẹ tay hơn và từ đó khuyến khích làn sóng đầu cơ rủi ro, thì GBP/CHF có thể tăng mạnh lên trên mô hình tam giác.
Trong trường hợp này, tỷ giá GBP/CHF có thể nằm trên đường SMA và hướng tới các mức kháng cự cũ gần ngưỡng 1,1400 hoặc 1,1500.
Đăng Khoa-Theo babypips