Trong phiên 24/5, giá vàng thế giới giảm khi đồng USD mạnh lên hạn chế một số dòng tiền đổ vào vàng trước nguy cơ Mỹ vỡ nợ sắp xảy ra, trong khi các nhà đầu tư nghiên cứu biên bản cuộc họp tháng 5/2023 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu tăng 2% sau lời cảnh báo từ Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia đối với giới đầu cơ làm tăng khả năng về một đợt cắt giảm sản lượng tiếp theo của các nhà sản xuất lớn.
Khoảng 0 giờ 25 phút sáng 25/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.962,92 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,5% xuống 1.964,60 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD (DXY) đã chạm mức cao mới trong 2 tháng, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vẫn giữ hạn chót về vấn đề trần nợ vào đầu tháng 6/2023, trong khi các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cố gắng tiến tới một thỏa thuận.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali tại công ty tài chính TD Securities cho rằng vấn đề trần nợ đang ảnh hưởng đến thị trường. Vàng đã tăng trong phiên trước đó bất chấp việc đồng USD đang tăng giá, điều này cho thấy nhu cầu đáng chú ý.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế hàng hóa Edward Gardner tại công ty tài chính Capital Economics, cho biết nếu những rắc rối trong lĩnh vực ngân hàng Mỹ lắng xuống và đạt được thỏa thuận về trần nợ, vàng có thể giảm hơn nữa.
Theo biên bản cuộc họp ngày 2-3/5 được công bố hôm 24/5, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nhất trí việc cần tăng thêm lãi suất “đã trở nên ít chắc chắn hơn”. Thống đốc Fed Christopher Waller cảnh báo, mặc dù có thể bỏ qua việc tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng tới, nhưng việc kết thúc chiến dịch tăng lãi suất là không có khả năng xảy ra.
Giá vàng đang biến động trên mức thấp nhất của 1 tháng rưỡi ghi nhận được trong tuần trước, do lãi suất cao hơn có xu hướng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Trong phiên 24/5, giá dầu thế giới tăng 2% sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm mạnh và cảnh báo từ Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia làm tăng triển vọng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối bao gồm Nga, hay còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng.
Giá dầu Brent biển Bắc chốt phiên tăng 1,52 USD (2%) lên 78,36 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,43 USD (2%) lên 74,34 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ đã bất ngờ giảm mạnh 12,5 triệu thùng xuống còn 455,2 triệu thùng do nhập khẩu giảm, trái ngược với dự đoán tăng 800.000 thùng của các nhà phân tích. Dự trữ xăng của Mỹ giảm 2,1 triệu thùng xuống 216,3 triệu thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 600.000 thùng xuống 105,7 triệu thùng. Ngoài ra, kỳ nghỉ Memorial Day của Mỹ vào ngày 29/5 đánh dấu sự bắt đầu của mùa cao điểm du lịch Hè và nhu cầu nhiên liệu cao hơn.
Nhà phân tích Phil Flynn tại công ty dịch vụ tài chính Price Futures Group cho biết, các nhà máy lọc dầu đang hoạt động hết công suất để cố gắng đáp ứng nhu cầu. Thị trường đã quá tập trung vào trần nợ và lãi suất, mà không để ý tới cung và cầu của thị trường dầu vốn đã thắt chặt trong vài tuần qua.
Khả năng nguồn cung bị siết chặt có thể xảy ra khi người đứng đầu ngành năng lượng Saudi Arabia cho biết ông sẽ khiến những người bán khống - vốn đặt cược rằng giá sẽ giảm - chịu thiệt. Không ít nhà đầu tư coi đó là tín hiệu cho thấy OPEC+ có thể xem xét cắt giảm sản lượng sâu hơn tại cuộc họp vào ngày 4/6 tới. Nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam của công ty tài chính OANDA nhận định giá dầu đang giao dịch cao hơn do cảnh báo mới nhất này từ Saudi Arabia.
Một yếu tố khác đang gây sức ép cho thị trường là các cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ không ghi nhận tiến triển nào trong khi thời hạn chót để nâng giới hạn vay của chính phủ hay rủi ro vỡ nợ đang đến gần.
Yến Anh