Trong phiên giao dịch sáng 20/3, giá vàng tại châu Á giảm 1%, khi nhu cầu trú ẩn an toàn của giới đầu tư giảm sau khi ngân hàng UBS đạt được thỏa thuận mua lại Credit Suisse trong nỗ lực giải cứu nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng và bình ổn các thị trường tài chính toàn cầu.
Vào lúc 8 giờ 05 phút, giá vàng giao ngay giảm 1% xuống 1.969,14 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tăng 0,2% lên 1.977,60 USD/ounce.
Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS ngày 19/3 đã đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD trong một thỏa thuận được dự đoán sẽ khép lại vào năm 2023. Theo đó, UBS sẽ trả 3 tỷ franc Thụy Sỹ (3,25 tỷ USD) và tiếp quản khoản lỗ lên đến 5,4 tỷ USD.
Vài giờ sau khi UBS và Credit Suisse đạt được thỏa thuận trên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương các nước Canada, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sỹ thông báo sẽ phối hợp để nâng cao khả năng tiếp cận thanh khoản cho các ngân hàng, bằng cách thúc đẩy nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ, giúp các ngân hàng trung ương khác ngoài Fed được tiếp cận đồng USD dễ dàng hơn.
Phiên này, đồng USD tăng 0,1%, khiến vàng, vốn được định giá bằng đồng tiền này, trở nên ít hấp dẫn hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,4% xuống 22,27 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,4% và được giao dịch ở mức 971,92 USD/ounce.
Mặc dù đã mất tới 12% giá trị trong tuần vừa qua do những lo ngại về khủng hoảng ngân hàng, nhưng thông tin UBS mua lại Credit Suisse có thể giúp dầu giảm bớt gánh nặng.
Giá dầu Brent biển Bắc đã mất gần 12% giá trị trong tuần này, mức giảm nhiều nhất tính theo tuần kể từ tháng 12/2022. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 13% kể từ mức chốt phiên ngày 10/3, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 4/2022.
John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý vốn Again Capital LLC ở New York, nhận định các sự kiện đang diễn ra không quá nghiêm trọng như những gì thị trường đánh giá, song có lo ngại rằng dầu không phải là nơi trú ẩn an toàn như tiền mặt hay vàng. Giá dầu đang “theo chân” các thị trường chứng khoán bởi lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra và cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng đang diễn ra hiện nay.
Thị trường dầu đã trải qua một tuần giao dịch khá chật vật vì cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng, với sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank và giá cổ phiếu của Credit Suisse sập sàn sau khi cổ đông lớn nhất của Credit Suisse là Saudi National Bank thông báo sẽ không thể hỗ trợ tài chính thêm cho ngân hàng này.
Vụ phá sản của ngân hàng SVB đã gây ra những biến động lớn đối với cổ phiếu ngân hàng khi các nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của một số ngân hàng, bất chấp sự đảm bảo từ Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà hoạch định chính sách toàn cầu khác.
Trong khi đó, giá tiêu dùng tại Mỹ tiếp tục tăng trong tháng Hai khi người Mỹ liên tục phải đối mặt với chi phí thuê nhà và thực phẩm cao hơn. Điều này đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi cuộc chiến chống lạm phát đã trở nên phức tạp do sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực.
Chuyên gia Edward Moya thuộc công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho biết giá dầu thô giảm sau khi báo cáo lạm phát đánh đi tín hiệu về một đợt tăng lãi suất nữa của Fed.
Số liệu thống kê cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng Hai sau khi tăng 0,5% trong tháng Một. Sự giảm tốc này đã khiến các nhà đầu tư dự báo Fed sẽ tăng lãi suất ít hơn trong tháng Ba. Các nhà giao dịch phần lớn dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng này.
Nhà phân tích Phil Flynn tại công ty dịch vụ tài chính The PRICE Futures Group (Mỹ) cho rằng cuộc khủng hoảng đang khiến các ngân hàng lớn giảm nợ, hạn chế đầu tư vào dầu mỏ và khiến giá dầu giảm mạnh hơn các tài sản rủi ro khác.
Các thành viên OPEC+ cho rằng giá dầu sụt giảm trong tuần này là do các động lực tài chính hơn là do bất kỳ sự mất cân bằng cung cầu nào, đồng thời kỳ vọng thị trường sẽ ổn định.
Ngoài ra, việc giá dầu WTI giảm xuống dưới 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021 trong tuần này có thể thúc đẩy Chính phủ Mỹ bắt đầu lấp đầy Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, qua đó thúc đẩy nhu cầu.
Và các nhà phân tích kỳ vọng sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc sẽ hỗ trợ giá, với xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc trong tháng 3/2023 hướng tới mức cao nhất trong gần hai năm rưỡi.
Vương Linh