logo
z4160272906281_3c6c25daea8fb3621fc13a58a8b665ca-1.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ ba, 31/01/2023

Bitcoin mất mốc 23.000 USD trước thềm cuộc họp của FED

Thị trường tiền số đã suy yếu trong ngày 30/1 khi một số nhà đầu tư quyết định chốt lãi trước thềm cuộc họp lãi suất sắp tới của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Bitcoin mất mốc 23.000 USD trước thềm cuộc họp của FED

Tại thời điểm viết bài, Bitcoin (BTC) giao dịch ở khoảng 22.700 USD, giảm hơn 4% trong 24 giờ và cách xa mức đỉnh gần 24.000 USD trong ngày Chủ nhật (29/1). Dòng tiền vào các các quỹ và sản phẩm đầu tư Bitcoin vượt trội hơn hẳn so với các sản phẩm đầu tư tài sản kỹ thuật số khác trong tuần trước, chiếm gần như toàn bộ tổng số tiền 117 triệu USD trên toàn thị trường.

Ether (ETH) giảm 5%, giao dịch ở khoảng 1.560 USD. Cặp tiền ETH/BTC đang trên đà ghi nhận mức giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Trái với Bitcoin và Ether, token gốc SAND của The Sandbox đã giảm 11% xuống còn 0,71 USD vào thứ Hai (30/1). Tuy nhiên, tính chung cả tháng, đồng tiền số này đã tăng tới 86% khi tiến sát tới thời điểm mở khóa token ngày 14/2 tới.

Dogecoin (DOGE) tăng mạnh trong ngày 30/1 và giao dịch ở mức 0,09 USD, sau khi một báo cáo từ Financial Times cho biết Elon Musk muốn hệ thống thanh toán của Twitter hỗ trợ đồng tiền kỹ thuật số này. Tại thời điểm viết bài, đồng memecoin này đã giảm nhẹ khoảng 2%, giao dịch ở mức 0,08 USD.

Trên các thị trường truyền thống, chứng khoán Mỹ khép phiên ngày 30/1 trong sắc đỏ, khi các nhà giao dịch chờ đợi quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) vào ngày 1/2 tới, đồng thời nghiên cứu một loạt báo cáo doanh thu  quý 4/2022 của các công ty công nghệ lớn, trong đó có Apple và Meta. Chỉ số Nasdaq Composite khép phiên giảm 1,9%, chỉ số S&P 500 và chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) lần lượt giảm 1,3% và 0,7%.

Phân tích thị trường tiền kỹ thuật số

Các nhà đầu tư lớn, hay còn được gọi là các cá voi, gần đây đang tăng cường chuyển Bitcoin lên các sàn giao dịch. Đây là một dấu hiệu gợi ý về khả năng chốt lời trong tương lai gần, có thể khiến giá giảm xuống.

Nhưng có vẻ như động thái này sẽ không tác động mạnh tới thị trường.

Các “cá voi” là những nhà đầu tư nắm giữ ít nhất 1.000 Bitcoin. Vì họ kiểm soát một lượng lớn Bitcoin nên việc mua vào và bán ra của nhóm nhà đầu tư này có thể có tác động lớn đến thị trường. Theo dõi hoạt động của các cá voi có thể cung cấp thông tin chi tiết về hướng giá tiềm năng.

Theo công ty phân tích on-chain Glassnode, khối lượng ròng Bitcoin di chuyển từ ví sang các sàn giao dịch đã và đang tăng lên kể từ ngày 22/1. Việc di chuyển Bitcoin lên các sàn giao dịch thường là một tín hiệu giá giảm, do nó phản ánh ý định bán tài sản của các nhà đầu tư.

Xem xét kỹ hơn, số lượng coin của các cá voi đưa lên các sàn giao dịch đang giảm trong những tuần gần đây. Chỉ xem xét riêng điều này thì đây là tín hiệu giá lên. Nhưng khối lượng coin gửi lên các sàn giao dịch vượt quá số lượng rút ra nên điều này lại trở thành tín hiệu tiêu cực.

