Phiên 28/3, giá vàng thế giới đã tăng nhờ sự hỗ trợ từ đồng USD yếu hơn. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn những lo ngại về khủng hoảng ngân hàng, kìm hãm đà tăng của vàng.
Sau hai phiên giảm, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.970,88 USD/ounce lúc 0 giờ 40 phút ngày 29/3. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1% lên 1.973,50 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này giảm khoảng 0,4%, khiến kim loại quý được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff tại chuyên trang về kim loại quý Kitco Metals cho biết việc Chỉ số đồng USD yếu hơn đã thúc đẩy nhu cầu mua vào trên thị trường vàng. Tuy nhiên, nhu cầu mua chắc chắn đang bị kìm hãm bởi thực tế rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng - ít nhất vào thời điểm hiện tại - dường như đã ổn định.
Trong phiên điều trần đầu tiên của quốc hội về sự sụp đổ đột ngột của hai ngân hàng khu vực của Mỹ và sự hỗn sau đó trên thị trường, một cơ quan quản lý hàng đầu của nước này đã chỉ trích ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) về khả năng quản lý rủi ro của họ. Trong khi đó, các nhà lập pháp yêu cầu được biết lý do tại sao các dấu hiệu cảnh báo về rắc rối lại bị bỏ qua.
Ông Wyckoff nói thêm rằng thị trường vẫn còn quan tâm về vấn đề này, qua đó hạn chế nhu cầu về tài sản rủi ro trong ít nhất vài tuần tới cho đến khi họ nghĩ rằng thị trường đã vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Trong khi đó, ông Ole Hansen - trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank, cho biết giá vàng thời gian tới có thể trượt xuống mức 1.933 USD/ounce. Nhưng triển vọng của vàng vẫn theo hướng tăng, với lãi suất của Mỹ đang nhanh chóng đạt đỉnh và nền kinh tế vẫn có nguy cơ rơi vào suy thoái trong những tháng tới.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,6% lên 23,23 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,7% xuống 965,19 USD/ounce.
Giá dầu thế giới kéo dài đà tăng trong phiên 28/3, do rủi ro gián đoạn nguồn cung từ Iraq cùng hy vọng rằng tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng được kiềm chế.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn kết thúc ở mức 78,65 USD/thùng với mức tăng 53 xu Mỹ (tương đương 0,7%). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 39 xu Mỹ (0,5%) và chốt phiên ở mức 73,20 USD/thùng.
Hôm thứ Hai, giá dầu đã tăng hơn 3 USD vì Iraq ngừng xuất khẩu khoảng 450.000 thùng dầu/ngày từ khu vực phía Bắc nước này qua Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi có quyết định từ toàn trọng tài rằng cần có sự đồng ý của Baghdad để vận chuyển dầu.
Quyết định ngừng xuất khẩu dầu của Iraq liên quan đến vụ kiện từ năm 2014, khi Baghdad cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận chung khi cho phép Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) xuất khẩu dầu thô thông qua một đường ống dẫn đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông John Kilduff, một quản lý cấp cao tại công ty môi giới tài chính Again Capital ở New York cho biết sự cắt giảm lượng dầu nêu trên là một vấn đề lớn đối với thị trường. Song ông cho rằng sự kiện này đang bị đánh giá thấp.
Ngân hàng Barclays cho biết bất kỳ đợt ngừng xuất khẩu kéo dài nào của Iraq cho đến cuối năm đồng nghĩa giá dầu Brent sẽ tăng 3 USD/thùng so với dự báo 92 USD/thùng của ngân hàng cho loại dầu này vào năm 2023.
Trong khi đó, chuyên gia Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates cho biết những lo ngại về các vấn đề ngân hàng hiện đã lắng xuống, tạm thời làm giảm bớt những nhận định về một cuộc suy thoái.
Ông Ritterbusch cho biết thêm, đồng USD yếu hơn đã giúp dầu trở nên rẻ hơn đối với người mua quốc tế, qua đó cũng thúc đẩy giá “vàng đen”.
Giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các dấu hiệu phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc.
Một dự báo hàng năm do đơn vị nghiên cứu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) công bố hôm 28/3 cho thấy nhập khẩu dầu thô của thị trường tỷ dân này dự kiến sẽ tăng 6,2% vào năm 2023 lên 540 triệu tấn.
Vương Linh