Bitcoin mất mốc 23.000 USD trước thềm cuộc họp của FEDBiểu đồ Khối lượng ròng các cá voi Bitcoin gửi lên/rút ra các sàn giao dịch. Nguồn: Glassnode

Trong lịch sử, chỉ số khối lượng ròng có xu hướng di chuyển theo các bước sóng. Mặc dù động thái hiện tại không đảm bảo một đợt bán tháo sẽ xảy ra, nhưng nó có lẽ báo trước những gì các nhà đầu tư lớn hơn sẽ làm. Việc chuyển Bitcoin lên các sàn giao dịch tiếp tục kéo dài sẽ báo hiệu rằng những người nắm giữ lớn hơn đang chuẩn bị bán ra, điều này có thể dẫn đến việc giá giảm. Tuy nhiên động thái này mới đang ở giai đoạn đầu.

Các địa chỉ cá voi gần đây đã tăng lên 1.678 địa chỉ, từ mức thấp trong 3 năm là 1.670 địa chỉ vào ngày 1/1. Trong khi đó, giá Bitcoin đã tăng 40% trong cùng kỳ.

Việc giá tăng lên cao hơn đã mở ra triển vọng chốt lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Bitcoin mất mốc 23.000 USD trước thềm cuộc họp của FEDBiểu đồ số lượng cá voi Bitcoin. Nguồn: Glassnode

LayerZero phủ nhận sự tồn tại của lỗ hổng bảo mật

Một tin tức khác được cộng đồng tiền số quan tâm trong ngày 30/1 là việc nhà đồng sáng lập LayerZero bác bỏ cáo buộc từ một đối thủ cạnh tranh rằng họ đã che đậy sự tồn tại của một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. LayerZero là công ty cung cấp các dịch vụ giúp các blockchain kết nối các tài sản kỹ thuật số với nhau.

Cụ thể, trong bài đăng trên Twitter hôm 30/1, nhà sáng lập dịch vụ cầu nối đa chuỗi Nomad James Prestwich đã cáo buộc rằng LayerZero có thể đã bỏ qua các biện pháp kiểm soát bảo mật và truyền dữ liệu giữa các chuỗi khối, mà không có sự cho phép của bất kỳ ai.

Theo ông Prestwich, sự tồn tại của “lỗ hổng (còn được gọi là ‘backdoor’) có thể làm tổn hại đến chức năng của hệ thống,” và với sự tồn tại của lỗ hổng này, LayerZero có khả năng đơn phương đánh cắp hoặc di chuyển các khoản tiền đã khóa trên các nền tảng sử dụng dịch vụ bắc cầu của nó với cài đặt mặc định.

Phản hồi lại, nhà đồng sáng lập LayerZero Bryan Pellegrino cho biết dự án này có các khả năng tồn tại backdoor, nhưng phủ nhận việc nền tảng này từng cố gắng che giấu chúng. Ông cho biết LayerZero công khai về các hoạt động bảo mật của mình, và cung cấp cho các nhà phát triển khả năng thiết lập các tham số chặn LayerZero khỏi các đặc quyền truy cập đặc biệt.

“Mọi ứng dụng đều có khả năng chọn các thuộc tính bảo mật của riêng chúng,” ông nói. “Tất cả những gì bạn phải làm là thiết lập cấu hình của mình và không ai có thể làm được điều gì.”

“James (Prestwich) biết rằng việc mô tả bất cứ thứ gì như một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng là điều điên rồ,” ông nói thêm.

Ông Pellegrino cho rằng động cơ của ông Prestwich có thể liên quan đến cuộc bỏ phiếu quản trị của Uniswap sắp tới để chọn nhà cung cấp dịch vụ cầu nối.

Đỗ Hiền-Theo coindesk

Ý kiến

768x1024vn.jpg